Sau mỗi buổi chợ, những thứ phế thải vương vãi khắp mọi nơi. Chợ càng đông, rác càng nhiều. Chợ lớn trong nội thành đã có hẳn những lực lượng chuyên nghiệp thu gom, xử lý. Chợ tự phát, mạnh ai nấy vứt, có tiểu thương xem chuyện đóng tiền phí rác rồi thì coi như rác đó là của BQL, của chính quyền địa phương!
Vô tư xả
Rác trong các chợ tự phát không được xử lý theo quy định. (Ảnh chụp tại chợ tự phát trong KCN Hòa Khánh) |
Dưới cái nắng mùa hè, vào mỗi buổi sáng hoặc chiều tối, trên các tuyến đường dọc bãi biển Mỹ Khê, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Tất Thành, các hộ buôn rau hành, cá tôm xả rác hôi tanh ra đường. Chỉ cần cơn gió nhẹ là đủ khiến những người đi tắm biển, tập thể dục cảm thấy ngộp thở.
Cách đây vài tháng, hàng chục ngàn công nhân và người buôn bán tại chợ tự phát trên đường số 11 KCN Hòa Khánh đã ngang nhiên vứt rác thải lấp đầy con mương sau lưng chợ. Qua phản ánh nhiều lần của người dân về mức độ ô nhiễm, quyết liệt lắm, chính quyền địa phương mới giải quyết được chợ này. Đến nay, các hộ buôn bán trên tuyến đường vành đai KCN Hòa Khánh đã dời lên chợ Thanh Vinh, nhưng việc xả rác chợ vẫn diễn ra mà không được thu gom triệt để.
Một điều tự nhiên là chợ nằm trên con kênh thoát nước nên nhiều người dân đã vô tư hất rác xuống dòng kênh bên dưới. Chợ ở các phường nội thành mất vệ sinh không kém, rác chợ không có người dọn gặp trời mưa dạt vào cả ngõ nhà dân như chợ Tân Chính. Thậm chí, có chợ cả tháng vẫn nguyên rác như chợ Bà Kỷ, Nại Hiên, An Cư. Một số chợ tụ tập buôn bán trên quốc lộ, rác được người dân hắt thẳng ra đường như chợ Miếu Bông.
Thu không đủ chi
Theo Công ty Quản lý các chợ (QLCC) Đà Nẵng, trung bình mỗi ngày có khoảng 15 tấn rác thải ra từ 5 chợ lớn trên địa bàn thành phố. Trong đó, lượng rác thải từ chợ Đầu mối Hòa Cường 5 tấn, chợ Cồn trên 4 tấn, các chợ Hàn, chợ Mới, chợ Đống Đa gần 2 tấn/ngày. Ông Mai Phước Ba, Quyền Giám đốc Công ty QLCC cho biết: Trước đây, việc thu gom và xử lý rác đều do Công ty Môi trường đô thị thành phố đảm trách, kể cả việc thu phí rác chợ.
Tuy nhiên, do khó khăn về điều phối nhân lực, giờ giấc, sang năm nay, việc thu phí chợ đã giao Công ty QLCC thực hiện. Với mức thu phí mới theo quyết định của UBND thành phố, mỗi năm công ty thu được 900 triệu đồng, trong khi Công ty Môi trường đô thị lập dự toán năm 2008 là 1,6 tỷ đồng. Như vậy, với số tiền thu phí rác chợ thực tế, hằng năm thành phố phải trích ngân sách 400 triệu đồng để thanh toán tiền rác cho Công ty Môi trường đô thị.
Số tiền còn lại 300 triệu đồng, UBND thành phố cho phép Công ty QLCC lấy nguồn thu vượt kế hoạch giao để “đắp” vào. Năm 2009, với chính sách linh hoạt từ nguồn thu phí hàng rong (khoảng 4,5 tỷ đồng), Công ty QLCC đề xuất trích 15% trong số 4,5 tỷ đồng cộng với nguồn thu 900 triệu đồng sẽ giúp cho công tác thu gom rác thải tốt hơn.
Tuy nhiên, mức thu phí rác hiện nay tại chợ theo các tiểu thương là cao gấp 3-4 lần so với mức giá cũ (từ 10 nghìn đồng lên đến 30 nghìn đồng/tháng tùy chợ, ngành hàng kinh doanh). Ở một số chợ nhỏ, chợ tự phát cũng xuất hiện những người thu tiền công quét dọn từ 500 đồng đến vài ngàn đồng.
Một vấn đề khác là một số BQL chợ nhỏ, mặc dù đã thu tiền rác của các hộ kinh doanh nhưng không mấy quan tâm đến việc lắp đặt thêm thùng rác, biển báo, chỉ dẫn, khiến người dân càng kém ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường.
Để tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp đối với chợ điểm du lịch của thành phố, từ ngày 1-5, chợ Hàn đã tổ chức hợp đồng với một số lao động bên ngoài chuyên thu gom dọn rác chợ. |
Bài và ảnh: DUYÊN ANH