.

Phát triển Đảng trong khối doanh nghiệp còn khó khăn

.

Công tác phát triển đảng viên ở doanh nghiệp mặc dù có sự chuyển biến tích cực nhưng nhìn chung, việc bồi dưỡng, kết nạp đảng viên mới vẫn còn những hạn chế nhất định. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó đầu tiên là sự quan tâm của cấp ủy Đảng, kế đến là nhận thức của quần chúng và sự phối hợp của các tổ chức, đoàn thể trong doanh nghiệp.

Tỷ lệ công nhân trực tiếp sản xuất được kết nạp Đảng vẫn còn thấp.

Từ thực tế ở cơ sở và những khó khăn trong công tác phát triển Đảng đối với đoàn viên thanh niên, Bí thư Đoàn Khối Doanh nghiệp thành phố Nguyễn Ngọc Quang đã bày tỏ cảm nhận riêng rằng: “Việc kết nạp Đảng trong doanh nghiệp khó hơn nhiều so với tại địa phương”. Vậy khó vì đâu? Theo đánh giá của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp thì hiện nay, vẫn còn một số cấp ủy chưa thể hiện được vai trò lãnh đạo của Đảng ở doanh nghiệp, vị trí của tổ chức cơ sở Đảng bị lu mờ và nhiều khi chưa được đánh giá đúng mức.
 
Thực tế này một mặt ảnh hưởng đến công tác xây dựng Đảng ở doanh nghiệp và mặt khác, tác động không nhỏ đến việc phát triển đảng viên mới ở từng đơn vị. Ngoài ra, một số cấp ủy ở doanh nghiệp không xây dựng kế hoạch cụ thể, rõ ràng để tạo nguồn phát triển đảng viên từ quần chúng. Vì thế, dẫn đến việc thiếu sự phối hợp trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho quần chúng cũng như thiếu phối hợp giữa cấp ủy và các tổ chức, đoàn thể xã hội trong doanh nghiệp nhằm bồi dưỡng, giáo dục, phát hiện những quần chúng ưu tú để giới thiệu cho Đảng.

Chính việc xem nhẹ công tác phát triển Đảng đã kéo theo việc nhiều cấp ủy không phân công đảng viên theo dõi, giúp đỡ quần chúng một cách thường xuyên. Kể cả đến lúc quần chúng đã tham gia học các lớp cảm tình Đảng nhưng tỷ lệ kết nạp sau đó lại rất thấp. Một con số đáng lưu ý mà Đảng ủy Khối Doanh nghiệp đưa ra là trong vòng 5 năm từ 2005-2009, có Đảng bộ đã giới thiệu 45 quần chúng học lớp cảm tình Đảng, nhưng chỉ kết nạp được 8 quần chúng vào Đảng.

Ngoài ra, có những quần chúng là đối tượng Đảng hơn 10 năm và đã 3 lần học lớp nhận thức về Đảng nhưng chưa được xem xét kết nạp. Thực tế này tác động rất lớn đến tâm lý và ý thức phấn đấu trong quần chúng. Việc đứng vào hàng ngũ Đảng sẽ không còn được xem trọng và tâm lý chán nản, ngại phấn đấu trong quần chúng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhiệm vụ phát triển Đảng của mỗi tổ chức cơ sở Đảng ở doanh nghiệp.

Ông Đinh Cẩn, Phó Bí thư Đảng ủy Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản miền Trung cho biết: Một trong những hạn chế của đơn vị là chưa thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về truyền thống cách mạng, về mục tiêu lý tưởng, về tôn chỉ mục đích của Đảng cho quần chúng. Đồng thời cũng chưa tổ chức đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của quần chúng để phục vụ cho công tác phát triển đảng viên. Đây cũng là hạn chế của không ít cấp ủy Đảng ở doanh nghiệp. Thêm vào đó, sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa cấp ủy và tổ chức, đoàn thể xã hội như Đoàn Thanh niên, Công đoàn khiến cho việc tạo nguồn đối tượng Đảng gặp khó khăn.

Một trong những nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến công tác phát triển Đảng ở doanh nghiệp là sự chi phối của nhiệm vụ sản xuất kinh doanh. Chính vì thế, thời gian để đầu tư cho việc phát triển, bồi dưỡng, kết nạp đảng viên bị hạn chế. Chẳng hạn như tại Chi bộ Công ty TNHH Hàng hải Thuận Nghĩa, với đặc thù công việc về vận tải biển nên cán bộ, nhân viên công ty thường xuyên phải đi công tác dài ngày. Công việc chuyên môn bận rộn nên việc theo dõi, giúp đỡ quần chúng không thể tiến hành thường xuyên và khó đạt hiệu quả mong muốn.

Trong khi đó, tại Công ty Cổ phần khu du lịch Bắc Mỹ An, để bảo đảm quy định lao động, quần chúng tham gia các lớp học đối tượng Đảng hoặc đảng viên học lớp lý luận chính trị phổ thông phải xin nghỉ phép thường niên hoặc nghỉ chế độ không lương. Chính những điều này đã khiến cho công tác phát triển Đảng ở doanh nghiệp gặp trở ngại đáng kể, thời gian để kết nạp Đảng cho quần chúng bị kéo dài.
Đối với bản thân nhân viên trong các doanh nghiệp, một số ít tỏ rõ thái độ không muốn phấn đấu vào Đảng.

Họ sợ ràng buộc, sợ trách nhiệm và vì thế, chuyện vào Đảng không phải là mục tiêu để họ hướng đến. Ngoài ra, để hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của đơn vị, để bảo đảm thu nhập cho bản thân thì người lao động phải duy trì thời gian và cường độ lao động của mình. Bản thân họ trong một số trường hợp không muốn dành thời gian để tham gia các hoạt động của tổ chức Đảng ở cơ sở.

Cũng xuất phát từ phía người lao động, vì nhiều người từ các địa phương khác đến Đà Nẵng cư trú nên cấp ủy một số doanh nghiệp khi xác minh lý lịch chính trị phải đi lại nhiều vùng khác nhau, tốn kém kinh phí. Thêm vào đó, chuyện khai lý lịch không phải lúc nào cũng chính xác và đúng thực tế nên việc xác minh phải đòi hỏi nhiều thời gian, trong khi cán bộ Đảng cũng là nhân viên của doanh nghiệp, vẫn phải bảo đảm thời gian sản xuất, kinh doanh.

Hà An

;
.
.
.
.
.