.

Rừng của ta, đất của ta...

.

Qua bao nhiêu năm sống và mưu sinh dựa vào rừng núi, đến nay đồng bào dân tộc Cơtu thôn Phú Túc, xã Hòa Phú (Hòa Vang) mới làm chủ đất rừng. Cầm trên tay Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp do UBND huyện Hòa Vang trao vào sáng ngày 2-7-2009 tại nhà Gươl thôn Phú Túc, nhiều hộ dân vui mừng nói: “Bây giờ mới thật sự là rừng của ta, đất của ta...”.

Nghèo bên... “rừng vàng”

UBND huyện Hòa Vang trao giấy chứng nhận QSDĐ lâm nghiệp cho đồng bào Cơtu thôn Phú Túc.

Theo ông Nguyễn Văn Lớ-Bí thư Chi bộ thôn Phú Túc cho biết, từ năm 1999 đến nay, thành phố Đà Nẵng, UBND huyện Hòa Vang và xã Hòa Phú thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện cho đồng bào định canh định cư, xóa nhà tạm, xây dựng nhiều công trình dân sinh, dân trí và phục vụ phát triển kinh tế nên đời sống người dân không ngừng cải thiện.

Tuy nhiên, do địa hình đồi núi có độ dốc cao, đất sản xuất nông nghiệp ít (14ha), canh tác mỗi năm 1 vụ, năng suất thu hoạch thấp. Cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào chăn nuôi, kiếm củi bán và làm thuê nên tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới) còn khá cao, chiếm gần 70% tổng số hộ trong thôn. Để từng bước giúp người dân thoát nghèo, xã Hòa Phú vận động nhân dân đẩy mạnh khai hoang phục hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là chuyển hướng sang phát triển kinh tế rừng.
 
Từ sau năm 2000, giá nguyên liệu cây keo lá tràm tăng cao, nhiều hộ dân vay vốn đầu tư trồng rừng. Theo khảo sát, hiện toàn thôn Phú Túc có 66 hộ trồng rừng với diện tích 266ha (bình quân mỗi hộ 4,1ha). Trong các mùa thu hoạch trước, giá thị trường mỗi hecta keo lá tràm (5 năm tuổi) dao động từ 40-50 triệu đồng, trừ mọi chi phí vẫn còn thu lãi ròng trên 6 triệu đồng/ha/năm.
 
Chính vì hiệu quả kinh tế trồng rừng cao nên 49 hộ có diện tích rừng trồng ít và 17 gia đình không có đất trồng đành nhìn người khác làm giàu. Già làng Alăng Cần chua xót: “Người ta nói “Rừng vàng, biển bạc”, thế mà những gia đình không có điều kiện đành phải sống nghèo bên... rừng vàng”.

Cơ hội đổi đời

Thực hiện Quyết định 134 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 10374 của UBND thành phố về việc thu hồi đất, giao đất cho UBND huyện Hòa Vang quản lý, lập thủ tục giao đất lâm nghiệp cho đồng bào Cơtu tại xã Hòa Phú sản xuất, sau gần 6 tháng khẩn trương đo đạc thực địa, vẽ bản đồ, huyện Hòa Vang cùng các sở, ban, ngành thành phố, xã Hòa Phú đã cơ bản hoàn thành và giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho 92 hộ đồng bào Cơtu nơi đây.
 
Ông Nguyễn Văn Vân, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho biết: “Với diện tích 125,77ha đất lâm nghiệp giao trong đợt này tập trung ở tiểu khu 53, chúng tôi sẽ giao theo nguyên trạng và theo từng nhóm hộ gia đình để hạn chế tình trạng sang nhượng, đổi, bán hoặc sử dụng vào mục đích khác, trung bình mỗi nhân khẩu nhận 0,6ha và mỗi gia đình không quá 3ha. Riêng 26 hộ đã có đất trồng rừng từ 3ha trở lên sẽ không giao thêm đất nhưng được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp”. Với phương thức giao đất này, hầu hết các gia đình đều đồng thuận.

Ông Trần Phom, người dân tổ dân cư số 2 nói: Mặc dù gia đình tôi chỉ nhận thêm 9 sào đất nhưng tôi rất vui vẻ, bởi như thế mới công bằng, dân chủ. Ai cũng có quyền lợi như nhau để phát triển kinh tế”. Già làng Alăng Cần hồ hởi: “Đồng bào tôi ưng cái bụng lắm. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chúng tôi có nhà mới, trẻ em có trường học, người già đau có thuốc chữa bệnh... Bây chừ lại có thêm cái sổ đỏ này thì mừng lắm. Trước đây, nhân dân chúng tôi cũng tự khai hoang trồng cây, nhận bảo vệ, chăm sóc rừng... nhưng chưa bao giờ có quyền quản lý, canh tác và sản xuất lâu dài trên mảnh đất của chính mình như hiện nay. Đây thật sự là cơ hội để đồng bào tôi đổi đời”.

Để giúp đồng bào Cơtu phát huy hiệu quả kinh tế rừng, trong thời gian tới, huyện Hòa Vang có chính sách trợ giúp để mọi người lựa chọn cây trồng phù hợp, hạn chế tình trạng tranh chấp quyền lợi, gây mất đoàn kết trong nhân dân. Ông Trần Công Hiệp, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hòa Vang nói: “Đây mới là bước một. Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai giao đất trên thực địa, đồng thời có kế hoạch xây dựng vườn ươm cây giống miễn phí, tập huấn kỹ thuật ươm, trồng và chăm sóc cây giống cho đồng bào. Trên thực tế, chúng tôi đã thành công mô hình này tại hai thôn đồng bào Cơtu của xã Hòa Bắc là Tà Lang và Giàn Bí vào năm 2007”.

Chương trình 134 của Chính phủ đã thật sự góp phần thay đổi diện mạo nông thôn tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Hòa Vang. Ông Nguyễn Phú Ban, Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định: “Giao đất, giao rừng cho đồng bào Cơtu quản lý và chăm sóc không chỉ có tác dụng hạn chế tình trạng khai thác lâm sản trái phép, tăng cường phủ xanh đất trống, đồi trọc mà còn là chiếc “cần câu” giúp người dân năng động hơn trong cách nghĩ, cách làm để chủ động vươn lên thoát nghèo và nhất là khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước”.

HẠ SƠN

;
.
.
.
.
.