Nghị quyết Trung ương 9 khóa X chỉ rõ: “Trong bố trí, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, cần kết hợp giữa cán bộ đã được quy hoạch với cán bộ được lựa chọn thông qua thi tuyển. Mở rộng hình thức thí điểm thi tuyển cán bộ vào các chức danh lãnh đạo cấp phòng, cấp vụ ở các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành ở Trung ương”.
Thực tiễn vừa qua một số địa phương đã vận dụng hình thức này để tuyển cán bộ, công chức, bước đầu thu được những kinh nghiệm, kết quả nhất định. Song theo chúng tôi, mỗi phương án bố trí sử dụng cán bộ đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Rõ ràng thi tuyển cán bộ cũng là hình thức quan trọng để phát hiện cán bộ có phẩm chất, năng lực bổ sung vào đội ngũ cán bộ. Nếu việc thi tuyển tiến hành nghiêm túc, khách quan, trung thực thì việc thẩm định kiến thức chuyên môn, thực tiễn, nhất là phát hiện chỉ số IQ (thông minh) được chính xác hơn.
Bởi vì thông qua phỏng vấn, đối thoại, người thi phải có một lượng kiến thức nhất định và độ nhanh nhạy mới đủ sức giải quyết những tình huống đặt ra của hội đồng thi. Đặc biệt khi người thi phải trình bày đề án xây dựng cơ quan, đơn vị, trường học… trong thời gian đến.
Đây là môn thi khá lý thú, thể hiện rõ năng lực phương pháp tư duy, kiến thức toàn diện, tổng hợp của người dự thi. Người có năng lực khi luận chứng đề án này bao giờ họ cũng đưa ra được phương pháp hệ thống để giải quyết vấn đề một cách cơ bản, đồng bộ, trước mắt và lâu dài, cái chung và cái riêng, toàn thể và bộ phận, tập thể và cá nhân, tiên lượng được những thuận lợi, khó khăn tác động và đưa ra lộ trình, bước đi với những giải pháp hợp lý, chặt chẽ mang tính thực tiễn và có tính khả thi cao.
Còn những cán bộ dự thi với phương pháp tư duy trực quan, thiếu hệ thống, thiếu tầm nhìn xa thì bộc lộ ngay những hạn chế khi luận chứng đề án, hoặc là tuyệt đối hóa một số giải pháp để xây dựng, hoặc là đi vào những vấn đề vụn vặt, thứ yếu, thiếu chiến lược “dài hơi”, do đó tính thuyết phục của đề án sẽ không cao.
Hình thức thi tuyển còn tạo động lực cho cán bộ, công chức chuyên tâm rèn luyện, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ để làm tốt nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý, khắc phục nạn “chạy chức”, “chạy quyền”, tiến thân bằng con đường không trong sáng, không bằng sức lực, trí tuệ, tâm huyết của mình.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được, ưu điểm thì phương án thi tuyển cần lưu ý những vấn đề sau: Thứ nhất, để đánh giá chính xác thuyết trình đề án dự thi nên chăng tổ chức thi môn này cũng giống như tổ chức thi viết các môn khác, người dự thi chỉ được phép mang bút, giấy thi chứ không được mang bất kỳ một tài liệu nào khác.
Đồng thời, hội đồng coi thi phải thật sự nghiêm túc, công bằng, kiên quyết xử lý những hình thức gian lận trong thi cử. Có làm được như vậy mới thẩm định tương đối chính xác năng lực tư duy của từng cán bộ, công chức. Còn nếu để cho ứng cử viên dự thi chuẩn bị đề án ở nhà trong vòng 7-10 ngày thì không loại trừ đề án đó lại là “công trình tập thể” của nhiều người.
Rõ ràng, xuất phát điểm có ngang nhau, trong môi trường, điều kiện như nhau mới có cơ sở đánh giá chính xác cán bộ nào thực sự có năng lực, có triển vọng phát triển. Thứ hai, cũng không loại trừ hiện tượng thân quen, dòng họ “nhờ gửi” trong thi tuyển. Đây cũng là nhân tố dễ làm lệch chuẩn tính chính xác, khách quan trong đánh giá để tuyển chọn cán bộ.
Để việc thi tuyển cán bộ bảo đảm chất lượng, hiệu quả, công tâm, khách quan, nên chăng cần tham khảo mấy vấn đề sau:
- Đảng thống nhất lãnh đạo và quản lý công tác cán bộ, do đó đặt ra cho các cấp ủy Đảng cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, chỉ đạo việc thí điểm thi tuyển cán bộ bảo đảm quan điểm, tiêu chuẩn, phương châm, mục tiêu, cách làm; có quan điểm lịch sử cụ thể phù hợp với thực tiễn của địa phương, ngành mình.
- Xây dựng các tiêu thức, nội dung, hình thức thi bảo đảm khách quan, khoa học, chú ý tính hệ thống, toàn diện, tình huống có vấn đề nhằm kích thích năng lực tư duy sáng tạo của cán bộ dự thi, làm cơ sở để phân loại tuyển chọn chính xác những cán bộ thật sự có phẩm chất, năng lực, đủ sức đảm trách các chức vụ được giao.
- Do chỗ bản chất con người là “tổng hòa các mối quan hệ xã hội” nên cần chú ý đầy đủ các dữ liệu, thông tin liên quan đến ứng cử viên dự thi như phẩm chất chính trị, kết quả thực hiện nhiệm vụ, nhận xét của cấp ủy, thủ trưởng đơn vị, văn bằng, chứng chỉ… kể cả lịch sử chính trị cần được thẩm tra, xác minh làm rõ trước khi tổ chức thi tuyển.
- Nâng cao tính nghiêm túc, trách nhiệm, khoa học, minh bạch của hội đồng thi tuyển; khắc phục những biểu hiện thiếu công tâm, khách quan, công bằng trong thi tuyển. Định kỳ coi trọng tổng kết rút kinh nghiệm, nhân rộng cách làm hay, hợp quy luật, thuận lòng dân, lọc bỏ những tác nghiệp, cách làm không phù hợp với quan điểm, nguyên tắc, quy định của Đảng.
Nguyễn Thế Tư
.
.
Mấy suy nghĩ về thi tuyển cán bộ hiện nay
Thứ Tư, 01/07/2009, 07:49 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.