.

Xây dựng mô hình báo chí theo hướng hội nhập, chuyên môn hóa và chuyên nghiệp hóa

.

(ĐNĐT) - Trong hai ngày 4 và 5-6, tại Đà Nẵng, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tổ chức Hội nghị đánh giá công tác quản lý Nhà nước (QLNN) về báo chí hai năm 2007-2008 và triển khai những nhiệm vụ chủ yếu trong QLNN về báo chí năm 2009-2010.

Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Bắc Son, Ủy viên trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Doãn Hợp, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT-TT; Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ TT-TT; Lê Quốc Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị Trung ương, các Sở TT-TT và đại diện các cơ quan báo chí trên toàn quốc.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại phiên khai mạc Hội nghị vào sáng ngày 4-6, Bộ trưởng Bộ TT-TT Lê Doãn Hợp đã đánh giá khái quát những đặc điểm của báo chí Việt Nam dưới góc nhìn của nhà quản lý. Đó là, báo chí đã đổi mới ở bên trong và hội nhập mạnh mẽ với bên ngoài; vừa mở rộng dân chủ vừa thắt chặt kỷ cương để đi đúng quỹ đạo của dân tộc, của quốc gia; vừa phát triển vừa hoàn thiện các cơ chế, chính sách phù hợp với sự phát triển. 

Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nhấn mạnh đến những ưu điểm và tồn tại, hạn chế trong hoạt động của báo chí cũng như công tác QLNN về báo chí. Về ưu điểm, báo chí đã phát triển rất nhanh trên nhiều mặt, từ đó góp phần nâng cao dân trí; nhờ báo chí mà đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước kịp thời đến với nhân dân, đồng thời những kiến nghị của người dân cũng đến được với Đảng, chính quyền; có sự gắn bó giữa tuyên truyền “Người tốt, việc tốt”, điển hình tiên tiến với phê phán tiêu cực; tham gia tích cực vào mặt trận đưa thông tin về đất nước đến với bạn bè thế giới; đoàn kết tốt, hội nhập thành công.

Những tồn tại, hạn chế cơ bản vẫn là một số cơ quan báo chí thông tin không chính xác, trung thực do nhận thức, tầm nhìn hoặc có sự áp đặt; một số báo chí khi tiếp cận với thế giới thì ít tiếp thu sự tiến bộ, không có sự chọn lọc, đi trái với thuần phong mỹ tục; đội ngũ Tổng biên tập còn buông lỏng quản lý, thiếu nhận thức và nhạy cảm chính trị; không theo đúng sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, gây bức xúc cho xã hội.

Về QLNN, các cơ quan quản lý chưa làm tròn trách nhiệm; chậm luật hóa và cơ chế quản lý về Tổng biên tập, phát ngôn, cơ quan đại diện, thường trú...; cung cấp thông tin chưa chính xác, kịp thời, đầy đủ; nặng về xử lý răn đe mà chưa có sự tôn vinh để định hướng; hoạt động giao ban báo chí chưa đổi mới, nghèo nội dung, thiếu đối thoại và định hướng, dễ nhàm chán, vì vậy cần tập trung vào chuyên đề, đối thoại, mổ xẻ những vấn đề dư luận tập trung quan tâm; trình độ, kinh nghiệm QLNN còn bất cập.

Các đại biểu trao đổi thông tin bên lề hội nghị.

Sau khi rút ra những bài học kinh nghiệm bước đầu về vai trò của người đứng đầu, sự tôn trọng chỉ đạo, trung thực, nhanh nhạy và đúng định hướng, vai trò của đội ngũ cán bộ QLNN về báo chí..., Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nhấn mạnh đến 5 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác QLNN về báo chí trong thời gian đến. Đó là: Làm tốt công tác quy hoạch trong truyền dẫn phát sóng phát thanh-truyền hình với tinh thần xã hội hóa, nhất là hạ tầng; quy hoạch báo in theo hướng tập đoàn, doanh nghiệp và chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa; quy hoạch đào tạo cán bộ chủ chốt, trước hết là đội ngũ Tổng biên tập và trên lĩnh vực quản lý. Hoàn thiện thể chế và cơ chế chính sách để quản lý, trong đó có Luật Tiếp cận thông tin và Luật Báo chí (sửa đổi), hoàn chỉnh văn bản dưới luật. Xây dựng mô hình báo chí theo hướng hội nhập, chuyên môn hóa và chuyên nghiệp hóa, trở thành các tổ hợp truyền thông đa phương tiện.

Trong đào tạo nguồn nhân lực, cần theo hướng “trẻ hóa, tri thức hóa và chuyên nghiệp hóa”, bồi dưỡng kiến thức toàn diện cho đội ngũ phóng viên. Trong công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, cần xem việc tôn vinh người tốt, việc tốt là quan trọng nhất; trong xử lý phải xem góp ý, uốn nắn, xây dựng là chính chứ không chỉ trích; xử lý sai phạm phải nghiêm túc, tăng cường đối thoại trước khi ra quyết định xử lý để bảo đảm kỷ cương. Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nhấn mạnh, cần phát triển báo chí theo xu hướng đồng hành cùng quốc gia, dân tộc.

Báo cáo về công tác QLNN về báo chí trong hai năm qua, Cục trưởng Cục Báo chí Hoàng Hữu Lượng cho biết, tính đến nay, cả nước có 687 cơ quan báo chí in với 896 ấn phẩm; 67 đài phát thanh-truyền hình; 21 báo điện tử, 160 trang tin điện tử tổng hợp mang tính báo chí của các cơ quan báo chí in...với sự tham gia hoạt động của hơn 16 nghìn nhà báo được cấp thẻ hành nghề.

Về tình hình thông tin trên báo chí, hầu hết các cơ quan báo chí đã bám sát thực tiễn đời sống xã hội, thực hiện đúng sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, thông tin nhanh nhạy, đầy đủ, toàn diện về mọi mặt diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế-xã hội trong nước và quốc tế... Tuy nhiên, một số cơ quan báo chí còn thông tin sai sự thật, thiếu chính xác, thiếu nhạy cảm về chính trị, nội dung xa rời tôn chỉ, mục đích vẫn còn; một số lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật bị xử lý hình sự...

Bảy lãnh vực công tác chủ yếu về QLNN về báo chí trong 2 năm qua được nhấn mạnh: Triển khai rà soát, xây dựng mới và sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật về báo chí, triển khai chiến lược phát triển, quy hoạch hệ thống báo chí; tổ chức giao ban nhằm định hướng thông tin trên báo chí; quan tâm và thực hiện tốt việc định hướng các cơ quan báo chí trong việc phát hiện, cổ vũ, nhân rộng điển hình tiên tiến trong thi đua yêu nước, hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; cung cấp thông tin và chỉ đạo báo chí thông tin theo định hướng; các bộ, ngành, địa phương kịp thời cung cấp và định hướng thông tin báo chí nhiều lĩnh vực và vấn đề quan trọng; kịp thời và chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý thỏa đáng mọi vi phạm của các cơ quan báo chí...

Những tồn tại chủ yếu trong thời gian qua được xác định: Hệ thống pháp luật về báo chí chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; thẩm quyền QLNN về bản quyền và quảng cáo trên báo chí đã được quy định cụ thể nhưng còn vướng mắc liên quan thẩm quyền mà Chính phủ giao cho Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch; trình độ nhận thức, hiểu biết về Luật Báo chí cũng như các văn bản còn hạn chế; công tác xử lý vi phạm bước đầu đã phát sinh sự thiếu thống nhất, chồng chéo do có sự phân tách thẩm quyền quản lý giữa lĩnh vực báo chí in và lĩnh vực phát thanh-truyền hình và thông tin điện tử; sự phối hợp giữa một số Sở TT-TT với các cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí và các cơ quan chức năng khác ở địa phương còn chưa chặt chẽ...

Bộ TT-TT cũng đã đề ra những nhiệm vụ chủ yếu nhằm tăng cường công tác QLNN về báo chí; trong đó có việc tiếp tục quán triệt các văn bản, chỉ đạo của Đảng; tiếp tục sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về báo chí phù hợp với yêu cầu thực tiễn của phát triển báo chí; đẩy mạnh công tác tham mưu, định hướng, chỉ đạo báo chí, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí đội ngũ cán bộ; tiến hành tổng kết công tác thực hiện Chiến lược Thông tin quốc gia đến năm 2010.

Hội nghị cũng đã nghe các ý kiến tham luận của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các Sở TT-TT trên toàn quốc nhằm đóng góp vào việc xây dựng những giải pháp đẩy mạnh công tác QLNN về báo chí trong thời gian tới.

Tin và ảnh: N.THÀNH

;
.
.
.
.
.