.

Bức xúc vì chưa có nước sạch

.

Tuần qua, Báo Đà Nẵng nhận được đơn của một số hộ dân ở tổ 44, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ phản ánh: “Nhân dân tổ dân phố 44 chúng tôi đã nhiều lần có kiến nghị lên lãnh đạo phường và các ngành chức năng, cũng như làm đơn kiến nghị đến Chi nhánh Cấp nước Cẩm Lệ, nhưng từ năm 2007 đến nay vẫn chưa thấy hồi âm của các cơ quan có thẩm quyền. Trong khi đó, ở khu vực chúng tôi chỉ cách đường ống chính dẫn nước sạch 60 mét mà đã 2 năm trôi qua rồi vẫn chưa nghe nói dẫn nước vào nhà cho dân dùng, ngày ngày phải dùng nguồn nước giếng khoan, giếng đóng nhiễm phèn, nhiễm bẩn…”.

Người dân phải đi xa chở nước sạch về nhà dùng.

ông Trương Hùng Mạnh, Chủ tịch UBND phường Hòa An cho biết: “Không chỉ người dân mà ngay với chính quyền phường cũng bức xúc, và rất khó giải thích với người dân. Thực tế chúng tôi đã làm việc với Chi nhánh Cấp nước Cẩm Lệ nhiều lần, người dân cũng đã làm bản đăng ký gửi đến chi nhánh. Chính quyền phường còn vận động nhân dân chuẩn bị sẵn tiền, mỗi nhà khoảng 1-2 triệu đồng để khi Chi nhánh Cấp nước đến là đóng tiền kéo nước vào nhà ngay.
 
Vậy nhưng đã hơn 1 năm trôi qua, nước sạch vẫn chưa thấy về, chính quyền địa phương cũng mỏi mệt, người dân thì mỏi mòn chờ. Trong các cuộc họp hay tiếp xúc cử tri, vấn đề đưa nước sạch về cho dân dùng lại được bàn luận gay gắt”. Theo ông Mạnh, hiện phường Hòa An có tới 4.000 hộ dân với 18.000 nhân khẩu, nhưng tỷ lệ hộ dân được dùng nước sạch chưa đến 45% và có tới 21 tổ dân phố “trắng nước sạch”, trong đó có rất nhiều tổ dân phố, người dân phải dùng nguồn nước giếng khoan, giếng đào bị nhiễm bẩn, phèn nặng.

Không chỉ ở phường Hòa An, mà nước sạch vẫn chưa về được nhiều tổ dân phố của phường Hòa Phát, Hòa Thọ Đông và Hòa Thọ Tây, trong đó có rất nhiều nơi nguồn nước người dân đang dùng bị nhiễm phèn nặng. Theo kết quả xét nghiệm vi sinh và lý hóa nguồn nước mà người dân đang sử dụng do Đội Y tế dự phòng quận Cẩm Lệ phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng thành phố thực hiện gần đây, mẫu nước tại tổ 15 - Hòa Thọ Tây có tỷ lệ Coliforms/100ml nước vượt tiêu chuẩn rất lớn 1.100/50. Xét nghiệm 7 mẫu nước lấy từ nước giếng khoan và giếng đào tại tổ 8 và 15 - Hòa Thọ Tây, tổ 7, 9 và 15 - Hòa Thọ Đông, tổ 23 và Trạm Y tế phường Hòa An đều không đạt yêu cầu vệ sinh nước dùng cho sinh hoạt theo Quyết định số 09/2005/QĐ-BYT của Bộ Y tế.

Trước bức xúc của người dân và chính quyền các địa phương về vấn đề trên, ông Nguyễn Trọng Triên - Trưởng Chi nhánh Cấp nước quận Cẩm Lệ cho rằng, việc cấp nước, phát triển mạng lưới đường ống, đưa nước sạch vào nhà dân không phải do chi nhánh tự tiện làm mà phải theo kế hoạch của Công ty Cấp nước Đà Nẵng giao xuống. Hiện tại, chi nhánh đang quản lý việc cấp nước cho 1.730 hộ dân (tính theo số lượng đồng hồ nước), đạt tỷ lệ 54,3%.

Còn theo Phòng Quản lý đô thị quận Cẩm Lệ, trong quý 1-2009, trước bức xúc của người dân về nước sạch, UBND quận Cẩm Lệ đã đầu tư 500 triệu đồng đưa nước về 10 tổ dân phố thuộc 4 phường Hòa Thọ Đông, Hòa Phát, Khuê Trung và Hòa Xuân cho khoảng 300 hộ dân dùng. Hiện tại, quận đang tiến hành khảo sát một số địa điểm bức xúc về nước sạch để cân đối các nguồn vốn, tiếp tục đầu tư, đưa nước sạch về cho dân dùng.

Tuy nhiên, kinh phí của quận cũng hạn hẹp, trong khi nhu cầu của người dân là rất lớn, việc này rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của thành phố, nhất là Công ty Cấp nước Đà Nẵng. Theo Phòng Quy hoạch đô thị quận Cẩm Lệ, tính đến cuối tháng 6-2009, trên toàn quận có 9.970 hộ dân đã được dùng nước sạch (tính cả các hộ do Chi nhánh Cấp nước quận Liên Chiểu cấp nước và nhiều hộ dân cùng đấu nối, dùng chung một đồng hồ nước), đạt tỷ lệ 56%, trong đó, phường Hòa Xuân 1.147 hộ, Hòa An 1.240 hộ, Hòa Thọ Tây 920 hộ, Hòa Thọ Đông 1.803 hộ, Hòa Phát 1.139 hộ, Khuê Trung 3.721 hộ.

Qua đây, mong thành phố có sự quan tâm, hỗ trợ, sớm đưa nước sạch về cho người dân các phường của quận Cẩm Lệ sử dụng, nhất là vành đai quanh Sân bay Đà Nẵng và những nơi bị nhiễm phèn, nhiễm bẩn nặng.
       
Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP
           

;
.
.
.
.
.