Trong gia đình Việt Nam hiện đại, dòng họ vẫn giữ được vị trí tôn quý như trong gia đình Việt Nam truyền thống. Đáng chú ý là những khả năng liên kết giữa các gia đình cùng dòng họ ngày càng đa dạng hơn.
Song song với xu hướng thống nhất cùng đặt tên con theo họ kép (thường có hai chữ: chữ đầu để phân biệt với các họ khác, chữ sau để phân biệt với các chi, phái cùng dòng họ) hoặc theo quy định về thế thứ (nhìn vào có thể biết được một người thuộc vào đời thứ mấy trong dòng họ) đang có xu hướng tập hợp người đồng tộc-cùng một họ-trên phạm vi cả nước (như họ Bùi Việt Nam, họ Nguyễn Việt Nam, họ Lê Việt Nam, họ Đỗ Việt Nam...).
Phong trào lập hoặc lập lại gia phả-thực chất là tộc phả-phát triển rất mạnh và cũng rất chuyên nghiệp đến mức có hẳn một trang web miễn phí trên mạng Internet mang tên vietnamgiapha.com. Một số dòng họ lập quỹ khuyến học, khuyến tài để giúp người trong họ hiếu học mà gia cảnh khó khăn có thêm điều kiện học tập, hay để khen thưởng người trong họ học giỏi đỗ đạt cao làm vẻ vang cho dòng họ. Nhiều khi người cùng dòng họ sống thì ở xa nhau và do tất bật mưu sinh cả năm mới gặp mặt vào ngày chạp mả, nhưng lúc chết vẫn có thể quây quần một chỗ trong nghĩa trang gia tộc.
Nhà thờ tộc, thậm chí nhà thờ phái, nhà thờ chi được con cháu góp công của xây mới hoặc trùng tu ở nhiều nơi, kể cả ở đô thị cũng phản ánh nhu cầu tìm về cội nguồn dòng họ của các gia đình Việt Nam hiện nay – nhất là những gia đình phải sống xa quê. Nói chung ngân sách mỗi gia đình Việt Nam hiện đại đều dành một khoản chi nhất định cho dòng họ, thường là đóng góp hằng năm phục vụ cho việc giẫy mả - chạp mả và cho một số việc khác như khuyến học khuyến tài...
Tuy nhiên, để có thể phát huy tốt hơn vai trò của dòng họ trong gia đình Việt Nam hiện đại, theo tôi cần chú trọng thêm vấn đề bình đẳng giới. Có thể nói, nếu nhìn trong mối quan hệ gia đình-dòng họ thì tình trạng bất bình đẳng giới vẫn còn khá sâu sắc trong gia đình Việt Nam hiện đại. Ở đây tạm thời chưa đề cập chuyện con sinh ra chủ yếu mang họ cha. Chắc là khó có thể thay đổi được tính chất “lệch một phía”, “hậu nội bạt ngoại” trong chuyện này.
Vả chăng xu hướng ghép họ mẹ sau họ cha khi đặt tên con-như một giải pháp tạo thế cân bằng-cũng khá phổ biến và đang trở thành một nét đẹp văn hóa. Điều mấu chốt nhất là ảnh hưởng của dòng họ ngoại hãy còn quá mờ nhạt ở không ít gia đình Việt Nam, đặc biệt từ thế hệ cháu trở xuống. Một gia đình có ít nhất là bốn dòng họ có liên quan, nhưng thường con cháu chỉ biết dòng họ của cha và ông nội mình (nhờ những nỗ lực nêu trên), cũng có thể biết thêm dòng họ của mẹ và ông ngoại mình (có trường hợp như các cháu ngoại cụ Phan Châu Trinh rất tự hào về họ Phan làng Tây Lộc), trong khi phần đông biết rất mơ hồ, thậm chí không biết về họ của bà nội mình và nhất là họ của bà ngoại mình.
Đó là mới chỉ nói đời cháu chứ đời chắt trở đi, sự thể càng đáng buồn hơn. Càng ngẫm nghĩ càng thấy bất cập, bất công và bất nhẫn nữa, bởi xét về quan hệ huyết thống thì một con người sinh ra trong cõi nhân gian này đâu chỉ có máu cha là đủ.
Sự bất cập, bất công và bất nhẫn vừa nêu bắt nguồn từ quan niệm “nữ nhân ngoại tộc”, bằng chứng là nhiều cuốn gia phả không có ý thức ghi hoặc ghi rất ít về các nàng dâu của dòng họ, không có ý thức ghi rất ít về các chàng rể và cháu ngoại-mà cũng chỉ dừng lại ở cháu ngoại, không bao giờ ghi chắt ngoại. Thành thử dòng họ với huyết thống nói ở trên kia đều là các khái niệm chưa đầy đủ, chưa bao giờ đầy đủ, còn câu tục ngữ quen thuộc “họ chín đời chưa rời nhau ra” chỉ đúng khi hiểu họ là họ của cha và ông nội mình.
Cho nên trước hết cần phải đổi mới tư duy về dòng họ, về nhu cầu biết họ biết hàng. Mỗi người-ngay từ tuổi ấu thơ-phải được tạo điều kiện để có hiểu biết, đồng thời có mối liên hệ với cả họ nội và họ ngoại của mình, của cha mẹ mình, của ông nội bà nội và ông ngoại bà ngoại mình-tất nhiên còn có thể mở rộng hơn nữa nhưng có lẽ chỉ giới hạn sự hiểu biết và mối liên hệ ấy của mỗi người trong phạm vi bốn thế hệ như vậy đã rất quý rồi.
Có nhiều cách để tạo sự hiểu biết và mối liên hệ họ hàng, chẳng hạn qua các ngày giỗ chạp, hiếu hỷ hoặc qua các gia phả liên quan tới dòng họ-hiểu dòng họ tương đối rộng như nêu trên. Cần xem mức độ hiểu biết và gắn bó với dòng họ của một người như là biểu hiện đẳng cấp văn hóa của người đó. Về phía các dòng họ, cần bày tỏ sự trân trọng đối với con cháu, đặc biệt là con cháu ngoại, không chỉ và chủ yếu cũng không phải ở chỗ họ đóng góp nhiều hay ít tiền của cho dòng họ-tất nhiên được thế cũng tốt-mà chủ yếu ở chỗ họ cảm thấy tự hào, hơn thế nữa góp phần làm vinh danh thêm truyền thống dòng họ mình ra sao, nhất là họ giữ sợi dây liên hệ với dòng họ mình như thế nào.
Và không chỉ bày tỏ qua thái độ giao tiếp ứng xử, các dòng họ còn cần lưu giữ sự trân trọng ấy trên những trang gia phả thấm đẫm tinh thần bình đẳng giới. Có như vậy thì vai trò của dòng họ trong gia đình Việt Nam hiện đại mới thật sự sinh động và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc...
BÙI VĂN TIẾNG
.
.
Vai trò của dòng họ trong gia đình Việt Nam hiện đại
Thứ Ba, 23/06/2009, 07:32 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.