Không muốn ai quấy rầy để dễ bề “tâm sự”, những cặp bạn trẻ cất công tìm kiếm những chỗ càng tối, càng yên tĩnh càng tốt. Bất chấp những nguy cơ mất an toàn trong bóng tối như bị trấn lột, giẫm kim tiêm..., họ vẫn phớt tỉnh ngồi hàng giờ quên trời quên đất. Hãy cùng chúng tôi khám phá những “thiên đường tình yêu”.
Quán cà phê tối thui như hũ nút. Nhận biết mọi thứ xung quanh bằng... tay. Theo sự chỉ dẫn của một cô bạn, tôi cùng một người bạn (nam) bước vào thế giới yêu tối om om trên đường 2-9.
“Không có phòng sáng hơn”
Các quán cà phê tình yêu thường có sảnh rộng ở tầng trệt để xe. (Ảnh chụp tại sảnh giữ xe ở quán cà phê tình yêu Lu. vào ban đêm) |
Ánh sáng chỉ vụt lên từ chiếc đèn pin cầm tay của anh nhân viên, vừa đủ để chúng tôi lách người qua các dãy ghế tìm chỗ ngồi. Khá bất ngờ bởi khung cảnh tối om không nhìn thấy mặt nhau, tôi đề nghị ngồi vào bàn ở khoảng giữa. Dù vậy, anh nhân viên vẫn nhiệt tình hướng dẫn chúng tôi lên chiếc ghế trên cùng, vì lẽ ngồi đó sẽ ít bị những người tới sau quấy rầy.
Người này điều khiển đèn pin khá khéo léo để ánh sáng chúi xuống đất, không làm ảnh hưởng tới những người khác. Vờ ngạc nhiên, tôi hỏi mớm: “Có mấy phòng mà đưa bọn em vô phòng tối thui vậy anh? Còn phòng nào sáng sáng hơn không?”. Trong bóng tối, người này khựng lại mấy giây, rồi nói nhanh: “Dạ 4 phòng. Không có phòng sáng hơn đâu chị”. Chừng 5 phút sau, anh này mang nước lên rồi quay ra. Mọi hoạt động của chúng tôi đều diễn ra trong bóng tối: đặt nước, khuấy nước, cảm ơn, coi giờ...
Đi nhẹ, nói khẽ và không bật điện thoại
Sau một hồi, mắt dần quen với bóng tối, chúng tôi mới bắt đầu mò mẫm uống nước và bật điện thoại để quan sát xung quanh. Căn phòng rộng chừng 40m2, có 3 dãy ghế bành, mỗi dãy chừng 7 ghế. Ghế được bọc da màu đen, bề dài khoảng 1,2m, đủ cho hai người, được thiết kế để chỗ ngồi thấp xuống, nhưng chỗ tựa cao quá đầu để người ngồi ghế sau không thấy người ngồi trước.
Ướm thử nhiều chiếc ghế xung quanh, chúng tôi nhận thấy chúng bong cả lớp da và không còn độ đàn hồi, có lẽ do được sử dụng lâu ngày. Vì chúng tôi không “tế nhị” cứ bật điện thoại cho sáng, một cặp ngồi cùng dãy tỏ ra khó chịu, liền đổi chỗ xuống ngồi ghế tận trong góc phòng.
Càng về sau, người đến càng nhiều. Qua ánh sáng mờ mờ từ chiếc máy điện thoại, chúng tôi thấy họ tỏ ra rất tự nhiên, đi đứng thoải mái và mau chóng ngồi vào chỗ. Đặc biệt, không “ngố” như chúng tôi, họ tuân thủ nghiêm ngặt “luật lệ” bất thành văn: đi nhẹ, nói khẽ và không bật đèn sáng. Lúc chúng tôi rời phòng (21 giờ 30), còn 4 cặp vẫn đang say sưa, thậm chí một cặp khác chỉ mới vừa tới gửi xe.
Mở cửa cả ngày
Trên đường 2-9, có tới 5 quán cùng mô-típ như trên. Bề ngoài của các quán khá giống nhau: được xây theo dạng nhà hộp 3 tầng, cửa ra vào rộng, lắp kính màu đen, buổi tối luôn có từ 2-3 người ngồi sát mép đường vẫy mời các đôi bạn trẻ. “Nội thất” của các phòng đều là những dãy ghế bành đen với chỗ tựa cao quá đầu. Các quán đều có sảnh rộng ở tầng trệt cho khách để xe, xe được xếp sao cho biển số quay vào tường. Khách được yêu cầu gọi nước và trả tiền trước. Quán có đủ loại nước giải khát, cà phê... với mức giá “sàn sàn” từ khoảng 14.000 đồng/ly.
Đêm thứ hai chúng tôi vào quán P.S, khách đông hơn ở Lu., giá nước nhỉnh hơn chút (từ 18.000 đồng/ly trở lên), nhưng lại không kém cạnh về khoản tối thui, tối mò. Ngồi ở những quán trên chừng 15 phút, chúng tôi mới bắt đầu thấy sờ sợ. Anh bạn đi cùng tôi lắc đầu: “Nếu không phải đi công việc giúp em, anh chẳng bao giờ dám dẫn người yêu vô mấy chỗ này”.
Chúng tôi đều có cảm nhận chung: nếu chẳng may bị kẻ gian giả dạng tình nhân đến kề dao hay kim tiêm vào người và vòi tiền, thì chúng tôi chỉ có nước vét sạch túi mà đưa để cầu mong được an toàn. Trong khung cảnh tối như hũ nút và cách biệt với chủ quán như vậy, nếu bị trấn lột, người bị hại cũng không biết kêu ai. Tôi thử đặt câu hỏi: “Tối thui vậy, lỡ bị cướp sao anh?” cho nhân viên của cả hai quán trên, đều nhận được cái cười xòa và câu trả lời nhẹ hều: “Chắc không có đâu” (?!).
Không chỉ ban đêm, mà các quán đều mở cửa đón khách suốt từ sáng. Buổi trưa tầm gần 12 giờ, các phòng ở quán N. cũng không sáng sủa gì mấy. Tôi vờ đề nghị cô bé dẫn đường: “Bật đèn sáng lên được không em?”. Cô bé này nhanh nhảu: “Ai mà bật điện chị ơi!”, rồi cứ tủm tỉm cười. Sau vì để chiều lòng thượng đế, cô bé vén tấm màn cửa ở phía xoay ra đường cho ánh sáng lọt vào, và nói: “Khách vào em dẫn họ qua phòng khác.
Anh chị cứ yên tâm”. Cô bé cho biết quán mở được hơn hai năm, phục vụ cả ngày đến khi nào hết khách mới thôi, và thường đến khoảng 23 giờ là đóng cửa. Một người bán nước vỉa hè ở gần dãy quán trên cho hay, ngày nào bà cũng thấy xe máy của các đôi trai gái ra vào không ngớt từ sáng đến tối.
(còn nữa)
Bài và ảnh: PHONG KHÁNH