.
CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI LIÊN HIỆP CÁC TỔ CHỨC HỮU NGHỊ THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG, NHIỆM KỲ 2009 - 2014

Xin cảm ơn những tấm lòng bè bạn

.

Thêm bạn bớt thù là phương châm xử thế, là triết lý sống của một con người, một dân tộc trong cuộc cạnh tranh sinh tồn.Phương châm ấy, triết lý ấy là nội dung chủ yếu, là mục tiêu của hoạt động đối ngoại, đặc biệt là đối ngoại nhân dân.

Liên hiệp cùng tổ chức GPPAC (Diễn đàn Châu Á - Thái Bình Dương và tàu Hòa Bình) tổ chức.

Điều này chúng ta càng thấy rõ khi nhìn lại 5 năm (2003 - 2008) công tác đối ngoại nhân dân và những hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Đà Nẵng. Ngày nay, trong con mắt các bạn bè bốn phương, Đà Nẵng không còn là hình ảnh một căn cứ quân sự khổng lồ, một thành phố rocket, một cuộc chiến tranh hủy diệt, mà là nơi có bãi biển đẹp nhất hành tinh, một lối vào các di sản văn hóa thế giới, cửa mở ra Thái Bình Dương của Hành lang Kinh tế Đông Tây, một thành phố trẻ trung năng động, thân thiện và mến khách.

Đà Nẵng đã có quan hệ với 40 thành phố trên thế giới mà sự hợp tác cùng có lợi đang đi vào thực chất. Hơn 120 tổ chức phi chính phủ nước ngoài và các tổ chức quốc tế có hoạt động ở Đà Nẵng, tổng mức viện trợ NGO hằng năm khoảng 100 tỷ đồng. Đà Nẵng đã thu hút 155 dự án đầu tư FDI với số vốn đăng ký 2,6 tỷ USD. Nhiều dự án ODA lớn về cơ sở hạ tầng đã và đang được triển khai.

Những con số ấy là rất đáng khích lệ nhưng càng quý hơn là những tấm lòng bè bạn.Bạn bè đến với chúng ta từ nhiều nước, thuộc nhiều thế hệ, có nhiều xu hướng khác nhau nhưng luôn đồng hành ủng hộ chúng ta trên mỗi chặng đường đấu tranh và xây dựng.

Nhiều cán bộ, chiến sĩ quân đội cách mạng Lào 60 năm trước đã rèn cán chỉnh quân ở Tam Dân xúc động gặp lại những tình nguyện quân Việt Nam từng chia lửa, góp máu với mình trên chiến trường Tây Trường Sơn. Cháu nội, cháu ngoại của các đồng chí ấy nay đang theo học đại học và trên đại học ở Đà Nẵng.

Anh hùng lao động Việt Nam, nhà du hành vũ trụ Gorbatko, người bay vào không gian cùng Phạm Tuân đã đến Đà Nẵng nhiều lần. Đồng chí và gia đình luôn xem Việt Nam, Đà Nẵng là quê hương thứ hai của mình. Nhiều đồng chí lãnh đạo thành phố từng học tập ở đất nước Xô-viết cùng Gorbatko hát vang những giai điệu Nga thân quen.

Các bạn Mỹ đến đây, có người từng đốt thẻ quân dịch chống cuộc chiến của Nixon, có người là cựu chiến binh từng chiến đấu ở Quảng Nam-Đà Nẵng nay lên tiếng vạch trần sự phi lý của Chính phủ Mỹ đã chịu bồi thường cho những cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam nhiễm dioxin tại sao lại vô trách nhiệm với hàng chục vạn trẻ em Việt Nam mang di chứng vì chất độc này.

Có người là giáo sư, là cố vấn của Tổng thống Bill Clinton đã viết thư, viết sách khuyến nghị Tổng thống bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Có các sinh viên Mỹ tròn hai mươi tuổi đến Đà Nẵng tham gia chương trình nghiên cứu Việt Nam đã khóc nức nở khi đến thăm các gia đình nạn nhân chất độc da cam. Có em là sinh viên điêu khắc, cha là cựu chiến binh Việt Nam bị nhiễm và đã chết vì chất độc da cam, đến đây làm những tác phẩm từ nguyên mẫu là các nạn nhân chất độc da cam.

Hơn 100 nạn nhân bom nguyên tử (1945) đã có một cuộc giao lưu cảm động với các nạn nhân chất độc da cam. Nhiều người đã ngoài 80 tuổi đứng lặng bên những nạn nhân dioxin khóc ròng. Các bạn nói: “Nạn nhân chất độc da cam còn đau khổ, kinh hoàng hơn nỗi đau của chúng tôi. Chúng ta phải sát cánh bên nhau đấu tranh cho một thế giới không có chiến tranh, không có vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học”.

Nhiều bạn Pháp, Anh đã lập ra những NGO nhỏ để cùng nhau bảo trợ trẻ em đường phố. Nhờ tình hữu nghị và lòng nhân đạo, nhiều em nhỏ bất hạnh lang thang cơ nhỡ đã được cưu mang, được sống và học hành như những trẻ em khác, có em còn được du học ở Paris (Pháp).

Chúng ta đánh giá cao và tri ân nhà tỷ phú (muốn giấu tên) đã dành hàng chục triệu USD cho những công trình lớn, những thiết bị hiện đại của Bệnh viện Đa khoa, Bệnh viện Mắt. Chúng ta rất quý trọng tổ chức có cái tên khiêm tốn “Giọt nước”, bởi từ giọt nước nhỏ ấy chúng ta thấy tấm lòng mênh mông của bè bạn. Chúng ta hết sức trân trọng một cặp vợ chồng người Anh năm nào cũng dành vài tháng cho trẻ em đường phố Đà Nẵng. Anh chị mang đến từ Luân Đôn những chiếc lược chải chấy và cả thuốc diệt chấy rồi chải đầu, bôi thuốc cho từng em.

Các bạn Ấn Độ nhắc đi nhắc lại với chúng tôi “Trong quá trình phát triển có vấn đề khoảng cách giàu nghèo, có hệ lụy của vấn đề đô thị hóa. Các bạn Việt Nam có thể đến với chúng tôi trao đổi, rút kinh nghiệm về các vấn đề này”.

Tiếng nói của các bạn về các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, sắc tộc, về các tranh chấp thương mại, về công lý trong vụ kiện của nạn nhân chất độc da cam đã thành những bài báo, những bài trên diễn đàn mạng trong các cuộc hội thảo, các cuốn sách, các phim tài liệu... là sự ủng hộ vô giá không thể lượng định bằng tiền bạc được.

Chúng ta được bạn bè yêu quý, tin cậy bởi cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam không chỉ vì độc lập, tự do của dân tộc mình mà còn vì hòa bình, tự do, dân chủ của cả loài người. Sự nghiệp xây dựng đất nước của chúng ta luôn hướng tới những mục tiêu thiên niên kỷ của cộng đồng quốc tế, bởi chúng ta luôn làm đúng những cam kết, sử dụng có hiệu quả nguồn viện trợ, đưa mọi sự giúp đỡ đến đúng địa chỉ.

Nhưng chúng ta còn biết bao việc phải làm. Cả hệ thống chính trị, các cơ quan truyền thông đại chúng phải làm sao nâng cao nhận thức và năng lực của mỗi người dân về các vấn đề quốc tế quan trọng để trong mọi trường hợp họ có thể ứng xử đúng và linh hoạt, và họ sẽ tham gia tích cực khi được tập hợp. Họ có chủ kiến về các vấn đề thế giới đang quan tâm với tiếng nói theo cách riêng của mình.

Hơn thế chúng ta phải phấn đấu ra khỏi danh sách các nước nghèo và chậm phát triển để cùng với Nhà nước, mỗi người dân không chỉ có ý thức mà còn có thể có nguồn lực tham gia vào các hoạt động cứu trợ nhân đạo quốc tế.

Bác Hồ đã dạy chúng ta phải tình nghĩa thủy chung, phải biết ơn bè bạn khắp năm châu đã ủng hộ và giúp đỡ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Người nhắc nhở nhân dân ta phải góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc và  sự nghiệp cách mạng thế giới.

Trong thế giới ngày nay còn có những người, những tổ chức chưa hiểu biết đầy đủ và đúng đắn về Việt Nam, và cả những người, những tổ chức có ý đồ xuyên tạc, chống phá sự nghiệp của chúng ta trên các diễn đàn quốc tế cũng là không có gì bất ngờ. Chúng ta tin ở mình, ở sự ủng hộ, đoàn kết của bè bạn. Chúng ta nhất định đủ sức mạnh vượt lên thách thức thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.Chúng ta luôn nhớ một ngạn ngữ của Indonesia: “Có một kẻ thù đã là nhiều. Có bao nhiêu bạn cũng là chưa đủ”.

NGUYỄN ĐÌNH AN

;
.
.
.
.
.