.

Đầu tư nghiên cứu lịch sử Đảng bộ thành phố

Từ khi thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương đến nay, cùng với các công tác quan trọng và cấp bách khác, Đảng bộ thành phố đã quan tâm đến công tác nghiên cứu lịch sử Đảng, công tác bảo tồn, giáo dục và phát huy truyền thống cách mạng.

Các Đại hội XVII, XVIII và XIX của Đảng bộ thành phố đều có chủ trương về việc tiếp tục tăng cường chỉ đạo công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ và lịch sử địa phương. Nhờ đó việc sưu tầm tư liệu, nghiên cứu biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân địa phương đã dấy lên thành phong trào, tạo bước chuyển biến tốt đẹp ở cấp thành phố cũng như ở các cấp quận, huyện, xã, phường.

Nhiều công trình lịch sử Đảng bộ, lịch sử cách mạng do Thành ủy, UBND thành phố, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Ban Dân vận Thành ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên đoàn Lao động thành phố, Ban liên lạc ngành Binh địch vận Quảng Đà... thực hiện đã được biên soạn, xuất bản như:

Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam-Đà Nẵng (1930-1975), Lịch sử Đà Nẵng, Tổng kết công tác binh vận trên địa bàn Quảng Nam-Đà Nẵng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân thành phố Đà Nẵng (1945-2005), Lịch sử Công an Nhân dân thành phố Đà Nẵng, tập I (1945-1954), tập II (1954-1975), Lịch sử phong trào Phụ nữ thành phố Đà Nẵng (1930- 2005), Lịch sử phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động Công đoàn thành phố Đà Nẵng (1929-2009); các tập sách hồi ký cách mạng và chuyên đề như: Những ngày giữ lửa, Nhớ mãi mùa thu cách mạng, Đà Nẵng 1946, Từ Đà Nẵng đến Điện Biên Phủ, Đà Nẵng thời đánh Mỹ - Thế trận lòng dân, Đà Nẵng xuân 1975, Cuộc chiến đấu trong lòng địch, Mãi mãi là dân Cụ Hồ…

Cùng với công tác biên soạn, công tác sưu tầm và bảo quản tư liệu Lịch sử Đảng được Văn phòng Thành ủy, Ban Tuyên giáo Thành ủy và các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt.  Trên cơ sở kế thừa các nguồn tài liệu trước đây, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng đã tổ chức khai thác tài liệu tại Kho lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Viện Lịch sử Đảng, các Trung tâm lưu trữ quốc gia I, II, III, cơ quan lưu trữ tài liệu ở trên địa bàn thành phố và các địa phương khác, đồng thời tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, gặp gỡ nhân chứng lịch sử xác minh tư liệu.

Đến nay, tổng số tư liệu hiện có tại kho lưu trữ của Ban Tuyên giáo Thành ủy gồm hàng ngàn bản với trên 10 vạn trang tư liệu lịch sử, trong đó có nhiều tài liệu có giá trị, phục vụ tốt cho công tác nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng, chuyên ngành và chuyên đề.

Công tác nghiên cứu biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử cách mạng cấp quận, huyện, xã, phường cũng đạt được thành tựu bước đầu đáng phấn khởi. Các quận, huyện đều đã tiến hành biên soạn và xuất bản lịch sử Đảng bộ địa phương như Hòa Vang, Thanh Khê, Sơn Trà, Liên Chiểu, Hải Châu, Ngũ Hành Sơn… Nhiều tài liệu quý về huyện đảo Hoàng Sa đã được sưu tầm, lưu trữ và giới thiệu. Đến nay, các xã, phường trên địa bàn thành phố đều đã biên soạn Lịch sử cách mạng xã, phường, trong đó 2/3 số xã, phường đã xuất bản, được Viện Lịch sử Đảng thuộc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh biểu dương trong nhiều năm liền.

Về công tác gắn bia di tích lịch sử, xây dựng nhà truyền thống, phát huy các công trình lịch sử cách mạng đã xuất bản, giáo dục và phát huy truyền thống cách mạng được các cấp ủy và chính quyền địa phương chú ý. Những di tích lịch sử cách mạng như Trường Cự Tùng, Hiệu sách Việt Quảng, Nhà ga Đà Nẵng, Trụ sở UBND thành phố... đều được gắn bia di tích lịch sử-văn hóa. Nhiều địa phương đã xây dựng nghĩa trang liệt sĩ, tượng đài nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia ghi danh liệt sĩ và các Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
 
Tiêu biểu là khu di tích K20, Tượng đài Mẹ Dũng sĩ và Khu Di tích các Dũng sĩ Thanh Khê... Trong dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của Đảng và dân tộc, Mặt trận Tổ quốc và Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, các ban liên lạc tù yêu nước, Câu lạc bộ Thái Phiên, Sở Giáo dục-Đào tạo và các trường học, các địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố... đã tổ chức nhiều hình thức giáo dục truyền thống cách mạng rất sinh động:
 
Hội thảo, tọa đàm, triển lãm tranh ảnh tư liệu, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, tuyên truyền, thi tìm hiểu về Đảng, về Bác Hồ, kể chuyện lịch sử cách mạng, tổ chức đêm thơ nhạc truyền thống, đi thăm các di tích lịch sử, thăm và tặng quà các Bà mẹ Việt Nam anh hùng… Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đang được đẩy mạnh triển khai thực hiện và đi vào cuộc sống của Đảng bộ và nhân dân thành phố với nhiều hình thức sinh hoạt, phong phú như: Học tập các chuyên đề, tổ chức Hội thi kể chuyện, Lễ báo công dâng Bác, biểu dương các điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… 

Nhìn chung, sau 12 năm Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, công tác biên soạn Lịch sử Đảng, giáo dục và phát huy truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân thành phố đã có được một chuyển biến tích cực, phát triển khá vững chắc. 

Tuy nhiên, công tác nghiên cứu lịch sử Đảng và giáo dục truyền thống cách mạng ở thành phố Đà Nẵng trong những năm qua cũng còn một số hạn chế. Kế hoạch nghiên cứu khoa học chưa được xây dựng dài hạn, nhiều vấn đề còn có ý kiến khác nhau chưa được giải quyết, cán bộ có thể trực tiếp đảm nhiệm việc biên soạn lịch sử Đảng bộ và lịch sử cách mạng địa phương còn thiếu và hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ…

Phát huy những mặt làm được, khắc phục những tồn tại hạn chế, trong những năm tới, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng sẽ tiếp tục tham mưu cho Thường vụ Thành ủy đẩy mạnh hơn nữa công tác chỉ đạo biên soạn lịch sử Đảng bộ và giáo dục, phát huy truyền thống cách mạng trong toàn thành phố, chỉ đạo và tạo điều kiện để các quận, huyện, xã, phường hoàn thành biên soạn và xuất bản lịch sử Đảng bộ, lịch sử cách mạng địa phương; tiếp tục tổ chức sưu tầm, hệ thống và giới thiệu tư liệu về huyện đảo Hoàng Sa; triển khai biên soạn các cuốn hồi ký cách mạng và các tập sách chuyên đề về lịch sử thành phố qua các thời kỳ cách mạng. 
 
Bùi Xuân

;
.
.
.
.
.