.

Từ 1-7-2009, nhiều chính sách mới có hiệu lực

.

Từ 1-7-2009, trẻ em trên 6 tuổi phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy.
Từ 1-7-2009, nhiều bộ luật quan trọng liên quan thiết thân đến đời sống người dân như Luật Quốc tịch, Luật Bảo hiểm Y tế, Luật Thi hành án dân sự, Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi)… sẽ có hiệu lực thi hành.

Tiếp tục khẳng định nguyên tắc một quốc tịch nhưng có trường hợp ngoại lệ

Luật Quốc tịch Việt Nam tiếp tục khẳng định nguyên tắc 1 quốc tịch; những trường hợp ngoại lệ có thể đồng thời có quốc tịch nước ngoài như: xin nhập quốc tịch Việt Nam, xin trở lại quốc tịch Việt Nam… phải Chủ tịch nước cho phép

Luật quy định rõ người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam và trong thời hạn 5 năm kể từ ngày Luật có hiệu lực, phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước nơi người đó định cư để giữ quốc tịch Việt Nam. Với những người không quốc tịch đã cư trú ổn định lâu dài trên lãnh thổ Việt Nam từ 20 năm trở lên tính đến ngày Luật có hiệu lực thi hành mà tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam sẽ được nhập quốc tịch Việt Nam.

Bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy

So với Luật năm 2001, Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) bổ sung một số quy định cụ thể về độ tuổi trẻ em được chở thêm trên xe môtô, xe gắn máy và xe đạp; bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người điều khiển, người ngồi trên xe môtô, xe gắn máy, xe đạp máy; trách nhiệm của chính quyền địa phương nơi xảy ra tai nạn giao thông... nhằm phù hợp với tình hình phát triển của xã hội, đảm bảo ATGT.

Luật Giao thông đường bộ quy định chặt chẽ điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô, đặc biệt quy định việc gắn thiết bị giám sát hành trình của phương tiện kinh doanh vận tải; bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của người kinh doanh vận tải, người lái xe và nhân viên phục vụ trên ôtô vận tải hành khách, hành khách, người thuê vận tải, người nhận hàng...

Luật cũng nghiêm cấm người điều khiển ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Ngoài ra, cấm người lái môtô, xe máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/l khí thở.

Tạo điều kiện thuận lợi thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sức khỏe nhân dân

Luật quy định cụ thể 24 nhóm đối tượng tham gia BHYT và một nhóm đối tượng khác để Chính phủ tùy tình hình cụ thể quy định thêm nhóm đối tượng tham gia BHYT.

Trong số 24 nhóm đối tượng được xác định cụ thể, 11 đối tượng được cấp thẻ BHYT từ nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm (trẻ em dưới 6 tuổi, người có công với cách mạng, cựu chiến binh, bảo trợ xã hội, người nghèo, người cao tuổi...).

Luật xác định mức trần đóng bảo hiểm y tế là 6% tiền công, tiền lương và thu nhập; giao Chính phủ căn cứ vào tình hình KT-XH của đất nước trong từng giai đoạn cụ thể để quy định mức đóng, hỗ trợ đối với từng nhóm đối tượng.

Luật quy định, tùy theo điều kiện cụ thể, các nhóm đối tượng hưởng BHYT ở các tuyến sẽ được thanh toán chi phí chữa bệnh theo 3 mức (100%, 95%, 80%). Luật cũng quy định rõ 14 trường hợp không được hưởng BHYT (điều 23 và 24).

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT trong việc lựa chọn cơ sở khám, chữa bệnh phù hợp với điều kiện lưu trú, làm việc, Luật quy định: Người tham gia bảo hiểm y tế có quyền đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại cơ sở khám, chữa bệnh tuyến xã, tuyến huyện hoặc tương đương; trừ trường hợp được đăng ký tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh, hoặc tuyến Trung ương theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Nâng thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự lên 5 năm

Cơ bản kế thừa các quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004, Luật Thi hành án dân sự bổ sung nhiều quy định mới như: Chấp hành viên có 3 ngạch (sơ cấp, trung cấp, cao cấp); việc bổ nhiệm Chấp hành viên phải thông qua thi tuyển; bỏ quy định hiện hành về việc bổ nhiệm Chấp hành viên theo nhiệm kỳ.

Thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự được nâng lên 5 năm (thay vì 3 năm như trước) để đảm bảo quyền lợi của đương sự. Luật Thi hành án dân sự quy định theo hướng phân biệt rõ điều kiện để miễn và điều kiện để giảm thi hành án. 

Bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học

Luật Đa dạng sinh học thể chế hóa các chủ trương của Đảng, đảm bảo thống nhất quản lý nhà nước về bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học trên cơ sở phân công, phân cấp rõ ràng, hợp lý giữa các cơ quan Trung ương, giữa Trung ương và địa phương.

Luật Đa dạng sinh học được xây dựng trên nguyên tắc quan tâm đến lợi ích của các bên liên quan trong bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học trên cơ sở công bằng và bình đẳng trước pháp luật. Công tác bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học thực hiện theo hướng thúc đẩy và hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo.

Luật Công nghệ cao

Luật Công nghệ cao đã thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, tạo cơ sở pháp lý hoàn chỉnh, vững chắc và thông thoáng cho hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ cao, đặc biệt là chính sách coi đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ cao là giải pháp đặc biệt có tính đột phá nhanh chóng nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, đảm bảo khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, các ngành kinh tế - kỹ thuật và của nền kinh tế nước ta.

Luật Công nghệ cao tạo bước thống nhất việc điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực công nghệ cao, tạo bước đột phá trong ứng dụng, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao phục vụ cho yêu cầu của sự nghiệp CNH-HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Pháp lệnh án phí, lệ phí tòa án

Pháp lệnh án phí, lệ phí tòa án quy định về các loại án phí, lệ phí tòa án đối với người bị kết án, đương sự trong các vụ án hình sự, dân sự, hành chính; mức án phí, lệ phí tòa án; nguyên tắc thu, nộp; điều kiện, thủ tục miễn; những trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí tòa án; nghĩa vụ nộp án phí, lệ phí tòa án; cơ quan có thẩm quyền thu; xử lý tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí tòa án; giải quyết khiếu nại về án phí, lệ phí tòa án

ĐNĐT (tổng hợp)

;
.
.
.
.
.