Bà Mai Thị Sáu ở tổ 16, phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) là thương binh loại 1, sống đơn thân. Tuổi trẻ của bà đã cống hiến cho sự nghiệp đánh giặc cứu nước, xuân sắc đã nhạt phai theo năm tháng và các kiểu tra tấn dã man của quân thù.
Bà Sáu và hai đứa con của vợ chồng anh Thành, chị Mai. |
Khi thấy vợ chồng anh Phạm Văn Thành và chị Huỳnh Thị Mai ở cùng địa phương gặp nhiều khó khăn, bà đã đặt vấn đề xin nuôi giúp các con anh chị và coi anh chị như con của bà. Từ đó, vợ chồng anh Thành có thêm một người mẹ trong đời. Hồi đó, đứa con đầu của anh Thành mới một tuổi, gầy ốm, nhưng được bà chăm sóc tốt nên dần dần hồng hào, khỏe mạnh, bây giờ đã học lớp 6 và năm nào cũng được xếp loại học sinh giỏi. Anh Thành là thợ nề, còn chị Mai đi làm công trong một cơ sở đá mỹ nghệ, gặp ai họ cũng khoe là trời ban cho mình một bà mẹ nuôi phúc hậu. Cuộc sống bà Sáu và vợ chồng anh Thành từ đó càng thêm đầm ấm, hạnh phúc.
Bà Sáu tâm sự: Có con, có cháu, bận rộn luôn tay, lương thương binh của mình cũng mau hết, nhưng trong lòng thấy vui vô cùng! Khi mình đau ốm có người chăm sóc. Nhờ tinh thần phấn khởi, lại có việc làm, rèn luyện được sức khỏe nên những năm gần đây, bà Sáu ít đau ốm hơn trước. Bà hăng hái tham gia sinh hoạt Cựu chiến binh và các hoạt động ở khu dân cư. Trong xóm, có vợ chồng nào giận nhau, tính chuyện đường ai nấy đi, bà kiên trì bảo ban, khuyên giải điều hay lẽ thiệt, nhờ đó họ hàn gắn lại hạnh phúc gia đình. Có nhiều thanh-thiếu niên hư được bà giáo dục, cảm hóa tiến bộ...
Mới đây, thấy vợ chồng anh Cẩm, chị Phượng ở tổ 33 cùng phường đều là giáo viên, không có người chăm sóc con nhỏ, bà Sáu đã nhận trông coi giúp cháu bé để họ yên tâm công tác. Chúng tôi đến nhà thấy bà đang cho cháu bé uống sữa, từng cử chỉ chan chứa tình thương yêu, trìu mến.
Bà Sáu tham gia cách mạng từ năm 1964, khi mới 14 tuổi, hoạt động hợp pháp và bán hợp pháp tại địa phương. 19 tuổi, bà trở thành chiến sĩ Ban Giao liên Quảng Đà. Đôi bội sắt và chiếc thúng hai đáy là hai vật dụng gắn bó với bà trong những năm làm nhiệm vụ giao liên. Khi đưa đường cho cán bộ đi qua vùng địch, bà quảy đôi bội sắt giả như người đi làm đồng và đi phía trước đoàn một quãng chừng hơn trăm mét.
Hễ thấy địch là bà ra hiệu bằng cách lấy chiếc nón đội đầu bỏ vào bội, rồi rẽ xuống một đám rau đậu bất kỳ ở bên đường. Thấy ám hiệu đó, cán bộ lập tức quay lại, tìm đường vòng tránh. Còn khi chuyển công văn, tài liệu, thư từ thì bà xếp tất cả vào đáy thúng thứ hai, bỏ rau quả lên trên và cứ thản nhiên đội đi như người đi chợ. Có lúc bị địch lục tung, đổ hết rau quả ra nhưng chúng vẫn không phát hiện được chiếc thúng có hai đáy.
Trong những năm ấy, bà Sáu bị giặc bắt đến 10 lần, lần nào cũng chịu nhiều cực hình tra tấn, mấy lần chết đi sống lại, nhưng không lần nào quân thù moi được ở bà nửa lời khai! Trong một chuyến công tác ở Gò Nổi (Quảng Nam) năm 1972, bà bị thương nặng và đã được đưa ra miền Bắc điều trị cho đến ngày nước nhà thống nhất.
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM