.

Những ngôi nhà mang tên “đại đoàn kết”

.

Với thu nhập chỉ đủ sống qua ngày thì chuyện xây một căn nhà mới khang trang, kiên cố đối với người nghèo chỉ là một giấc mơ. Thế nhưng giờ đây, bằng sự chung tay chung sức của cộng đồng, bằng nghĩa tình “lá lành đùm lá rách”, nhiều địa phương đã huy động được nguồn lực để hỗ trợ người nghèo xây nên những ngôi nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, mang đến cho họ một mái ấm chan chứa tình người.

Các tổ chức tôn giáo cũng tham gia tích cực trong việc hỗ trợ xây dựng nhà tình thương cho hộ nghèo.

Khi bước chân vào khu vực tổ dân phố số 5, phường Thạc Gián, chúng tôi có thể cảm nhận được cuộc sống khó khăn của người dân ở đây. Cái xóm mà mọi người vẫn thường gọi là xóm “xôi bắp” có tỷ lệ hộ nghèo gần như nhiều nhất phường, dân cư phần đông sống chủ yếu bằng nghề lao động phổ thông, buôn bán nhỏ và rất nhiều hộ sống nhờ vào những nồi xôi bắp “di động”.
 
Cuộc sống thiếu thốn, thu nhập chỉ tính từng ngày nên nhiều gia đình không mơ đến chuyện sửa chữa hoặc xây dựng nhà mới mà chấp nhận sống trong những ngôi nhà chật hẹp, tạm bợ. Trước hoàn cảnh khó khăn của bà con nơi đây, Mặt trận phường đã tập trung nguồn lực, huy động sự giúp đỡ của cộng đồng, những nhà hảo tâm để góp sức xây dựng nhà tình thương, nhà đại đoàn kết cho bà con. Riêng năm 2008, Mặt trận phường đã hỗ trợ và kêu gọi đóng góp, xây dựng 7 căn nhà tình thương với tổng kinh phí 87,5 triệu đồng.

Gia đình chị Nguyễn Thị Mai, tổ 5 phường Thạc Gián là một trong những hộ nhận sự trợ giúp của Mặt trận phường để xây nhà. Chị tâm sự: “Nếu không có phường hỗ trợ thì không bao giờ làm nổi nhà. Hai vợ chồng người đi xe thồ, người bán xôi bắp, chạy ăn từng bữa thì lấy đâu ra tiền để xây nhà. May nhờ có Mặt trận hỗ trợ 10 triệu đồng, tôi chạy vạy vay mượn thêm để làm nhà.

Giờ chỗ ở ổn định rồi, trời mưa trời bão chẳng lo gì nữa”. Đối với những hộ nghèo như gia đình chị Mai, số tiền Mặt trận hỗ trợ dù không nhiều nhưng là một động lực lớn để hai vợ chồng mạnh dạn vay mượn bà con xung quanh xây căn nhà mới. Trước đây, cả gia đình 5 người phải sống trong căn nhà nhỏ xuống cấp, mùa mưa nước lúc nào cũng ngập vào nhà. Còn bây giờ mưa lụt chẳng lo, vợ chồng con cái có nơi ăn chốn ở khang trang, tâm lý cũng phấn khởi hơn.

Theo ông Hồ Quang Ánh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Thạc Gián thì bằng mọi cách, bằng những mối quan hệ có được, Mặt trận, các đoàn thể, các chi bộ phường đứng ra vận động những người quen, những tập thể, cá nhân hảo tâm để ủng hộ kinh phí xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết cho người nghèo.
 
Trường hợp gia đình bà Trang Thị Minh, tổ 5 phường Thạc Gián, Mặt trận đã vận động các sư thầy chùa Tam Giác ủng hộ 15 triệu đồng xây nhà. Chị Nguyễn Thị Hiệp, con gái bà Minh vui vẻ nói: “Trước đây hễ cứ mưa là lo đi tìm xô chậu để hứng nước, nhà chật mà có tới mười mấy người ở chung. Nhờ nhà chùa ủng hộ tiền nên mới có ngôi nhà kiên cố như bây giờ”.
 
Ông Hồ Quang Ánh cho biết: “Từ khi có nhà mới, cuộc sống của những hộ nghèo có sự chuyển biến rõ rệt. Thay vì bỏ ra một số tiền lớn để làm nhà thì họ có thể sử dụng khoản tiền dành dụm này để làm ăn sinh sống. Trước đây, nhà chật chội, ẩm thấp, mâu thuẫn gia đình dễ nảy sinh, còn hiện giờ có nhà mới, tâm lý cũng ổn định, mọi người tập trung buôn bán, cải thiện điều kiện sống”.

Ngoài phường Thạc Gián, trong những năm vừa qua, Mặt trận quận Thanh Khê đã vận động tài trợ và đóng góp ủng hộ xây dựng nhà tình thương, nhà đại đoàn kết cho hàng trăm hộ nghèo, góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu “có nhà ở” trong chương trình “3 có” của thành phố. Hằng năm, các phường trên địa bàn quận đều tiến hành xây mới hoặc sửa chữa nhà cho hộ nghèo và đây là cách sử dụng hiệu quả nhất nguồn quỹ “Vì người nghèo” mà các phường đã vận động đóng góp từ phía người dân và các tổ chức xã hội.
 
Chị Nguyễn Thị Phú, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Xuân Hà nói: “Khi có nhà mới, cuộc sống của người nghèo cũng có nhiều thay đổi. Cơ ngơi sạch sẽ, ổn định, con cái có nơi ăn ở, học hành, những hộ nghèo chăm chỉ làm ăn, buôn bán. Họ nhận thấy được sự quan tâm của chính quyền và từ đó tích cực đóng góp cho địa phương trong các hoạt động xã hội”. Trong năm 2008, Mặt trận phường Xuân Hà đã hỗ trợ xây mới 8 ngôi nhà, sửa chữa 12 ngôi nhà hư hỏng, xuống cấp. Từ đầu năm 2009 đến nay, phường đã bàn giao 2 ngôi nhà tình nghĩa và 2 căn đang trong giai đoạn thi công.

Với những nỗ lực vì người nghèo, Mặt trận các cấp trên địa bàn quận Thanh Khê đã góp phần tích cực trong việc xóa nhà tạm, giúp cho những người nghèo có nơi ăn chốn ở ổn định. Những nguồn lực mà Mặt trận huy động từ phía cộng đồng một khi sử dụng hiệu quả sẽ tạo cơ hội giúp người nghèo có được những căn nhà mơ ước, yên tâm sinh sống và vươn đến một cuộc sống tốt đẹp hơn.

HÀ AN

 

;
.
.
.
.
.