.
CHUYỆN CỦA NGƯ DÂN

Người “lính liên lạc” ngoài khơi

.

Với chiếc máy Icom (máy liên lạc tầm xa, tầm ngắn) trong tay, mỗi lúc ra khơi, ngư dân vừa có thể gọi trực tiếp về nhà vừa giữ được đường dây liên lạc thường xuyên với các chiến sĩ Đồn Biên phòng ở trên bờ.

Nhờ được trang bị bộ máy Icom, người ngư dân khi ra khơi xa có thể liên lạc trực tiếp, thường xuyên với đất liền.

Sau hơn 1 tháng đánh bắt xa bờ, chiếc tàu ĐNa 90136 của bác Lê Sự ở phường Thọ Quang, quận Sơn Trà đã cập bờ an toàn. Sau khi cùng vợ con nhập hết cá, mực đánh bắt được cho các chủ nậu, bác Sự tranh thủ lên Đồn Biên phòng 252 ở cách nhà không xa để “tổng kết” công việc trong thời gian qua.  Nói là tổng kết vì chuyến đi của bác ngoài mục đích là đánh bắt hải sản, còn có nhiệm vụ cùng những tàu khác trong nhóm theo dõi, nắm bắt kịp thời thông tin cần thiết về biển đảo, cung cấp cho các anh trong Đồn Biên phòng 252.

Trong nhiều năm qua, để kịp thời giúp đỡ cho ngư dân trong thời gian đánh bắt xa bờ, các Đồn Biên phòng thành phố đã tiến hành ký kết bản thông tin liên lạc về mật danh tọa độ với các chủ tàu, thuyền đánh bắt hải sản. Theo đó, Đồn Biên phòng lập ra một bảng ký hiệu riêng về các tọa độ đánh bắt ngoài khơi, đồng thời mở lớp tập huấn triển khai hướng dẫn cho ngư dân.

Với cách làm này không chỉ giúp ngư dân bảo đảm được bí mật về địa điểm đánh bắt mà còn khuyến khích họ có trách nhiệm trong việc kịp thời thông báo về Đồn Biên phòng khi cần cứu nạn, cứu hộ, phát hiện ra những dấu hiệu tàu nước người xâm phạm ngư trường đánh bắt  hay những hoạt động thăm dò trái phép khoáng sản của nước ta.

Với kinh nghiệm lâu năm trong nghề, bác Sự cho biết: “Mỗi chuyến đi đánh bắt xa bờ, bao giờ chúng tôi cũng phát hiện ra một vài tàu thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền biên giới hải đảo của mình. Những lúc như vậy, chúng tôi đều liên lạc trực tiếp với Đồn vì biết các anh luôn túc trực 24/24 giờ. Nhiều lúc đi ngoài khơi gặp sự cố, có tàu ở gần đó mình xin cứu giúp họ vẫn lờ đi, nhưng nếu có “tiếng nói” của các anh Biên phòng là họ sẵn sàng giúp ngay. Bây giờ phải làm sao mỗi chuyến ra khơi càng đông tàu thuyền càng tốt vì với lực lượng như vậy mình sẽ an toàn hơn”.

Bác Sự cho biết thêm, để giữ cho thông tin mình truyền về đất liền luôn được an toàn, bí mật, các ngư dân còn thường xuyên thay đổi tần số liên lạc. Nhờ đó, rất hiếm trường hợp ngư dân bị lộ ngư trường đánh bắt cũng như các thông tin truyền về. Thiếu tá Nguyễn Hữu  Thiều, Chính trị viên, Đồn Biên phòng 252 cho biết: “Ngư dân đã hỗ trợ chúng tôi rất lớn trong việc nắm bắt tình hình trên biển. Nhiều thông tin họ báo về rất quan trọng, giúp chúng tôi kịp thời có những biện pháp giải quyết hợp lý”.

Với ngư dân, Đồn Biên phòng chính là hậu phương vững chắc, tạo cho họ niềm tin mỗi lúc ra khơi, đương đầu với gió to sóng lớn và cả những hiểm nguy luôn rình rập từ phía biển. Ngược lại, ngư dân cũng chính là người lính liên lạc, là đầu mối quan trọng trong việc gìn giữ sợi dây liên lạc giữa khơi xa với bờ gần.

Bài và ảnh: Khánh Hòa

;
.
.
.
.
.