LTS: Trong những năm qua, cùng với ngành Tuyên giáo cả nước, ngành Tuyên giáo thành phố Đà Nẵng đã phấn đấu nâng cao chất lượng công tác, kịp thời đưa chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tạo ra sự đồng thuận lớn, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Nhân kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng (1-8-1930 – 1-8-2009), P.V Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với đồng chí VÕ CÔNG TRÍ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy về định hướng hoạt động của ngành trong thời gian đến.
* PV: - Thưa đồng chí! Đồng chí có thể cho biết một cách khái quát nhất nhiệm vụ trọng tâm của công tác Tuyên giáo hiện nay là gì?
- Đồng chí Võ Công Trí: - Nhiệm vụ trọng tâm, mấu chốt của công tác tuyên giáo hiện nay là xây dựng sự đoàn kết, thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội về đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước, xây dựng thành phố theo hướng văn minh, hiện đại. Từ đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo ra các phong trào hành động cách mạng sôi nổi của quần chúng để thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách của Đảng và của thành phố.
* P.V: - Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, công tác tuyên giáo đã học được những bài học kinh nghiệm gì từ thực tiễn 79 năm hoạt động đã qua?
- Đồng chí Võ Công Trí: Công tác Tuyên giáo luôn được xác định là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động cách mạng của Đảng; là lĩnh vực trọng yếu để tuyên truyền, giáo dục, động viên và tổ chức nhân dân thực hiện các nhiệm vụ cách mạng; là cơ sở để nâng cao và khẳng định vị trí tiên phong của Đảng về chính trị, lý luận, trí tuệ, văn hóa và đạo đức.
Do đó, cần nhận thức cho đúng, công tác tuyên giáo nói chung, trong đó có công tác tư tưởng là công tác của toàn Đảng, của tất cả đảng viên, trước hết là của cấp ủy và bí thư các cấp ủy Đảng; là sự nghiệp của toàn dân, toàn quân, trong đó hệ thống chuyên trách làm công tác tuyên giáo giữ vai trò nòng cốt, chứ không phải là công việc riêng của ngành Tuyên giáo. Sức mạnh tổng hợp trong công tác này chính là sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Điều kiện để phát huy sức mạnh đó là phải phát huy dân chủ, tự do tư tưởng, khai thác mọi tiềm năng sáng tạo của Đảng và toàn xã hội để làm công tác tư tưởng.
Vì vậy, bài học đầu tiên là phải tổ chức cho toàn Đảng, toàn dân làm công tác tư tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sự tham gia của nhân dân vào đời sống tư tưởng mang một ý nghĩa chính trị to lớn, là sự bảo đảm vững chắc mọi thành quả thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.
Công tác Tuyên giáo luôn gắn với đường lối, xuất phát từ đường lối và trên cơ sở đường lối chính trị của Đảng để triển khai các hoạt động của mình. Trong mọi thời kỳ, nhất là trước những bước ngoặt của cách mạng, công tác Tuyên giáo phải kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xuất phát từ thực tiễn để vận dụng sáng tạo, phục vụ cho việc xây dựng đường lối chính trị và triển khai thực hiện thắng lợi đường lối đó.
Yêu cầu của công tác tư tưởng là phải nâng cao tính khoa học, tính chiến đấu, đặc biệt là phải trung thực. Sự thật phải đến được với nhân dân và nhân dân tự mình cũng tìm đến sự thật. Trong thời đại thông tin hiện nay, yêu cầu nói thật càng trở nên quan trọng hơn. Nhưng cùng với nói thật, điều không kém phần quan trọng là phải hấp dẫn.
Sức hấp dẫn, sức thuyết phục của công tác tư tưởng trước hết là ở nội dung đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, và sau nữa là ở trình độ “thạo nghề” của người làm công tác tư tưởng. Nói thật và tạo sự hấp dẫn để sự thật được đến với quần chúng, được quần chúng chấp nhận là yêu cầu và cũng là bài học của người làm công tác tư tưởng trong mọi thời kỳ. Công tác tư tưởng còn đòi hỏi phải hết sức chủ động, sáng tạo, quyết liệt…
* P.V: Thưa đồng chí, có nhiều ý kiến cho rằng, so với trước đây, dường như chúng ta còn bị động và chưa quyết liệt trong việc đấu tranh ngăn chặn, phản bác các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch?
- Đồng chí Võ Công Trí: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác Tuyên giáo đã có những đóng góp xứng đáng vào mọi thắng lợi của cách mạng. Tuy nhiên, trước những diễn biến nhanh chóng của tình hình và yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng, công tác Tuyên giáo hiện còn nhiều hạn chế, yếu kém.
Nhiều văn bản của Đảng đã chỉ rõ, công tác Tuyên giáo trong thời gian qua còn thiếu chủ động, sắc bén và kịp thời; tính chiến đấu, tính thuyết phục chưa cao; chưa làm tốt yêu cầu bồi dưỡng, nâng cao tình cảm, niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và trong nước; vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân có biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống…
Hiện tượng xa rời, phai nhạt lý tưởng cách mạng, sa sút phẩm chất đạo đức, một phần chính là do giảm sút niềm tin, lý tưởng. Niềm tin được xây đắp từ thực tiễn sinh động, song vai trò của giáo dục lý tưởng cách mạng, tức là công tác tư tưởng hết sức quan trọng. Những yếu kém trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng cùng với sự tuyên truyền xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch cũng góp phần làm suy giảm niềm tin không kém.
* P.V: Vậy sắp tới, công tác Tuyên giáo phải làm gì để tiếp tục củng cố trận địa tư tưởng, thưa đồng chí?
- Đồng chí Võ Công Trí: Có rất nhiều việc phải làm, nhưng cần nhất là phải tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức công tác tư tưởng theo hướng bám sát thực tiễn, sát đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm và sức thuyết phục; kịp thời giải quyết những vấn đề do thực tiễn đặt ra; nâng cao năng lực nghiên cứu, tham mưu, chỉ đạo, kiểm tra và tính chiến đấu của công tác tư tưởng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao theo sự phát triển của đất nước và thành phố trong tình hình mới.
Tiếp tục đổi mới phương thức học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng; tăng cường đối thoại, tranh luận; coi dân chủ hóa, minh bạch hóa là phương pháp tốt nhất để tạo sự đồng thuận trong xã hội và nâng cao trình độ, bản lĩnh của cán bộ Tuyên giáo. Công tác lý luận cần được đặc biệt quan tâm để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra về mô hình, về con đường, về định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta…
Công tác tư tưởng là công tác đối với con người, nên phải có phương pháp khoa học, thái độ thận trọng, khách quan và tuân thủ các quy luật đặc thù của nó. Điều cốt lõi là làm sao mỗi người tự nâng sức đề kháng của mình lên để đủ sức, đủ trí nhận biết đâu là tốt, là xấu, từ đó có thái độ ứng xử phù hợp.
* P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
P.V (Thực hiện)
.
.
KỶ NIỆM 79 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH TUYÊN GIÁO CỦA ĐẢNG (1-8-1930 – 1-8-2009)
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác Tuyên giáo
Thứ Sáu, 31/07/2009, 08:59 [GMT+7]
.
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.