.

Của trời cho !? - Kỳ 2: Cần những biện pháp xử lý quyết liệt hơn

.

Nhận thức được mức độ nghiêm trọng của tình trạng khai thác cát trái phép trên đoạn sông Vĩnh Điện chạy qua khu vực An Lưu, Mân Quang, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, nhưng chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng vẫn chưa có giải pháp nào thật sự hữu hiệu để ngăn chặn và giải quyết triệt để tình trạng này.

        >> Của trời cho!? - Kỳ 1: Của trời cho vô tư khai thác

Xử lý còn nhẹ tay

Tàu khai thác cát trái phép đang di chuyển trên sông thuộc khu vực An Lưu.

Việc bắt quả tang tàu đang khai thác cát trái phép đã khó, nhưng khi bắt được thì việc xử lý cũng chẳng đơn giản chút nào. Ông Huỳnh Kim, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Quý cho biết: “Khi bắt giữ tàu thì trên tàu chỉ là những người lao động làm thuê, hoàn cảnh nghèo túng, từ địa phương khác đến, chủ thuê thì họ đi làm kiếm tiền.

Nếu hỏi họ chủ là ai thì họ đều nói không biết hoặc đưa địa chỉ, số điện thoại giả, cơ quan chức năng không biết chủ tàu là ai, ở đâu để lập biên bản xử lý”. Thường thì trên các tàu khai thác cát trái phép chỉ có những người lao động làm thuê, chủ không khi nào có mặt tại hiện trường. Vì vậy, các cơ quan chức năng phải mất thời gian truy ra chủ thực sự của những chiếc tàu này, sau đó, việc xử phạt mới có thể tiến hành.

Một số trường hợp, cơ quan chức năng của phường Hòa Quý đã bắt quả tang, lập biên bản và đề nghị quận xử phạt ít nhất là 10 triệu đồng và cao hơn là 15 triệu đồng. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, gần như tất cả các trường hợp bị xử phạt đều được giảm nhẹ mức phạt xuống 3 đến 5 triệu và cao nhất chỉ 8 triệu đồng.
 
Theo quy định, nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức xử phạt mới được giảm, nhưng các cơ quan chức năng của phường Hòa Quý cho rằng tất cả đều không có tình tiết giảm nhẹ nên mức phạt như thế là không đúng luật và chưa đủ sức răn đe những đối tượng khai thác cát trái phép. Trên thực tế, những người chủ thực sự của những chiếc tàu khai thác cát trái phép không những không bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật mà một số còn được bao che.
 
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, thời gian gần đây, có không ít trường hợp tàu bị bắt quả tang đang khai thác cát trái phép nhưng lại phải thả đi, không bị xử lý vì sự tác động của một số người thân quen. Điều này cho thấy, chuyện khai thác cát trái phép được tổ chức một cách rất tinh vi, có đầu mối, có người đỡ đầu và bất chấp hậu quả vì khoản lớn từ nguồn lợi “trời cho” này.

Tăng cường lực lượng, phương tiện để ngăn chặn

Thời gian qua, chính quyền quận Ngũ Hành Sơn và phường Hòa Quý cũng như lực lượng Công an phường đã kêu gọi, phát động toàn dân cùng tham gia ngăn chặn, xua đuổi những tàu khai thác cát trái phép. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người dân, Ban bảo vệ tổ dân phố, dân phòng bắt quả tang tàu đang hút cát nhưng họ lại không có thẩm quyền để bắt giữ. Khi liên lạc với cơ quan chức năng và chờ lực lượng có thẩm quyền đến giải quyết thì những chiếc tàu này đã rút ống và “cao chạy xa bay”.
 
Riêng lực lượng Công an phường Hòa Quý, bằng những phương pháp linh hoạt, từ năm 2008 đến nay đã bắt giữ 5 vụ. Có lúc cán bộ Công an phải đóng giả người đánh cá, xuôi từ cầu Tứ Câu xuống, khi đến gần tàu khai thác cát đã áp sát, nhảy lên boong khống chế đối tượng. Hoặc dùng canô cao tốc cho lực lượng đi theo phục từ 24 giờ ngày hôm trước kết hợp với trinh sát theo dõi, nếu phát hiện đang khai thác hoặc chuẩn bị khai thác cát thì thông báo cho lực lượng trên canô đến tận nơi, bắt quả tang, tạm giữ tàu.
 
Tuy nhiên, con số ghe, tàu bắt được còn quá ít so với cường độ và số lượng khai thác cát của các tàu mỗi ngày. Theo ý kiến của cơ quan Công an phường Hòa Quý, nên chăng cần trang bị cho đơn vị máy quay phim để ghi hình lại hành vi của các đối tượng khi đang hút cát. Có như vậy mới làm bằng chứng khó chối cãi và việc bắt giữ, xử lý sẽ dễ dàng hơn.

Ngoài ra, đầu năm 2009, có trường hợp ghe khai thác cát cùng người chìm xuống sông nhưng canô của lực lượng Công an phường bị hỏng máy, không phục vụ cứu vớt kịp thời, rất may trường hợp này không có thiệt hại về người. Do vậy, việc trang bị canô mới, cấp kinh phí chi cho việc tuần tra, kiểm soát và bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ tham gia phục bắt là cần thiết. Bên cạnh đó, vì khu vực khai thác cát trái phép liên quan đến nhiều địa phương (Hòa Vang, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn) nên rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, tránh tình trạng đối tượng viện cớ không thuộc thẩm quyền xử lý của địa phương này để chạy trốn qua địa phương khác.

Tận thu cát để khai thác tràn lan bất hợp pháp là hành vi vi phạm pháp luật, không những làm hại đến môi trường sống, gây sạt lở bờ sông mà còn làm thất thu một nguồn lợi của Nhà nước. Không phải đóng thuế, không giấy phép hoạt động nhưng những ghe, tàu này vẫn dọc ngang tung hoành, tận thu nguồn lợi thiên nhiên. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần có những biện pháp xử lý quyết liệt, tăng mức xử phạt hành chính để ngăn chặn và xóa bỏ hẳn tình trạng khai thác cát trái phép tại khu vực An Lưu, Mân Quang.

Bài và ảnh: Mỹ Hạnh

;
.
.
.
.