.

Vai trò hạt nhân của gia đình trong xã hội hiện nay

Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần  cù sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách đã được gia đình Việt Nam giữ gìn, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước.

Qua nhiều thời kỳ phát triển, cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có những thay đổi, nhưng chức năng cơ bản của gia đình vẫn còn tồn tại và gia đình vẫn là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Có thể nói, gia đình là “hộ” - đơn vị kinh tế - xã hội, là nơi sản xuất ra của cải vật chất nuôi sống gia đình và xã hội, và cũng là nơi tạo ra con người, tái sản xuất sức lao động; là tổ ấm đầu tiên nuôi dưỡng, hình thành nhân cách của con người.

Nó không chỉ là mối quan tâm của từng người, không phải là việc nghiên cứu của một số nhà khoa học mà là sự quan tâm của cả một thiết chế xã hội được thể hiện qua nhận thức và hành động của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Như vậy rõ ràng, gia đình không còn là vấn đề cá biệt, riêng lẻ nữa, mà đã trở thành vấn đề chung của quốc gia và quốc tế. Cái gì làm cho gia đình trở thành một hiện tượng tồn tại đặc hữu của con người thì phải luôn luôn củng cố - đó là các quan hệ đạo đức của gia đình.

Có một thực tế hiện nay là, nhiều gia đình lúng túng trong việc dạy con cái như thế nào? Hướng con cái vào những giá trị đạo đức cổ truyền thì cho rằng lỗi thời, hướng vào các giá trị hiện đại thì chưa thật rõ. Cho nên, có những gia đình chỉ biết dạy con “ngoan”, thành người tử tế mà thôi, một bộ phận dạy con theo kiểu “tùy thời”, còn một bộ phận phó thác cho xã hội hoặc bất lực, hoặc dạy một cách tiêu cực.

Truyền thống xây đắp gia phong và giáo dục gia phong trong các gia đình cần được phát huy. Gia phong là truyền thống tốt đẹp của gia đình được các thế hệ đi trước phấn đấu xây đắp nên và truyền lại cho các thế hệ sau noi theo, kế thừa và phát triển. Trong đó truyền thống đạo đức là yếu tố cốt lõi của gia phong, là nền tảng tinh thần để gia đình ổn định. Truyền thống gia đình không chỉ có tác dụng như một động lực tinh thần thôi thúc người ta phấn đấu mà còn có tác dụng như một cơ chế tự bảo vệ, chống lại sự tha hóa.

Trong những năm gần đây, Ngày Gia đình Việt Nam được tổ chức, triển khai như một cuộc vận động xã hội rộng lớn, nhằm phát huy vai trò của gia đình trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng con người nói chung và trẻ em nói riêng. Bảo đảm cho những chính sách xã hội được thực hiện công bằng và có hiệu quả trên các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, vệ sinh môi trường, sức khỏe sinh sản... bằng cách lồng ghép các chương trình mục tiêu:
 
Chính sách tín dụng ưu đãi cho người nghèo, chuyển giao công nghệ, tạo việc làm, hướng nghiệp... tạo điều kiện cho các gia đình có đời sống vật chất bớt khó khăn, thì mới có thể làm tốt công tác xây dựng quan hệ gia đình và đạo đức trong gia đình tốt đẹp. Nhiệm vụ của mỗi gia đình Việt Nam chúng ta trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là phải tạo ra những thế hệ người Việt Nam có bản lĩnh chính trị vững vàng, khỏe mạnh, có học vấn, có thực tiễn.

QUỐC TÍN

;
.
.
.
.
.