.
VIỆT NAM - LIÊN BANG NGA

Đoàn kết hữu nghị, hợp tác và phát triển

Ngày 30-1-1950, Liên Xô, hiện nay là Liên bang Nga kế thừa, là một trong những nước đầu tiên trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Quan hệ hợp tác song phương cũng sớm được quan tâm thúc đẩy, việc ký kết Hiệp định thương mại Việt-Xô ngày 18-6-1955 đã đặt nền móng cho quan hệ kinh tế Việt-Xô chính thức bắt đầu. Ba năm sau đó, ngày 31-7-1958, Hội Hữu nghị Xô-Việt được thành lập, hoạt động trong lĩnh vực ngoại giao nhân dân và đã luôn sát cánh cùng nhân dân Việt Nam anh em trong sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như xây dựng đất nước Việt Nam XHCN.

Mặc dù sau biến cố chính trị năm 1991, Liên bang Xô-viết không còn, nhưng hai nước Cộng hòa Liên bang Nga và CHXHCN Việt Nam vẫn  cùng trân trọng giữ gìn tình hữu nghị truyền thống đã được vun đắp trong nhiều thập kỷ đã trở thành tài sản vô giá và là nhân tố vô cùng quan trọng để tiếp tục đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới.

Năm 2001, mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước được xác lập nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin. Mối quan hệ ấy tiếp tục được khẳng định và phát triển trong chuyến thăm Liên bang Nga tháng 10-2008 của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Minh Triết; và gần đây nhất là chuyến thăm Liên bang Nga của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng vào tháng 4-2009. 

Quan hệ chính trị giữa hai nước ngày càng được củng cố và phát triển; sự tin cậy lẫn nhau tăng lên; trao đổi cấp cao giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước diễn ra thường xuyên. Việt Nam và Liên bang Nga có đồng quan điểm trên nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, đã phối hợp ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế như Liên Hiệp Quốc, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF). Liên bang Nga ủng hộ Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc khóa 2008 - 2009 và Việt Nam sẽ tích cực ủng hộ Nga sớm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới.

Quan hệ kinh tế - thương mại, đầu tư giữa hai nước phát triển tương đối ổn định. Kim ngạch thương mại trao đổi hai chiều năm 2008 là 1,641 tỷ USD (tăng 62,4% so với năm 2007), trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Nga 671 triệu USD và nhập khẩu từ Nga 970 triệu USD. Mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai nước đạt 3 tỷ USD vào năm 2010, 10 tỷ USD vào năm 2015 (1).

Năm 2008, Liên bang Nga đứng thứ 25/81 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 58 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 369,9 triệu USD. Đầu tư chủ yếu vào các lĩnh vực công nghiệp và xây dựng (chiếm 40,6% số dự án và 62,5% tổng vốn đầu tư), trong đó dầu khí - năng lượng vẫn là lĩnh vực hợp tác truyền thống và hiệu quả, điển hình là Liên doanh dầu khí Vietsovpetro đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách hai nước; đầu tư vào dịch vụ (44% số dự án và 29,6% tổng vốn đầu tư); số đầu tư còn lại trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp.

Ngược lại, Liên bang Nga cũng là một trong những thị trường thu hút nhiều đầu tư ra nước ngoài của các nhà đầu tư Việt Nam, đứng thứ 7/41 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam đã có 14 dự án đầu tư tại Liên bang Nga với tổng vốn đầu tư 198,3 triệu USD.
 
Một số dự án lớn đang hoạt động hiệu quả tại Nga như: Dự án Trung tâm cộng đồng đa năng thành phố Hồ Chí Minh tại Matxcơva của Công ty cổ phần Đầu tư Việt-Xô; Dự án tổ hợp khách sạn - văn phòng và trung tâm phát triển du lịch thương mại Việt Nam tại Matxcơva; Dự án Công ty cổ phần Đầu tư trung tâm thương mại Hà Nội – Matxcơva xây dựng trung tâm văn hóa, thể thao và thương mại, khách sạn, văn phòng cho thuê, v.v... (2) Hợp tác khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo và du lịch được tăng cường; hợp tác văn hóa được khôi phục.

Khoa học - công nghệ Việt Nam từ thập niên 90 trở về trước đã từng hấp thụ rất mạnh nền khoa học công nghệ Nga - chiếc nôi của khoa học thế giới và hiện nay hai nước đang nỗ lực tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực này. Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, cơ sở nghiên cứu khoa học - công nghệ hỗn hợp quốc tế đa ngành về nhiệt đới là một trong những điển hình hợp tác truyền thống được duy trì suốt hơn 20 năm nay.

Gần đây nhất, ngày 19-2-2009 Bệnh viện Mắt quốc tế Việt - Nga đã được khai trương tại Hà Nội, là dự án đầu tiên của Tổ hợp “Vi phẫu thuật mắt” tại Việt Nam trong chuỗi 4 dự án tại Việt Nam với mục tiêu cung cấp dịch vụ y tế nhãn khoa công nghệ cao cho người dân, đào tạo đội ngũ nhân viên y tế Việt Nam ứng dụng được những tiến bộ khoa học công nghệ cao; giúp bệnh nhân có cơ hội sang Nga điều trị chuyên khoa mắt.

Về giáo dục - đào tạo, Nga vẫn là một trong những nước góp phần đào tạo nguồn nhân lực chính của Việt Nam. Hằng năm Nga cấp cho Việt Nam hơn 250 suất học bổng đào tạo đại học và sau đại học tại các trường của Nga. Ngoài ra, số lượng lưu học sinh du học theo diện tự túc lên đến hơn 5.000 người. Chính phủ bạn rất ủng hộ sáng kiến của ta về việc thành lập một trường Đại học Nga tại Việt Nam.

Các hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai nước diễn ra sôi nổi, trong đó có việc tổ chức “Những ngày văn hóa Nga tại Việt Nam” và “Những ngày văn hóa Việt Nam tại Nga” không chỉ góp phần củng cố quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước mà còn góp phần giới thiệu, quảng bá  tinh hoa văn hóa dân tộc của nhau. Các hoạt động văn hóa được lồng ghép với các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, góp phần làm tăng lượng du khách đến với hai nước. Đặc biệt, từ ngày 1-1-2009, Việt Nam đơn phương miễn thị thực cho khách Nga vào Việt Nam dưới 15 ngày không phân biệt mục đích nhập cảnh - đây là một trong những điều kiện tốt góp phần phát triển nguồn du khách Nga đến với Việt Nam.

Có thể nói rằng hợp tác đa diện giữa hai nước trong những năm gần đây có những bước tiến  vượt trội, ngày càng khẳng định thực sự là đối tác chiến lược của nhau tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Để có được sự hợp tác đa diện hiệu quả, có chiều sâu và đáng tin cậy như vậy chính là nhờ nền tảng vững chắc của mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai dân tộc, và người giữ lửa cho mối quan hệ hữu nghị luôn ấm áp ấy chính là Hội hữu nghị song phương Nga - Việt, Việt - Nga.

Với nỗ lực không mệt mỏi trong suốt cuộc hành trình hơn 50 năm qua, Hội hữu nghị song phương hai nước ngày càng khẳng định vai trò không thể thiếu được của mình trong sự nghiệp phát triển chung của cả hai dân tộc, đúng như những gì mà Thủ tướng Liên bang Nga Vladimir Putin đã đánh giá: “Ngoại giao nhân dân trong nhiều trường hợp sẽ giúp củng cố nền tảng hợp tác chiến lược, sự phát triển ổn định và bền vững cho quan hệ Liên bang Nga và Việt Nam”.

Chúng tôi - những người giữ lửa cho tình hữu nghị Việt - Nga, Nga - Việt sẽ không bao giờ đơn độc bởi phía sau chúng tôi là sự tin tưởng, kỳ vọng và ủng hộ của Chính phủ và nhân dân cả hai nước:
 
“Quyết tâm trước sau như một của Nhà nước và nhân dân Việt Nam là sẽ làm hết sức mình để phát huy vốn quý của tình hữu nghị truyền thống sẵn có, tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác về mọi mặt giữa hai nước chúng ta và hy vọng rằng Hội Hữu nghị Nga - Việt và Hội Hữu nghị Việt - Nga với sự đồng tình, ủng hộ của các cơ quan Nhà nước các cấp và các tầng lớp nhân dân hai nước sẽ có những đóng góp xứng đáng và thiết thực vào việc thực hiện những mục tiêu tốt đẹp đó” (Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Minh Triết).

Chắc chắn rằng với sự quan tâm, ủng hộ hết mình của Chính phủ và nhân dân hai nước, tình đoàn kết hữu nghị Việt-Nga sẽ mãi mãi tỏa sáng, góp phần vào sự phát triển của mỗi quốc gia, vì hạnh phúc nhân dân mỗi nước, vì thế giới hòa bình và tiến bộ.

THANH THỦY (Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Đà Nẵng)

(1) Theo số liệu thống kê của Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công thương Việt Nam.
(2) Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam.

;
.
.
.
.
.