.

Người anh hùng và “những việc không tên”

.

Từ đầu năm 2006 đến nay, ở tổ 8 phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà không còn tình trạng ban đêm tội phạm trộm cắp xe đạp, xe máy, quậy phá gây mất an ninh trật tự. Kết quả đó là nhờ sự đoàn kết tham gia phong trào đấu tranh tố giác tội phạm của 103 hộ dân ở đây và người cầm chịch phong trào, ông Lê Minh Trung, thương binh 3/4, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ, cứu nước.

Anh hùng Lê Minh Trung (người đứng bên phải) cùng đồng đội trong một lần ra thăm Lăng Chủ tịch  Hồ Chí Minh. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Năm 1990, ông Trung nghỉ hưu với cấp bậc Trung tá, từng là Huyện đội phó huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam). Đầu năm 2003, cả gia đình ông chuyển ra cư trú tại tổ 8, phường An Hải Bắc và ông được tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ dân phố kiêm Bí thư chi bộ. Ông Trung cho biết, tổ dân phố 8 với 103 hộ, 379 nhân khẩu, có 179 ngôi nhà và phòng cho thuê trọ với 500 đến 600 người đến ở trọ.

Các đối tượng này gồm công nhân lao động, sinh viên, học sinh… thường xuyên biến động, thay đổi chỗ ở; do vậy, tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp. Trong lúc đó, vai trò lãnh đạo của chi bộ được đánh giá là trung bình yếu; các phong trào ở tổ dân phố không được tổ chức thường xuyên để huy động sức dân cùng tham gia. Đặc biệt, tổ 8 phường An Hải Bắc có vị trí tiếp giáp phía đông cầu Sông Hàn, là một trong những địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự.

Để giải quyết tình hình trên, ông Trung suy nghĩ, trước hết phải xây dựng chi bộ vững mạnh, củng cố các hội đoàn thể lãnh đạo và vận động các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào ở cơ sở. Trong công tác xây dựng chi bộ, xây dựng phong trào, ông Trung luôn gắn Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhất là trong tố giác, đấu tranh kiên quyết với tội phạm. Ngoài ra, ông đã sáng tạo trong việc phát động và duy trì mô hình: hộ tự quản, tổ tự phòng, và khu dân cư thực hiện nếp sống văn hóa, không có tệ nạn xã hội.

Từ năm 2005 về trước, tổ 8 xuất hiện một số đối tượng thanh-thiếu niên hư, sa vào tệ nạn xã hội, thường móc nối với tội phạm từ bên ngoài, gây mất an ninh trật tự khu dân cư. Ông Trung một mặt đến từng nhà động viên các gia đình giáo dục con em chậm tiến nhằm nâng cao nhận thức, mặt khác ông cùng với các cán bộ Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên vận động các gia đình giáo dục thanh-thiếu niên hư, phạm pháp và buộc đưa đi cải tạo một số trường hợp không tiến bộ.

Ông phối hợp với lực lượng cảnh sát khu vực bám địa bàn. Có đêm, một mình ông “thả bộ” qua các dãy nhà trong tổ nhằm quan sát, cảnh giác với bọn tội phạm. Nhờ vậy, bà con trong khu phố luôn tin tưởng và rất nhiều anh em dân phòng thường lấy ông làm gương trong công tác đấu tranh, cảnh giác tội phạm. Kết quả, trong 4 năm trở lại đây, khu vực do ông Trung phụ trách vắng bóng tội phạm hình sự, cướp giật, khu phố được bình yên.

Ông Trung bộc bạch: Thật ra chuyện phòng chống tội phạm đôi khi rất đơn giản, ví dụ như mình cần ý tứ, cẩn thận hơn trong việc để xe máy, xe đạp để bọn tội phạm không có cơ hội lấy cắp. Tôi hay nhắc nhở những cháu sinh viên cẩn thận, cảnh giác, không để tội phạm chờ sơ hở ra tay. Trung tuần tháng 7 năm 2009, ông Lê Minh Trung là đại biểu của thành phố Đà Nẵng tham dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng toàn quốc tại tỉnh Bến Tre.

Trở về từ chuyến đi này, ông cho biết có rất nhiều thương binh vượt lên chính mình, đóng góp rất lớn cho xã hội, do vậy còn nhiều thứ mình phải cố gắng, học hỏi và vận dụng trong cuộc sống, trong “những việc không tên” hằng ngày để khu phố ông phụ trách ngày càng yên bình hơn.

VIỆT DŨNG

 

;
.
.
.
.
.