.

Xây dựng và củng cố Công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước

UBND thành phố vừa ban hành Chỉ thị số 08/2009/CT-UBND về “Tăng cường công tác xây dựng và củng cố Công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”.

Nội dung Chỉ thị nêu rõ: UBND thành phố đề nghị Liên đoàn Lao động thành phố hướng dẫn các doanh nghiệp thành lập tổ chức Công đoàn theo Nghị định số 96/2006/NĐ-CP ngày 14-9-2006 của Chính phủ thi hành Điều 153 Bộ luật Lao động về Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời tại doanh nghiệp; chậm nhất sau 6 tháng kể từ ngày doanh nghiệp bắt đầu hoạt động, Công đoàn địa phương hoặc Công đoàn ngành có trách nhiệm thành lập tổ chức Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp.
 
Tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Công đoàn cơ sở; bố trí cán bộ chuyên trách Công đoàn tại các doanh nghiệp có đông lao động. Phối hợp với các Sở Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Lao động-Thương binh và Xã hội và Bảo hiểm Xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm Xã hội cho người lao động và người sử dụng lao động.
 
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Cục Thuế thành phố triển khai thi hành Quyết định số 133/2008/QĐ-TTg ngày 1-10-2008 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 17/2009/TT-BTC ngày 22-1-2009 của Bộ Tài chính về việc trích nộp kinh phí Công đoàn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Thông tư liên tịch số 119/2004/TTLT/BTC-TLĐLĐVN ngày 8-12-2004 của Bộ Tài chính và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn trích nộp kinh phí Công đoàn đối với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế theo Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất, Liên đoàn Lao động thành phố triển khai thực hiện Nghị định số 196/CP ngày 31-12-1994 của Chính phủ và Nghị định số 93/2002/NĐ-CP ngày 11-11-2002 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 196/CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về thỏa ước lao động tập thể; tổ chức tập huấn cho Giám đốc và Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở các doanh nghiệp xây dựng, thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể.
 
Hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện mức lương tối thiểu theo Nghị định số 111/2008/NĐ-CP ngày 10-10-2008 của Chính phủ, xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động và đăng ký theo quy định của pháp luật. Chủ trì phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất, Bảo hiểm lao động, Liên đoàn Lao động thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động tại doanh nghiệp và xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân vi phạm.

Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của UBND thành phố để bổ sung quy định về điều kiện xét ưu đãi đầu tư đối với doanh nghiệp có tổ chức, hoạt động của Công đoàn và có chính sách bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Định kỳ tổ chức gặp mặt, đối thoại với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc. Thường xuyên thông báo tình hình đăng ký hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp cho Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động thành phố, UBND các quận, huyện để phối hợp quản lý.

UBND các quận, huyện có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với Liên đoàn Lao động quận, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động; tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn để phát hiện và giải quyết kịp thời các vướng mắc, mâu thuẫn phát sinh trong quan hệ lao động.
 
Tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác Công đoàn; thành lập Ban chỉ đạo giải quyết đình công, xây dựng quy chế phối hợp giải quyết đình công; nắm chắc tình hình và xử lý, giải quyết kịp thời các cuộc đình công, lãn công trên địa bàn theo đúng thẩm quyền quy định tại điều 168 và điều 170a Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động. Chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về việc để xảy ra tình trạng đình công, lãn công kéo dài trên địa bàn mà không có biện pháp xử lý.              

T.G

;
.
.
.
.
.