.

Của trời cho!? - Kỳ 1: Của trời cho vô tư khai thác

.

Trên đoạn sông Vĩnh Điện chạy ngang qua khu vực An Lưu và Mân Quang thuộc phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, lâu nay vẫn nhức nhối với tình trạng khai thác cát trái phép. Mặc dù các cơ quan chức năng đã thực hiện một số biện pháp can thiệp, ngăn chặn nhưng hiện giờ, tình trạng này vẫn không giảm mà diễn ra với mức độ ngày càng tinh vi hơn.


Dọc ngang tung hoành

Những chiếc tàu này vẫn khai thác cát trái phép thường xuyên ở khu vực An Lưu, phường Hòa Quý.

Theo phản ánh của người dân sống tại khu vực An Lưu và Mân Quang, những chiếc ghe, tàu khai thác cát trái phép hiện nay vẫn liên tục hoạt động, bất chấp phản ứng của người dân và những biện pháp can thiệp của chính quyền. Khi chúng tôi đến khu vực bờ sông thuộc tổ 25 An Lưu thì những tàu khai thác cát đã “xong công việc”, cát đã được hút lên và chuyển cho những cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng ở Đà Nẵng.

Còn những chiếc tàu hút cát thì đang nằm “nghỉ ngơi” ở phía bờ sông đối diện thuộc xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang. Cũng trong tình trạng tương tự, tại đoạn sông thuộc khu vực Mân Quang, các chủ tàu ở đây hoạt động thường xuyên, ngang nhiên đưa ống hút vào sát bờ sông, bất chấp hậu quả nghiêm trọng sẽ xảy đến với dòng sông và đời sống của người dân địa phương.   

Ông Nguyễn Văn Cường, tổ trưởng tổ 25 An Lưu bức xúc: “Những ghe, tàu này hoạt động ngày càng tinh vi hơn, thường họ hút cát một ngày 3, 4 lần: tầm 2, 3 giờ sáng, 7 và 9 giờ sáng. Đây là lúc mà bà con và cả cán bộ địa phương đang nghỉ ngơi hoặc đến cơ quan, đi làm đồng nên khó có thể bắt quả tang lúc đang hút cát”.
 
Điều đáng nói là ai cũng biết họ tên những chủ ghe, tàu khai thác cát trái phép này vì các đối tượng trên đã nhiều lần bị chính quyền và các cơ quan chức năng của địa phương bắt quả tang, xử phạt. Thế nhưng, rồi đâu lại vào đấy! Cho đến nay, những loại tàu này vẫn hoạt động với khối lượng khai thác khoảng 20 khối cát mỗi tàu. Vì xem cát khai thác được là “của trời cho”, cũng chẳng phải đóng thuế, lợi nhuận lại rất lớn nên các ghe, tàu khai thác liên tục cả ngày lẫn đêm.

Người dân địa phương cho biết, những đối tượng trên hoạt động rất khôn khéo. Để tránh bị người dân phát hiện, họ tìm cách giảm âm những máy hút cát, hạn chế tiếng ồn. Đồng thời, cho người canh giữ, báo hiệu mỗi khi cơ quan chức năng ra quân kiểm tra, xử lý. Ông Cường cho biết: “Những chủ khai thác cát có sự phối hợp với nhau và họ có bà con đi ghe đò, đi thả lưới bắt cá ven sông. Khi thấy công an xuất hiện, họ điện thoại liên lạc ngay với tàu và người trên tàu rút ống chạy liền.

Cho nên việc bắt quả tang là rất khó. Lâu lâu người dân địa phương ra xua đuổi nhưng rồi tàu cũng trở lại hoạt động. Có lúc người dân phát hiện được, báo cho cơ quan chức năng thì họ lại rút ống, chuyển sang bờ sông đối diện, thuộc địa phương khác quản lý”. Chính quyền quận Ngũ Hành Sơn và phường Hòa Quý cũng đành chịu. Nếu không bắt được quả tang, dù tàu đầy cát nhưng khi kiểm tra, người trên tàu bảo là khai thác ở tỉnh Quảng Nam chở ra Đà Nẵng bán, muốn xử phạt cũng chẳng được.

Lợi cá nhân, hại cộng đồng

Tình trạng sạt lở nghiêm trọng dọc bờ sông là hậu quả rõ ràng nhất do việc khai thác cát trái phép gây ra. Những ống hút được đưa sát vào bờ, hoạt động liên tục ngày này qua ngày khác khiến cho lòng sông sâu thêm, bờ sông bị sạt lở, xuất hiện nhiều hàm ếch ăn sâu vào bờ. Những hàng tre chắn sóng được người dân trồng lâu nay bị sụp đổ xuống sông.
 
Riêng những người dân ở khu vực An Lưu lại lo ngại một điều là hiện nay, Nhà nước đã đầu tư một máy bơm điện đặt cách bờ sông khoảng 2m, nếu tiếp tục tình trạng khai thác cát trái phép, không ngăn chặn được thì không lâu nữa, trạm bơm điện này sẽ rớt xuống sông. Cũng tại đây, chính quyền thành phố đã đầu tư kinh phí gần 2 tỷ đồng để xây dựng bờ kè nhằm ngăn chặn tình trạng sạt lở gây ảnh hưởng đến các hộ dân sinh sống ven sông.

Thế nhưng, từ những năm trước, các tàu khai thác cát đã đưa ống hút đến sát chân bờ kè, gây ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí hơn 100m kè đã bị sụt xuống lòng sông. Hiện nay, sau một thời gian cát bồi đắp, đoạn bờ kè này bị che lấp một phần, nếu vào mùa nước ròng sẽ thấy rõ những đoạn kè đã bị sạt lở.

Hằng năm, trước tác động của thiên nhiên thì đất cát cũng sụt xuống bờ sông một phần, nếu còn khai thác cát thì mức độ sạt lở bờ sông sẽ tăng lên, ảnh hưởng đến đời sống và đất sản xuất của bà con. Vẫn biết những hậu quả nghiêm trọng này sẽ xảy ra nhưng những kẻ khai thác cát trái phép bất chấp tất cả để thu lời.

Điều mà họ đang làm không những trái với quy định của luật pháp mà còn trái với đạo làm người. Trong khi tạo cho mình một nguồn thu lớn thì họ cũng đồng thời gây nguy hiểm cho những hộ dân sống ven sông và tàn phá môi trường, làm thay đổi những quy luật tự nhiên của dòng nước. Hậu quả thấy rõ là vậy nhưng việc ngăn chặn và xử lý hành vi khai thác cát trái phép không phải là chuyện đơn giản. 
                    
Bài và ảnh: MỸ HẠNH

 

;
.
.
.
.
.