Tại Hội nghị đánh giá kết quả phối hợp về công tác phòng chống lụt bão-tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) năm 2009 giữa Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, Đại tá Dương Đề Dũng, Thành ủy viên, Quyền Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng thành phố nhấn mạnh:
Đại tá Dương Đề Dũng (thứ hai, từ trái sang), Quyền Chỉ huy trưởng BĐBP thành phố chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão tại Hải đội 2. |
Đà Nẵng hiện có hơn 3.000 phương tiện đánh bắt hải sản trên biển, các tàu đánh bắt có công suất từ 90CV trở lên, tập trung chủ yếu ở các phường như Xuân Hà, Thanh Khê Đông, Thuận Phước. Ngư trường khai thác của nhóm tàu này thường thay đổi, bám theo các đàn cá để đánh bắt. Đây là nhóm tàu có nguy cơ gặp rủi ro cao vì hoạt động ở khơi xa, trang bị thông tin liên lạc với bờ khó khăn, kinh nghiệm đi biển ở một số thuyền trưởng còn hạn chế.
Chính vì vậy, khi gặp thiên tai bão lớn, nhiều phương tiện đã bị thiệt hại nghiêm trọng. Mặt khác, khu vực biển miền Trung nói chung và biển Đà Nẵng nằm trên đường hàng hải quốc gia và quốc tế, là khu vực thường xuyên có lưu lượng lớn tàu thuyền vận tải qua lại và tàu cá hoạt động đánh bắt hải sản. Vì vậy đã xảy ra nhiều trường hợp tai nạn, tông va, sự cố trên biển cần có sự hỗ trợ, cứu kéo của lực lượng PCLB-TKCN tại địa phương.
Cùng với việc theo dõi diễn biến của thời tiết, lực lượng Bộ đội Biên phòng phối hợp với chính quyền địa phương và ngành thủy sản khảo sát các phương tiện và ngư dân hoạt động trên biển. tổ chức các biện pháp PCLB-TKCN sát với đời sống của ngư dân và diễn biến tình hình của thời tiết; đổi mới công tác kiểm tra, kiểm soát tàu thuyền ra vào hoạt động trên biển, bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật nhưng không gây phiền hà, nhũng nhiễu cho nhân dân.
Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố đã chỉ đạo các đồn, trạm biên phòng triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, chủ các phương tiện và ngành thủy sản để thống kê danh sách người, phương tiện, tần số máy thông tin vô tuyến điện, số điện thoại của gia đình chủ tàu, thuyền trưởng và khu vực hoạt động của tất cả các phương tiện nghề cá có tổng công suất máy từ 45CV trở lên, trong đó tập trung số tàu cá hoạt động xa bờ; thường xuyên cập nhật, bổ sung báo cáo những thay đổi đối với loại tàu cá nói trên.
Tổ chức in ấn bản hướng dẫn thông tin tìm kiếm cứu nạn trên biển của BĐBP dán trong cabin các tàu đánh cá xa bờ, trong đó ghi rõ tần số cứu nạn khẩn cấp sóng ngày: 9030 Khz, sóng đêm: 6820 Khz và hướng dẫn cách gọi đơn giản, dễ nhớ để ngư dân thông tin kịp thời các sự kiện trên biển với BĐBP. Chính nhờ biện pháp chủ động này, cho nên số lượng thông tin từ ngư dân trên biển đến với các đồn biên phòng ngày một nhiều.
Mỗi khi trên biển có thời tiết xảy ra bất thường, BĐBP tổ chức bắn pháo hiệu để kêu gọi và ngăn cấm tàu thuyền không được ra khơi. Bên cạnh đó, thông qua máy ICOM của đơn vị thông báo vị trí, hướng đi của bão hay áp thấp nhiệt đới để ngư dân chủ động di chuyển, phòng tránh, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại xảy ra trên biển.
Với các biện pháp này, thời gian qua, BĐBP thành phố đã duy trì bảo đảm thông tin liên lạc với các tàu cá đánh bắt xa bờ được 7.825 phiên/21.139 lượt tàu hoạt động trên biển kịp thời tìm nơi trú tránh bão. Thông qua đó, ngư dân đã cung cấp cho BĐBP 682 nguồn tin có giá trị, phục vụ cho công tác bảo vệ chủ quyền và tìm kiếm cứu nạn, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhà nước, nhân dân.
Bài và ảnh: QUỲNH NGA