.
MÔ HÌNH THI TUYỂN CHỨC DANH LÃNH ĐẠO

Khả năng nhân rộng ở quận, huyện

.

Việc thi tuyển chức danh lãnh đạo các cơ quan chuyên môn của UBND quận, huyện đến nay chỉ mới thí điểm thực hiện ở quận Cẩm Lệ. Hiện nay, việc nhân rộng mô hình này ở các quận, huyện khác trên địa bàn thành phố vẫn chưa được thực hiện, mặc dù đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tăng tính dân chủ, công khai trong việc bổ nhiệm cán bộ.

Kiến thức, khả năng ứng xử, bản lĩnh, sự tự tin của cán bộ dự tuyển thể hiện rõ qua phần thi thuyết trình.

Cách thức tuyển chọn cán bộ, tổ chức thi tuyển và hiệu quả thực hiện công việc sau khi được bổ nhiệm là những yếu tố cần xem xét khi muốn nhân rộng mô hình thi tuyển chức danh lãnh đạo các cơ quan chuyên môn cấp quận, huyện. Một số địa phương hiện nay vẫn dè dặt với việc tuyển chọn cán bộ lãnh đạo theo hình thức này cũng chính vì những vướng mắc trong khâu tuyển chọn và cách thức tổ chức thi cũng như tâm lý lo ngại việc thi tuyển liệu đã chọn ra đúng người có năng lực thực sự phù hợp với vị trí dự tuyển hay không.
 
Qua thực tế ở quận Cẩm Lệ cho thấy, việc đăng ký dự tuyển, tổ chức thi đều tiến hành công khai, minh bạch, dân chủ. Trong tuyển chọn có những tiêu chuẩn rõ ràng như: tốt nghiệp đại học chính quy, là đảng viên, có bằng chứng nhận về ngoại ngữ, tin học, Quản lý Nhà nước, là cán bộ trong biên chế và dưới 35 tuổi. Ngoài ra, còn có những tiêu chuẩn tuyển chọn ưu tiên đối với con gia đình chính sách, có sáng kiến, đề tài hữu dụng và đang giữ chức vụ về Đảng, Đoàn. Các tiêu chuẩn dự tuyển được công khai và những ai đáp ứng đầy đủ đều có thể đăng ký tham gia.

Yếu tố quan trọng hơn cả là cách thức tổ chức thi tuyển. Thi viết và thuyết trình về đề án quản lý và phát triển ngành mình dự tuyển là cách mà quận Cẩm Lệ đã tiến hành. Trong đó, việc tổ chức thi thuyết trình một cách công khai, dân chủ đã bộc lộ rõ khả năng của mỗi thí sinh dự thi. Qua tính khả thi của đề án, khả năng thuyết trình, khả năng ứng xử và thái độ của mỗi thí sinh, những người chấm thi và cả những ai quan tâm đến xem đều có thể đánh giá được phần nào năng lực của thí sinh đó.

Phần nội dung đề án quản lý và phát triển ngành của người dự thi được trình bày công khai đã giúp “định giá” chất lượng của bài thi và kiến thức của người dự tuyển. Tuy nhiên, qua đợt thi này có thể nhận thấy, tính phản biện từ phía người chấm đối với thí sinh chưa thực sự rõ nét. Nên chăng cần phản biện một cách khoa học, nghiêm túc và thấu đáo, đi đến tận cùng của vấn đề còn vướng mắc trong các đề án dự tuyển.

Có như vậy, cuộc thi mới tránh tình trạng hình thức, người dự thi không chỉ đến để trình bày những gì đã có sẵn và trả lời những câu hỏi chung chung. Phản biện một cách nghiêm túc cho thấy thí sinh nắm kỹ lưỡng vấn đề mình đưa ra trong đề án, tự tin khẳng định chủ kiến của mình. Mặt khác cũng thể hiện sự quan tâm của người chấm thi đối với đề án mà họ định lượng.
 
Nếu không xem xét kỹ, không nghiên cứu sâu đề án của thí sinh thì khó có thể đưa ra những phản biện chính xác và có chất lượng. Ngoài ra, cuộc thi này mang tính cạnh tranh rõ ràng. Và vì vậy, việc tổ chức đối thoại trực tiếp giữa những người dự thi với nhau để mổ xẻ cùng một vấn đề đưa ra sẽ góp phần quan trọng trong việc đánh giá khả năng ứng xử, khả năng hùng biện, sự tự tin, bản lĩnh và kiến thức của người dự thi.

Ngoài cách thức tuyển chọn và tổ chức thi tuyển thì tính khả thi của việc nhân rộng mô hình thi tuyển chức danh lãnh đạo các cơ quan chuyên môn cấp quận, huyện còn phụ thuộc vào thực tế của mỗi địa phương. Hiện nay, trong công tác bổ nhiệm và sử dụng cán bộ, nhiều địa phương vẫn quen với cách làm cũ là theo quy hoạch. Khi cần bổ nhiệm cán bộ thì sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, lấy ý kiến cấp ủy. Cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành các thủ tục bổ nhiệm theo quy trình.
 
Điều này tạo sự an toàn trong tuyển chọn, ít lo ngại về việc chọn nhầm người và cũng đỡ mất thời gian để tổ chức chọn và thi tuyển cán bộ. Bên cạnh đó, quận Cẩm Lệ thành lập chưa đầy 5 năm, công tác sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ vẫn đang từng bước hình thành và hoàn chỉnh. Trong khi đó, các quận, huyện còn lại đã xây dựng một lộ trình quy hoạch cán bộ lâu dài, do đã đủ cán bộ lãnh đạo các phòng, ban chức năng nên việc tuyển thêm là không cần thiết.

Vấn đề đặt ra là liệu các quận, huyện có mạnh dạn bỏ quy hoạch cũ để tuyển chọn cán bộ ngoài quy hoạch hay không? Và lúc đó, họ có sẵn sàng áp dụng mô hình thi tuyển như ở quận Cẩm Lệ hay không? Điều này còn phụ thuộc vào hiệu quả và năng lực làm việc của những cán bộ đang ở vị trí lãnh đạo các phòng, ban chức năng của quận, huyện cũng như sự mạnh dạn của chính quyền các quận, huyện khi thí điểm với mô hình mới.
 
Đã đến lúc phải nhìn nhận công tác cán bộ theo một quan điểm khác, không dựa vào quy hoạch sẵn có mà dựa trên sự thi thố tài năng một cách công khai, dân chủ. Tất nhiên, là từ những người đủ tiêu chuẩn để dự thi. Hiện tại, UBND quận Cẩm Lệ chỉ mới bổ nhiệm người trúng tuyển sau đợt thi vừa qua vào các vị trí phù hợp từ cuối tháng 4-2009.
 
Hiệu quả không thể đánh giá đúng và đầy đủ chỉ trong vài tháng nhưng nhìn chung, khả năng thích ứng và năng lực của người được bổ nhiệm đang từng bước khẳng định trong công việc. Từ thực tế trên cho thấy, khả năng nhân rộng mô hình thi tuyển chức danh lãnh đạo các cơ quan chuyên môn của UBND quận, huyện là hoàn toàn có thể thực hiện được.
                   
Bài và ảnh: HÀ AN

;
.
.
.
.
.