.

Cấp điện cho đồng bào Tây Nguyên

.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội khu vực Tây Nguyên. Tuy vậy đến nay, mặc dù là vùng kinh tế giàu tiềm năng, nhưng mức sống bình quân, mức tiêu thụ điện thương phẩm/người khu vực Tây Nguyên vẫn còn thấp so với mặt bằng chung cả nước, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 9% số hộ nghèo toàn quốc, cơ sở hạ tầng nơi đây chưa hoàn chỉnh.

Đóng điện công trình cấp điện vùng cao.

Dự án cấp điện các thôn, buôn chưa có điện ở 4 tỉnh Tây Nguyên là một trong những chương trình của Đảng và Nhà nước nhằm mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm phát triển bền vững kinh tế-chính trị, an ninh-quốc phòng cho khu vực và cả nước. Dự án có quy mô 1.272km đường dây trung áp, 1.519km đường dây hạ áp, 804 trạm biến áp với tổng dung lượng 43.604 kVA cấp điện cho 75.067 hộ dân thuộc 856 thôn, buôn với tổng mức đầu tư là 1.191 tỷ đồng (85% sử dụng vốn ngân sách, 15% sử dụng vốn ngành điện) do Tập đoàn Điện lực Việt Nam  (EVN) làm chủ đầu tư, Công ty Điện lực 3 thực hiện.

Toàn bộ dự án được chia làm 48 gói thầu xây lắp và 54 gói thầu cung cấp vật tư, thiết bị. Sau gần 2 năm tổ chức thi công, đến nay tiến độ thi công xây lắp bình quân trên các tỉnh là: Gia Lai đạt 65%, Kon Tum 50%, Đăk Lăk 60%, Đăk Nông 74%. Đối với các gói thầu cung cấp vật tư thiết bị, hiện chỉ còn 2 gói thầu đợt 2 (máy biến áp, tủ điện) đang giao hàng và 3 gói thầu đợt 2 (cáp công- tơ, công-tơ và hộp công-tơ) đang trình kết quả đấu thầu, tất cả các gói thầu khác đã thực hiện xong.

Dự án có quy mô trải rộng trên địa bàn của 276 xã thuộc 43 huyện, thị xã và hầu hết công trình đều nằm ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, điều kiện thi công rất khó khăn, phức tạp. Tổng mức đầu tư cho dự án sau khi hiệu chỉnh đang được EVN trình Chính phủ là 1.191 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm hiện tại, vốn cấp mới đạt 248 tỷ đồng (đạt 21%), trong đó vốn ngân sách 154 tỷ đồng, vốn EVN 94 tỷ đồng. Toàn bộ vốn này đã thanh toán hết cho các nhà thầu.
 
Hiện nay, Bộ Kế hoạch-Đầu tư và Bộ Tài chính đang trình Chính phủ cho phép bố trí phần vốn còn thiếu năm 2009 của dự án vào gói kích cầu kinh tế của Chính phủ. Theo cơ chế dự án thì toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng do các địa phương thực hiện, do quy mô dự án quá lớn và trải rộng trên địa bàn 856 thôn buôn thuộc 276 xã, đồng thời các thành viên trong Hội đồng đền bù chủ yếu là kiêm nhiệm nên công tác thống kê, lập phương án bồi thường tốn rất nhiều thời gian, công sức. Đến nay mới có 12/43 huyện, thị xã hoàn tất phê duyệt phương án đền bù, các huyện còn lại đang trong giai đoạn thống kê, áp giá, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ của dự án, vì rất nhiều hộ dân cản trở thi công do chưa được đền bù.

Đến hết tháng 6-2009, Ban Quản lý dự án đã tổ chức nghiệm thu đóng điện 135/856 thôn buôn, các thôn, buôn còn lại tuy đang triển khai nhưng tiến độ không bảo đảm do việc thanh toán khối lượng cho các nhà thầu không đáp ứng được.

Mặt khác, Tây Nguyên hiện nay đã vào mùa mưa, các khu vực thuộc dự án lại thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, trong khi các nhà thầu xây lắp phải triển khai thi công các công việc nặng nhọc như dựng trụ, lắp xà, kéo dây…, đây cũng là một nguyên nhân làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Bộ Tài chính ứng trước vốn dự toán ngân sách Nhà nước năm 2010, 2011 từ nguồn ngân sách Trung ương để bổ sung vốn cho các dự án quan trọng, cấp bách. Đây là điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Hy vọng với sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, sự quyết tâm của chính quyền địa phương cũng như sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên, sự nỗ lực của Công ty Điện lực 3, mùa xuân này ánh điện sẽ bừng sáng trên khắp buôn làng, mang ánh sáng của Đảng đến mọi nơi, góp phần xây dựng Tây Nguyên ngày càng giàu đẹp. 
               
Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH và CÔNG TIẾN

;
.
.
.
.
.