.
QUẬN NGŨ HÀNH SƠN

Giải pháp nào để xóa nghèo bền vững?

.

Từ khi áp dụng chuẩn nghèo mới, số hộ nghèo của quận Ngũ Hành Sơn tăng lên đáng kể, từ 481 hộ cuối năm 2008 lên đến 3.426 hộ với 14.383 nhân khẩu đầu năm 2009. Hiện nay, dưới tác động của quá trình đô thị hóa, việc giảm nghèo của quận Ngũ Hành Sơn gặp rất nhiều thách thức, trong đó, khó khăn nhất vẫn là giải quyết việc làm để giảm nghèo một cách bền vững.

Nghề điêu khắc đá mỹ nghệ có thể giải quyết việc làm cho nhiều đối tượng lao động ở quận Ngũ Hành Sơn.

Phường có nhiều hộ nghèo nhất của quận Ngũ Hành Sơn là Hòa Quý – 1.239 hộ và thấp nhất là phường Mỹ An với 461 hộ. Mặc dù không có con số thống kê chính xác nhưng thực tế cho thấy, tỷ lệ lao động không có việc làm ở Ngũ Hành Sơn đang gia tăng, không chỉ là lao động nông nghiệp mà đủ các thành phần, ngành nghề. Đây chính là thách thức lớn đối với chính quyền quận trong việc thực hiện các mục tiêu giảm nghèo.
 
Hiện tại, hàng chục dự án quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị đang được triển khai trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn. Nhiều hộ gia đình phải di dời, từ bỏ cuộc sống gắn bó với nông nghiệp để hòa nhập với đời sống đô thị trong các khu tái định cư mới. Không ít người dân lao động trở nên vô công rỗi nghề, ở nhà tiêu những đồng tiền có được từ việc đền bù nhà, đất. Một lãnh đạo của quận Ngũ Hành Sơn đã từng ví von: Người dân Ngũ Hành Sơn bây giờ sống chủ yếu nhờ “nghề giải tỏa, đền bù”. Quả thật, một thực tế không thể phủ nhận là chuyện giải tỏa, đền bù đã tác động không nhỏ đến mục tiêu giảm nghèo một cách bền vững của quận Ngũ Hành Sơn.

Hiện nay, việc định hướng cho người dân một nghề nghiệp ổn định để mưu sinh là một trong những giải pháp mà UBND quận Ngũ Hành Sơn đề ra để giúp bà con thoát nghèo. Theo ông Nguyễn Đức Ngọ, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quận Ngũ Hành Sơn thì: “Trước mắt, người dân sống nhờ tiền đền bù nhưng về lâu dài lại rất khó khăn. Lao động trẻ thì ham chơi, không chịu học nghề. Số lớn tuổi thì khó chuyển đổi ngành nghề, một số quen sống bằng nông nghiệp thì nay không còn đất để canh tác.

Do vậy, việc định hướng đúng cho người dân về một nghề nghiệp phù hợp là chuyện không dễ”. Thời gian qua, Trung tâm Giáo dục thường xuyên của quận đã tổ chức tuyển sinh các lớp nghề về kỹ thuật nấu ăn, điện dân dụng, kỹ thuật điêu khắc đá mỹ nghệ, gần 130 học viên đã đăng ký tham gia. Về lâu dài, quận Ngũ Hành Sơn sẽ hướng người lao động vào những nghề có thể đáp ứng nhu cầu về nhân lực cho dịch vụ du lịch trên địa bàn quận. Trong đó, điêu khắc đá mỹ nghệ là một trong những nghề thu hút nhiều lao động và có thể mang lại thu nhập khá.

Ngoài vấn đề việc làm thì chuyện thiếu vốn cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân khó thoát nghèo. Từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội và sự tín chấp của Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… người dân có thể vay một khoản nhất định để làm ăn, tuy nhiên số tiền vay được vẫn thấp so với nhu cầu thực tế và do vậy vẫn chưa tạo chuyển biến nhiều trong đời sống của những hộ nghèo.
 
Ông Nguyễn Đức Ngọ cho biết, trong thời gian đến, chính quyền quận Ngũ Hành Sơn sẽ làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội để tìm giải pháp nhằm tập trung vốn vay chủ yếu cho các hộ nghèo, số tiền vay ít nhất là từ 15 triệu đồng và cao nhất có thể lên đến 30 triệu. Với số tiền được vay lớn hơn thì việc trả cả lãi lẫn vốn cũng là một gánh nặng đối với hộ nghèo.

Tuy vậy, với đồng vốn dư dã hơn, họ có thể có nhiều chọn lựa trong việc tìm kiếm phương kế để sinh sống và vươn lên thoát nghèo. Có một thực tế là hiện nay một số hộ nghèo ở Ngũ Hành Sơn không muốn ra khỏi danh sách hộ nghèo. Vì nếu được công nhận diện nghèo, họ sẽ nhận được những ưu đãi về BHYT, giáo dục và có thể nhận những trợ cấp, hỗ trợ nếu có. Trước thực trạng này, quận Ngũ Hành Sơn chỉ đạo các hội, đoàn thể, Mặt trận triển khai tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các hộ nghèo về việc phấn đấu, vươn lên thoát nghèo bằng nỗ lực của chính mình, không dựa dẫm, ỷ lại vào sự trợ giúp của xã hội.

Trong kế hoạch giảm nghèo năm 2009, UBND quận Ngũ Hành Sơn đã đề ra nhiều giải pháp giúp người dân thoát nghèo như hỗ trợ xóa nhà tạm, sửa chữa nhà hộ nghèo đã xuống cấp; hỗ trợ cấp thẻ BHYT, miễn giảm học phí cho con em hộ nghèo, hướng dẫn cách làm ăn, chuyển giao kỹ thuật và kinh nghiệm cho hộ nghèo.

Và đặc biệt là tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, phi chính phủ, trong đó phải kể đến chương trình hỗ trợ trẻ em khuyết tật trong các hộ nghèo của tổ chức “Vì trẻ em Việt Nam”. Chương trình này nhận được 216 nghìn USD tài trợ và triển khai trong vòng 2 năm với nhiều hoạt động như chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ phương tiện đi lại, học bổng, trang thiết bị học tập, hỗ trợ sửa chữa, xây nhà ở cho những trẻ em khuyết tật, chủ yếu tập trung ở những trường hợp hộ nghèo.

Bằng nhiều giải pháp khác nhau, quận Ngũ Hành Sơn phấn đấu đến năm 2015 sẽ xóa hết hộ nghèo trên địa bàn quận, tuy nhiên, mục tiêu này không dễ gì thực hiện được. Trong số 3.426 hộ nghèo, có 86 hộ không thể thoát nghèo, những trường hợp này chỉ có thể hỗ trợ thường xuyên, lâu dài. Đối với những trường hợp còn lại, muốn xóa nghèo một cách bền vững và chống tái nghèo thì giải quyết vấn đề việc làm là quan trọng hơn cả.
 
UBND quận Ngũ Hành Sơn đã đề nghị thành phố cho thành lập một Trung tâm dạy nghề của thành phố tại quận và yêu cầu các chủ dự án có kế hoạch tuyển dụng lao động mất việc làm hoặc không có việc làm trong vùng thực hiện dự án. Nếu triển khai các giải pháp trên một cách quyết liệt, đồng bộ, quận Ngũ Hành Sơn mới có thể thực hiện được mục tiêu xóa hết hộ nghèo vào năm 2015.

Bài và ảnh: MỸ HẠNH

;
.
.
.
.
.