.

Loạn dịch vụ mát-xa

.

Hiện nay, ngoài phục vụ lưu trú, các khách sạn, nhà nghỉ mở thêm các hoạt động dịch vụ, giải trí phụ trợ khác, đặc biệt dịch vụ xông hơi, mát-xa đã trở thành một “sản phẩm” phổ biến của các khách sạn. Thậm chí không ít khách sạn sống được là nhờ các dịch vụ phụ trợ này. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là hoạt động nhạy cảm này đang trở thành một vấn nạn khi cung và cầu ngày càng tăng, nhưng lại có sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng.

“Ăn nên làm ra”

Một điểm mát-xa của Hội người mù.

Cũng như không ít các khách sạn khác, mới 7 giờ tối, khách sạn H.N gần Bến xe Trung tâm đã bắt đầu tấp nập người ra vào. Không ít thanh niên, trung niên phải ngồi chờ đợi hàng chục phút trước tiền sảnh khách sạn, nơi có một chiếc ti-vi màn hình phẳng cực nét với đủ các kênh truyền hình nước ngoài. Vài chục phút chờ đợi là khoảng thời gian không nhiều, nhưng lại quá lâu so với chiếc vé mát-xa 45 phút với giá 80 nghìn đồng, trong khi khách hàng đã ngà ngà say.

Một nhân viên tiếp khách nam cứ chạy đi chạy lại dặn dò: “Mấy anh thông cảm nhé, tối nay khách hơi đông. Chờ một chút nữa là có phòng ngay”. Một chút nhưng sớm thì mất khoảng 10 phút, lâu thì cũng gần nửa tiếng đồng hồ. Trong lúc chờ đợi, chúng tôi bắt chuyện với một anh bảo vệ. Anh T. cho biết, “Mấy anh vào ban ngày thì tương đối rảnh. Ban đêm khách rất đông.
 
Đặc biệt vào khoảng 8 giờ tối, khi họ đi nhậu về. Thứ bảy là đông khách nhất. Hôm nay chủ nhật nên cũng không đông lắm”. Khi thấy chúng tôi băn khoăn “Tại sao cuối tuần lại rảnh?”, anh T. giải thích: “Chủ nhật, thường thường họ ở nhà với vợ nên ít đi hơn”. Giữa lúc chúng tôi đang buôn chuyện, các tiếp viên nữ trong những bộ váy ngắn quá nửa đùi cứ chạy lui chạy tới tất bật giao ca.

1.001 kiểu mát-xa

Nhìn chung, các khách sạn mini mới mở thì dịch vụ mát-xa được đầu tư tương đối bài bản và có chất lượng hơn, nên vì thế mà giá cả cũng nhỉnh hơn chút đỉnh. Tùy theo thời gian và chất lượng phục vụ mà có giá thích hợp. Một số khách sạn đã có truyền thống dịch vụ này như X.T, T.B, H.V, C.Đ... thì giá trung bình khoảng 70 nghìn đồng/vé 45 phút, tuy nhiên chất lượng dịch vụ kém hơn. Trước khi mát-xa, khách chỉ được tắm nước nóng, lạnh.

Trong khi đó, các khách sạn mini như Nh.Nh, H.Nh... giá 80 nghìn đồng/vé 45 phút với nhiều công đoạn bài bản và chuyên nghiệp hơn như tắm nóng-lạnh, streambath, sauna, mát-xa. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng không phải chỉ là mát-xa. Một số khách sạn còn có thêm các dịch vụ phụ trợ ngoài luồng do các tiếp viên cung cấp với giá tương đối cao từ 200-400 nghìn đồng. Dịch vụ này là sự thỏa thuận riêng giữa khách hàng và tiếp viên. Hầu hết các tiếp viên phục vụ mát-xa là người các tỉnh miền trong... K.T, một nhân viên mát-xa tại khách sạn H.Nh. cho biết, cô theo bạn ra Đà Nẵng mới được 2 tháng. Cô nói:

“Bây giờ em rất nhớ nhà và muốn về”. Các tiếp viên tuổi từ 20-25, nói giọng miền Tây Nam Bộ ngọt như mía lùi và hát vọng cổ rất hay. Nhiều cô vừa làm việc vừa ngân nga hát để vừa thư giãn và làm vui lòng khách. Còn N.P, phục vụ tại khách sạn T.B cho biết, cô là người Đà Nẵng, làm việc ở đây đã được 3 năm. N.P nói: Ngoài thời gian mát-xa, tụi em chủ yếu ở trong khách sạn, hết xem ti-vi thì chuyển sang đọc sách và “tám”. Khi chúng tôi hỏi: “Em không sợ người thân biết à? Nếu lỡ gặp người quen thì sao?”. N.P cười xề xề, rồi nhại giọng miền Tây đặc sệt: “Ui, anh ơi, đường méc tía em! Thế rồi cười là xong!”.

Đã đi mát-xa thì cứ ở trần với chiếc khăn tắm quấn ngang thân và các tiếp viên thỏa sức làm gì thì làm nếu muốn, miễn là khách được thư giãn. Tuy nhiên, khách hàng và tiếp viên phải thỏa thuận tiền “bo” trước. Điều này chỉ đối với các khách sạn có phòng tắm nằm cạnh phòng mát-xa vì khách có thể mang theo tư trang. Đối với các khách sạn mini mới mở, sự quản lý có phần tốt hơn nên khách phải cởi hết đồ ngay từ “giai đoạn khởi đầu” trước khi qua các công đoạn tiếp theo. Áo quần, giày dép và tư trang được đặt vào trong mỗi ngăn tủ sắt hoặc gỗ có chìa khóa mang theo.

Cũng chính vì điều này, nếu khách muốn “bo” phải thông qua một lá phiếu do các tiếp viên đưa cho. Cũng có nơi do thiếu sự kiểm soát của quản lý khách sạn nên nhiều cô tiếp viên chưa làm xong nghĩa vụ theo thời gian quy định đã đòi tiền tips, gây sự khó chịu cho khách hàng. Có nơi, dịch vụ chỉ là trá hình, còn bên trong khách và tiếp viên muốn làm gì thì tùy.

Ngoài khách sạn, cũng có không ít các tiệm cắt tóc mở mát-xa thư giãn tại quán với giá bình dân khoảng 20-30 nghìn đồng. Tuy nhiên, chất lượng phục vụ ở đây thấp, nhiều công đoạn bị bỏ qua. Các tiếp viên chỉ việc xoa bóp. Thậm chí có nhiều tiếp viên đứng hẳn lên lưng khách, chân khách, tay khách mà nhún. Cũng may là chưa có khách nào bị gãy tay, trẹo lưng. Ở đây, khách cũng cảm thấy thoải mái vì không phải bị các tiếp viên vòi tiền “boa”.

Chồng chéo trong quản lý

Theo quy định tại khoản 3 điều 62 của Luật Du lịch, các loại cơ sở lưu trú du lịch đã được xếp hạng sao hoặc hạng cao cấp, khi có kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có điều kiện, không cần phải có giấy phép kinh doanh đối với từng hàng hóa, dịch vụ, nhưng phải đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước khi thực hiện. Như vậy, các khách sạn 1 sao trở lên có quyền kinh doanh dịch vụ mát-xa, xông hơi mà không phải có giấy phép kinh doanh và chịu sự quản lý của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch. Hiện trên địa bàn thành phố có 30 khách sạn kinh doanh loại hình dịch vụ mát-xa.

Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại rất nhiều loại hình dịch vụ mát-xa thuộc các hiệp hội, các đơn vị kinh doanh cá thể... như Hội Người mù, tiệm cắt tóc, nhà nghỉ... chịu sự quản lý của Sở Y tế hoặc Sở Công thương. Điều này cũng gây chồng chéo trong việc quản lý loại hình dịch vụ này và dễ dẫn đến sự buông lỏng trong quản lý. Đặc biệt, với thực trạng “loạn” dịch vụ mát-xa như hiện nay, thiết nghĩ các cơ quan chức năng có liên quan cần có sự phối hợp, thanh tra, kiểm tra chặt chẽ để các đơn vị kinh doanh loại hình dịch vụ này hoạt động lành mạnh. 

 Bài và ảnh: BĂNG CHÂU

;
.
.
.
.
.