.
Âu thuyền Thọ Quang

Tái diễn tình trạng xả nước thải

.

Sau khi UBND thành phố ra Quyết định xử phạt đối với DN xả nước thải chưa qua xử lý ra âu thuyền Thọ Quang (ATTQ), tình trạng trên bước đầu được ngăn chặn. Tuy nhiên, hiện nước thải chưa qua xử lý vẫn ngày đêm được xả trực tiếp ra âu thuyền, kéo theo mùi hôi thối đang bao trùm lên khu vực này.

Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc nước thải đen ngòm được xả trực tiếp qua 3 cửa xả tại ATTQ.

Việc di dời cảng cá Thuận Phước sang khu vực ATTQ khi cơ sở hạ tầng cấp thoát nước tại đây chưa được xây dựng, khiến mọi loại chất thải của cảng cá đều tuồn trực tiếp ra âu thuyền, gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường (ONMT) nơi đây ngày càng trở nên nghiêm trọng. Theo quan sát của chúng tôi, dọc bờ kè tại ATTQ, 3 cống nước thải luôn trong tình trạng đen kịt, đặc sánh, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc; còn nếu nhìn xuống dưới lòng âu thuyền, khi nước rút để lộ ra lớp bùn xanh đen, ruồi nhặng bu bám đầy.
 
Tại các cửa xả ở âu thuyền, nhân viên của Ban quản lý Cảng cá Thọ Quang bức xúc nói: Ban ngày lượng nước thải đen ngòm xả trực tiếp qua 3 cửa còn ít, chứ vào ban đêm khi các nhà máy thủy sản hoạt động mạnh, có lẽ chẳng ai dám đến gần khu cống này. Ở đây không chỉ có ONMT nước, môi trường không khí cũng ô nhiễm. Hiện sinh hoạt của người dân, giờ giấc làm việc của một số đơn vị tại đây đang bị xáo trộn từng ngày. Nguyên nhân gây nên tình trạng ONMT như trên được xác định là nguồn nước thải chưa qua xử lý xuất phát từ các nhà máy chế biến thủy sản.

 Công trình ATTQ được Bộ Thủy sản (cũ) đầu tư 66 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục xây dựng như: Khu đê bao; khu neo trú, bến cầu tàu và khu dịch vụ hậu cần cung ứng vật tư, thiết bị nghề cá. Tác dụng của âu thuyền là nơi trú bão, neo đậu tàu, thuyền cho ngư dân các tỉnh ven biển miền Trung. Nhưng trên thực tế, ATTQ đang phải “làm thêm” một công việc nữa là “gánh” thêm nguồn nước thải, rác thải ô nhiễm do các nhà máy chế biến thủy sản gây ra. Và hiện chức năng neo trú của tàu, thuyền đang dần mất đi khi một số tàu của ngư dân phải “né” neo trú tại khu vực này vì không chịu nổi mùi hôi thối. 

Theo người quản lý ATTQ phân tích: Sau khi thành phố ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính và buộc các DN chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải phải tạm đóng cửa. Thế nhưng, khi các DN này đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải lại không đưa vào vận hành vì lý do chi phí sản xuất sẽ bị đẩy lên cao. Do đó, nhiều DN dù đầu tư hệ thống xử lý nước thải nhưng chủ yếu để đối phó với cơ quan chức năng.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên-Môi trường thành phố, nhằm ngăn chặn và xử lý tình trạng ONMT tại khu vực ATTQ, sở đã triển khai thực hiện hàng loạt các giải pháp như:

Xuất cá xong, nhiều chủ tàu phải tìm khu vực khác neo trú vì không chịu được mùi hôi thối.

 

lắp đặt và đưa vào vận hành 4 nhà vệ sinh, 20 thùng chứa rác tại khu vực chợ cá tạm; tổng dọn vệ sinh toàn bộ khu vực âu thuyền; bơm nước nhiễm bẩn nặng tại khu vực âu thuyền ra khu vực cầu Thuận Phước để giảm thiểu ô nhiễm; tiến hành thanh tra 9 cơ sở sản xuất có nước thải gây ONMT, đề xuất UBND thành phố xử phạt và đóng cửa 6 đơn vị. Tuy nhiên cách làm này chỉ giải quyết phần ngọn, chưa thể xử lý dứt điểm nạn ô nhiễm tại đây.

Để xử lý triệt để tình trạng DN cố tình xả thải nước chưa qua hệ thống xử lý ra ATTQ, trước hết KCN dịch vụ thủy sản Thọ Quang cần sớm đầu tư hoàn thiện trạm xử lý nước thải tập trung và yêu cầu tất cả các DN hoạt động tại khu KCN này phải thực hiện đấu nối hệ thống xử lý nước thải đến trạm; đồng thời cần có những chế tài xử phạt mạnh đối với DN cố tình làm sai quy định về môi trường.

Bài và ảnh: Trọng Hùng

;
.
.
.
.
.