Tối qua (12-7), Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư đã phát đi bản tin cuối cùng về cơn bão số 4. Theo đó, khoảng 18h30 cùng ngày, bão số 4 đã đổ bộ vào đất liền, tâm bão đi giữa Bãi Cháy (Quảng Ninh) và TP Hải Phòng rồi nhanh chóng suy yếu nhanh thành một vùng áp thấp.
Các tàu thuyền tập trung tại một điểm trú bão an toàn ở Quảng Ninh. |
Bão số 4 đã gây ra gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10 trên vùng biển vịnh Bắc Bộ; cấp 6, cấp 7, giật cấp 9 trên vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hải Phòng. Ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ đã có mưa vừa, mưa to, một số nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa tính đến 19h00 tối 12.7 phổ biến trong khoảng 30 - 60 mm, một số nơi trên 100 mm như: TP Nam Định (tỉnh Nam Định) 122 mm, TP Phủ Lý (Hà Nam) 105 mm, TP Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình) 115 mm, TP Thái Bình (tỉnh Thái Bình) 110 mm, Chi Nê (Hòa Bình) 112 mm... Tại Quảng Ninh và Hải Phòng, nơi bão đổ bộ lượng mưa không lớn, cho đến 19h00 cùng ngày, trời đã tạnh hẳn.
Ngoài Bắc bộ, ở Trung bộ và Nam bộ cũng có mưa rải rác, một số nơi mưa to như Đà Nẵng, Rạch Giá, Cà Mau, Phú Quốc.
Dự báo, hôm nay 13-7, vùng áp thấp này tiếp tục di chuyển về phía tây, suy yếu và tan dần. Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp, ở các tỉnh Bắc Bộ và bắc Trung Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Các tỉnh vùng núi đề phòng lũ quét và sạt lở đất.
Trong khi đó, Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, một vùng áp thấp nhiệt đới đang hoạt động cách đảo Đài Loan 150km về phía Đông Nam. Hồi 7 giờ ngày 13-7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 22,1 độ Vĩ Bắc; 122,3 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (tức là từ 50 đến 61 km một giờ), giật cấp 8, cấp 9.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và có khả năng mạnh lên thành bão. Như vậy, khoảng tối nay (13-7), áp thấp nhiệt đới sẽ đi vào phía Đông Bắc biển Đông. Đến 7 giờ ngày 14-7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 24,0 độ Vĩ Bắc; 118,0 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.
Hà Giang đã di dời 297 hộ dân ở các vùng nguy cơ sạt lở
Trước diễn biến bất thường của thời tiết, tỉnh Hà Giang đã di dời 297 hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt, lở đất, lũ quét cao tại các huyện Yên Minh, Bắc Quang, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Xín Mần và thị xã Hà Giang đến nơi ở mới an toàn. Các địa phương huy động thanh niên tình nguyện, lực lượng vũ trang và nhân dân hỗ trợ người dân tháo dỡ nhà, di chuyển tài sản đến nơi ở mới. Hiện, tỉnh còn khoảng 977 hộ dân cần được di chuyển đến nơi ở mới an toàn.
Để chủ động phòng tránh ảnh hưởng của cơn bão số 4, ông Nguyễn Mạnh An, Chi cục Trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Hà Giang cho biết, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã yêu cầu di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Số dân ở trong vùng tiềm ẩn nguy hiểm ở Hà Giang rất nhiều, nhưng sống ở vùng sạt lở hiện có khoảng 150 hộ ở 4 huyện vùng cao Hoàng Su Phì, Xín Mần, Yên Minh và Bắc Mê. Việc di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm là công việc rất lâu dài và có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Trước mắt, để đối phó với cơn bão số 4, hiện nay tỉnh đã tạm thời di chuyển người dân đến nơi an toàn.
Vĩnh Phúc đề phòng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét
Là địa phương bị ảnh hưởng của bão số 4, tỉnh Vĩnh Phúc triển khai nhiều biện pháp đối phó, trong đó quan tâm đến các huyện hay xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét như Lập Thạch, Tam Đảo, Bình Xuyên và thị xã Phúc Yên. Đêm qua (12/7), tại huyện Tam Đảo và thị xã Phúc Yên đã có mưa với lượng mưa trung bình từ 30 đến 40 mm. Tại các điểm xung yếu, tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường lực lượng ứng trực, sẵn sàng đối phó với các tình huống xấu. Các địa phương cũng đang tập trung chỉ đạo người dân chằng chống nhà cửa, kho tàng, kiểm tra các hồ chứa nước để có phương án bảo vệ an toàn.
Lào Cai tăng cường đối phó với mưa bão
Chiều tối qua (12-7), tại Lào Cai có mưa nhỏ ở các huyện Bảo Yên, Bảo Thắng, thành phố Lào Cai. Mặc dù lượng mưa chưa đáng kể, nhưng đề phòng lũ ống, lũ bùn do ảnh hưởng của bão số 4, chính quyền các địa phương ở Lào Cai tăng cường trực lũ bão theo phương châm 4 tại chỗ, chuẩn bị lương thực, thực phẩm, sẵn sàng ứng cứu khi mưa lũ gây chia cắt. Ở những khu vực xung yếu, ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh cùng lực lượng dân quân, biên phòng thường xuyên túc trực, kiểm tra, thông báo kịp thời diễn biến của thời tiết để người dân chủ động phòng chống.
Yên Bái: di dời hơn 1.500 hộ dân đến nơi an toàn
Do ảnh hưởng của bão số 4, tối 12-7, tại các huyện Yên Bình, Văn Yên, Trấn Yên, Lục Yên, tỉnh Yên Bái xuất hiện mưa nhỏ, rải rác. Để chủ động đối phó với lũ ống, lũ quét, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Yên Bái triển khai nhiều biện pháp như kiểm tra, gia cố các khu vực xung yếu, cảnh báo người dân khu vực ven sông, suối, huy động lực lượng sẵn sàng ứng phó nếu xảy ra tình huống xấu. Tỉnh Yên Bái cũng đã di dời hơn 1.500 hộ dân ở vùng trũng, khu vực hay xảy ra sạt lở đến nơi an toàn. Ông Phạm Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục thuỷ lợi tỉnh Yên Bái cho biết, tất cả các địa phương trong tỉnh tiến hành rà soát vùng trũng, thực hiện phương án bốn tại chỗ… Nếu có tình huống xấu xảy ra sẽ thực hiện di chuyển ngay.
Điện Biên phòng chống mưa lũ do bão số 4
Tại tỉnh Điện Biên, để phòng mưa lũ do bão số 4 gây ra, hôm qua (12-7), Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường theo dõi diễn biến của bão, thông tin kịp thời đến người dân, đặc biệt là bà con sống ở các vùng có nguy cơ sạt lở đất, đá, vùng ven sông suối. Ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, gia cố các hồ đập, công trình thuỷ lợi... Tỉnh cũng cử nhiều đoàn kiểm tra các trọng điểm sạt lở đất, ngập úng trong đợt mưa lũ đầu tuần trước như Tủa Chùa, Mường Ẳng, Mường Chà, thị xã Mường Lay…, đồng thời chỉ đạo địa phương lên phương án sơ tán dân đến nơi an toàn.
Ông Phạm Đức Hiển, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên cho biết, những điểm xung yếu ở Mường Chà đã di dời được gần 20 hộ dân đến nơi ở an toàn. Còn 400-500 hộ ở thị xã Mường Lay đã chủ động sơ tán, đưa hết đồ đạc, dụng cụ, vật liệu làm nhà đưa lên cao để tránh lũ quét. Đồng thời, cử người trực, trông coi 24/24 giờ tại các hồ.
Theo VOVNews, TTXVN