.

Câu cá đêm

.

Đêm mùa hè, nhiều người đàn ông có cái thú ra bờ sen ngồi câu cá. Ngay khi công việc trong ngày vừa kết thúc, họ đã chạy ù ra bờ nước ngồi cho đến khi ớn mới về. Mà đợi lúc họ ớn, trời cũng đã bắt đầu ló sáng.

Những ánh mắt xuyên màn đêm

 

Hồ sen nằm góc đường Hà Huy Tập - Nhân Thành Trung (Thanh Khê) đêm đêm có hàng chục người đàn ông ngồi thả cần câu. Hồ sen khá rộng, nhưng đã bị các quán ăn, nhà hàng bao bọc gần hết. Dẫu vậy, có vẻ những người đàn ông đi câu đêm không bận tâm về chuyện rộng, chật. Có chỗ ngồi câu là vui rồi.

Trong ánh sáng le lói tỏa ra từ 3 bóng điện trước cửa một nhà hàng, 20 người đàn ông trẻ có, già có, choai choai có say sưa ngồi câu với đủ bộ dạng. Người mặc đồ rách tả tơi (đi câu mà chi cho sang - một người nói), người quần dài xắn lên quá gối, người đai nịt sành điệu, chỉ thiếu cái áo. Ông nào cũng lót dép thay ghế, giơ hai bàn chân trần hóng gió. Có anh lặng yên một góc, cơ thể bất động như đang thiền. Có ông rôm rả bàn tán cách chế biến món cá rô phi vừa ngon vừa đỡ hao dầu, tốn gas.

Nước đen ngòm. Thi thoảng, ống cống bốc lên nằng nặng mùi, nhưng chỉ những ai lâu lâu tạt qua vì hiếu kỳ mới chú ý chuyện đó. Theo những người đi câu, chính nhờ cái cống đổ nước ra mới có nhiều cá để câu.

Như những anh thợ săn chính hiệu, những đôi mắt không chớp cứ đăm đăm nhìn xuống mặt hồ. Nước đen, trời tối om, căng tối đa bốn mắt (kể cả hai tròng kính), tôi cũng chẳng thể phân biệt đâu là rác nổi lềnh bềnh, đâu là phao.

Ấy vậy mà, nhất cử nhất động dưới hồ đều được các tay câu nắm bắt tức thì. Miệng nói chuyện, tay mân mê cuộn dây cước, đôi mắt không rời chiếc phao nhỏ xíu, ông Tự (50 tuổi) nói: “Thấy chi chưa, tăm cá (bong bóng) nổi lên chứng tỏ nó đang bơi về phía ni”. “Tới đi  con”, vừa lầm bầm, ông Tự vừa di chuyển miếng mồi về phía mà ông cho là có cá. “Tiếp thị tận miệng còn chưa ăn”, ông nói tiếp, mắt vẫn không rời cái phao một giây.

Có mấy anh chơi loại phao có khả năng phát sáng để dễ nhìn thấy trong bóng tối, khiến mặt nước lấp lánh màu đỏ, màu xanh xen lẫn giữa vài bông súng, bông sen. Đồ nghề đi câu chẳng cần tốn kém, theo cách lý giải của những người đàn ông: “Chơi sang mà cá không ăn cũng thua”. Chỉ bỏ vài chục ngàn mua cần, mồi thì đào trùn dưới đất ẩm là xong.
 
Mùa hè, người đi câu nhiều nên trùn cũng trở nên khan hiếm. “Giang hồ đào hết rồi, kiếm trùn bữa ni khó chứ chẳng chơi. Trùn huyết mới ngon, ba cái trùn đất bỏ xuống nước tan hết, kể làm chi”, anh Nam (35 tuổi), người ngồi bên ông Tự, vừa móc mồi vào lưỡi câu, vừa nói. Ngớp một ngụm nước bò húc tăng lực, một anh rút điện thoại gọi về nhà báo cho “chiến hữu” tiếp thêm mồi vì “tối nay cá cắn câu đã lắm”.

Vợ một bên và cá một bên

Đêm hè, nhiều người đàn ông tụ tập bên hồ sen câu cá đến sáng.

 

Mỗi lần cá cắn câu, cả không gian yên tĩnh quanh đó bị phá vỡ bởi tiếng tranh luận, hò hét. Từ từ kéo con cá bị “dính chưởng” vào gần bờ, tay đỡ sợi dây để cần khỏi gãy, ông Tự giật một phát thật dứt khoát, con rô phi to nửa ký giãy đành đạch trên nền xi-măng. Cá được cho vào giỏ lưới rồi lại được quăng xuống hồ (dĩ nhiên, một đầu giỏ gắn thật chặt bằng dép hoặc gốc cây).

Nhiều người đi xem hỏi: “Sao không thả lưới bắt cho nhiều?”. Mấy tay câu đáp ngay: “Phải ngồi lâu, đợi chờ, hồi hộp mới thú. Bắt được mừng hú, nhưng có khi chẳng ăn mà thường xuyên lăn vô bếp tự tay chế biến, mời người khác tới giải quyết giùm”.

Bắt cho được một con cá muốn “lòi” cả mắt, nhưng để đem chiến lợi phẩm về nhà một cách yên bình, các anh đã tập bài ca “chai mặt” đến nhuần nhuyễn. Ông Tự kể: “Đêm tui đi tới sáng. Bực quá bả chửi: Ông coi vợ không bằng con cá”. Vậy rồi chú nói răng?, tôi hỏi. “Thì rõ ràng rứa rồi”, ông Tự đáp không ngần ngừ.

Bên tiếng cá quẫy nước là tiếng điện thoại réo liên tục. “Mới 9 giờ mà bắt về ngủ”, một ông trách vợ sau khi đầu dây bên kia tắt máy. Anh Nam “lanh trí” hơn: “Anh đang tới đón em đây” rồi cho điện thoại vào túi và đưa mắt nhìn xuống mặt nước. Sau một hồi bàn luận với đồng đội rằng có nên cho vợ đi taxi về một lần không, anh Nam quay qua than thở: “Tới giờ đón vợ tan ca. Ước chi bả cưới thêm ông chồng nữa để một ông đi câu, một ông đi đón”.

Hơn 9 giờ tối, anh Nam thu cần. “Gặp lại sau nghe. Về ăn miếng cơm rồi ra lại”, anh Nam chào. Vẫn loay hoay với mớ mồi, ông Tự nói: “Xí nó lại ra, tụi tui ngồi tới 2 giờ sáng lận mà”. Đêm tối mịt, vài người cũng đứng lên thu dọn về nhà ăn ba miếng vì cả buổi chưa có hột cơm trong bụng. Ăn xong, họ sẽ quay trở lại.

Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.