.
Những điều nghe thấy:

Nhớp

Biển Đà Nẵng là quà tặng vô giá của tự nhiên dành cho thành phố. Trong những ngày nắng nóng như đổ lửa này, ra biển và trầm mình dưới làn nước trong xanh, mát rượi đến nao lòng, hoặc ngồi đâu đó trên bãi cát mịn màng nhìn ra khơi xa, để tận hưởng cái cảm giác mát lành của gió từ đại dương hào phóng ban phát, mới thấy giá trị vô giá mà biển mang lại.
 
Nhìn cả vạn người hể hả quay về sau khi được tắm no nê từ các bãi biển Mỹ Khê, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn... mỗi chiều mà cảm thấy thật là diễm phúc được làm dân của thành phố độc đáo này. Quả thật với một thành phố không lớn lắm, chỉ hơn 1.200km2 nhưng có gần cả trăm bãi biển đẹp, thuận tiện, hiền hòa thì không phải nơi nào cũng có.

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của đô thị, có lẽ biển Đà Nẵng là nguồn tài nguyên độc đáo mà ai đến đây cũng phải thừa nhận. Không phải ngẫu nhiên, Forbes, một tạp chí nổi tiếng của Mỹ đã chọn biển Đà Nẵng là một trong sáu bãi biển quyến rũ nhất thế giới.   

Tuy nhiên có vài việc cần phải nói. Đó là vệ sinh chung quanh các bãi tắm. So với trước đây, tình hình được cải thiện hơn rất nhiều. Việc dọn vệ sinh nói chung là kịp thời và cẩn thận, các đội dọn vệ sinh sớm chiều chu đáo. Vấn đề là người dân hình như chưa nhận ra hết giá trị của biển, và nhất là chưa có sự ứng xử đúng với biển của mình. Nếu ai thường đi biển vào sáng sớm, mới cảm thấy xót xa.
 
Dọc theo đường chân sóng là vô số rác thải, đủ cả từ vỏ ốc hút, bao nylon, cùi bắp đến vỏ bia...  nói chung là đồ thải mà các con người ngồi ăn, hóng mát từ hôm trước để lại la liệt. Mới đây, trên bãi biển Liên Chiểu, người ta còn mang cả phân heo đem đổ ra biển, đến tận trưa mà cái mùi ác nhơn ấy vẫn còn quánh lại. Nghĩ mà thấy như mình mất đi rất nhiều với biển.

Lại thêm, thỉnh thoảng người ta còn đem cả chó cùng đi tắm nữa, dù loa phóng thanh của Ban quản lý không ngày nào không đọc các quy định, trong đó không cho phép mang thú vật xuống biển! Vậy là do đâu? Hình như những người vô tư xả rác ấy nghĩ rằng việc dọn vệ sinh và giữ gìn cho biển  sạch, đẹp là việc của người khác, còn mình thì cứ hồn nhiên vứt rác.

Khi con người không ý thức được việc góp phần gìn giữ cho biển Đà Nẵng ngày càng đẹp hơn thì buộc lòng phải có cách đối xử phù hợp. Nên chăng cấm bán ốc hút và rượu gạo (và các loại đồ ăn rong) trên bãi biển; có bảng quy định (như các bảng cấm bán hàng rong, đánh giày ở một số tuyến đường) về việc xử phạt nếu xả rác trên biển..., tuyên truyền để người dân hiểu và biết tôn trọng nơi chính mình sống.
 
Vấn đề ở đây không chỉ là việc ứng xử với biển mà chính là thái độ con người với con người trong ứng xử văn minh với tự nhiên. Trong mục tiêu “3 có” của thành phố, có lẽ cái khó nhất là có nếp sống văn hóa, văn minh.

NGHỊ VĂN

;
.
.
.
.
.