.

Việc xử lý nguy cơ từ Thủy điện Đăk Mi 4 vẫn giẫm chân tại chỗ

.

Đập Thủy điện Đăk Mi 4 sắp sửa hoàn thành.
(ĐNĐT) - Việc xử lý nguy cơ Thủy điện Đăk Mi 4 gây ra thảm kịch “chết khát” ở hạ lưu sông Vu Gia đang tiếp tục giẫm chân tại chỗ do Bộ Công thương vẫn chưa có quyết định thành lập tổ chuyên gia để tính toán việc xây cống qua thân đập.

Ngày 30-6, ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đà Nẵng cho hay, mặc dù đã hơn nửa tháng sau cuộc họp do Bộ Công thương chủ trì nhưng đến thời điểm này vẫn chưa nhận được quyết định của bộ này về việc thành lập tổ chuyên gia nhằm giúp Vụ Năng lượng (Bộ Công thương) tính toán việc xây cống qua thân đập Thủy điện Đăk Mi 4 để trả nước sông Đăk Mi về lại sông Vu Gia.

Trước đó, tại cuộc họp ngày 11-6 bàn giải pháp giải quyết nguy cơ gây ra thảm kịch “chết khát” ở vùng hạ lưu sông Vu Gia do Nhà máy Thủy điện Đăk Mi 4 dự tính chuyển nước sông Đăk Mi về sông Thu Bồn để phát điện chứ không trả lại sông Vu Gia như vốn có, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào đã yêu cầu phải duy trì nguyên tắc trả nước sông Đăk Mi về lại sông Vu Gia.

Ông Đỗ Hữu Hào cũng chỉ đạo thành lập gấp tổ chuyên gia nhằm giúp Vụ Năng lượng tính toán lượng nước phải trả lại để Nhà máy Thủy điện Đăk Mi 4 có thể tiến hành xây dựng cống qua thân đập rồi thi công các hạng mục tiếp theo đảm bảo tiến độ. Theo đề nghị của UBND TP Đà Nẵng, lưu lượng nước trả lớn nhất là 87m3/s nhưng chủ đầu tư Thủy điện Đăk Mi 4 là Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam chỉ đồng ý lưu lượng nước trả lại từ 5 – 6m3/s.

Ngày 18-6, UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản số 3825 cử ông Huỳnh Vạn Thắng tham gia tổ chuyên gia theo đề nghị của Bộ Công thương tại có văn bản 5518/BCT-NL ngày 15-6. Thế nhưng, đã nửa tháng trôi qua, UBND TP Đà Nẵng cũng như ông Huỳnh Vạn Thắng, với tư cách là người được cử trực tiếp tham gia tổ chuyên gia, vẫn chưa nhận được quyết định chính thức của Bộ Công thương về việc thành lập tổ chuyên gia này.

Ông Huỳnh Vạn Thắng nhắc lại, từ tháng 8-2008 đến tháng 3-2009, UBND TP Đà Nẵng đã liên tục gửi 3 văn bản đề nghị Bộ Công thương chủ trì tổ chức cuộc họp để xử lý tình trạng thiếu nước liên quan đến Thủy điện Đăk Mi 4 nhưng đều không được bộ này đáp ứng. Mãi đến khi Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo phải báo cáo trước ngày 20-6 thì họ mới tổ chức cuộc họp hôm 11-6 vừa qua.

“Nhưng họp xong đã hơn nửa tháng mà quyết định thành lập tổ chuyên gia vẫn chưa thấy đâu cả, lấy gì để tổ chuyên gia này đi vào hoạt động, khảo sát thực tế, bàn thảo đi đến thống nhất kết quả báo cáo Bộ Công thương để chỉ đạo chủ đầu tư Thủy điện Đăk Mi 4 thực hiện? Quá trình này cũng phải mất rất nhiều thời gian.

Trong khi đó, đập chính của Thủy điện Đăk Mi 4 đang được khẩn trương xây dựng, một khi phần dưới của thân đập xây dựng xong thì khả năng xây cống qua thân đập để trả nước sông Đăk Mi về lại sông Vu Gia là không thể thực hiện được”, ông Huỳnh Vạn Thắng bức xúc nói.

Năm 2001, sông Vu Gia tại Đại Cường (Đại Lộc, Quảng Nam) bị cắt dòng, chuyển nước về sông Thu Bồn đã gây ra thiếu nước nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế và đời sống của các địa phương phía Bắc tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng.

Gần 8.000ha lúa bị hạn nặng, giảm năng suất đến 60%. Thiếu nước cho công nghiệp, nhiều cơ sở sản xuất bị ngừng sản xuất dài ngày. Chất lượng sản phẩm công nghiệp bị giảm nặng do sử dụng nước bị nhiễm mặn. Nhiều lô hàng dệt may, thuỷ sản xuất khẩu bị trả lại.

Năm 2008, Thủy điện A Vương chặn dòng tích nước vào hồ chứa mùa khô khiến 6.000ha lúa bị hạn nặng. Nhà máy nước Cầu Đỏ (nguồn cung cấp nước chính cho TP Đà Nẵng) bị nhiễm mặn nghiêm trọng.

(Trích báo cáo của UBND TP Đà Nẵng tại cuộc họp ngày 11-6 do Bộ Công thương chủ trì)

Cẩm An

;
.
.
.
.
.