.
Sinh hoạt tư tưởng

Bằng mặt cho... an toàn (!?)

Ở một địa phương nọ, khi họp Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ phiên đầu tiên để bầu Ban Thường vụ (BTV), bí thư và các phó bí thư cùng các chức danh khác theo đúng Điều lệ Đảng và hướng dẫn của cơ quan cấp trên. Căn cứ Quy chế bầu cử trong Đảng thì trước khi chốt danh sách để bầu cử, chủ tọa phiên họp trưng cầu ý kiến của các ủy viên BCH về việc ứng cử, đề cử... nhưng cuối cùng tập thể BCH đi đến thống nhất là đề nghị BTV cấp ủy khóa trước giới thiệu một danh sách gồm những người được dự kiến cơ cấu vào BTV nhiệm kỳ mới để BCH xem xét.
 
Yêu cầu ấy được đáp ứng đầy đủ, và khi chủ tọa hỏi ai có ý kiến thêm bớt, thay đổi ai trong danh sách vừa trình không thì không ai có ý kiến cả, có nghĩa là 100% cấp ủy viên đồng ý với danh sách do BTV cấp ủy khóa tiền nhiệm dự kiến. Thế nhưng, khi kiểm phiếu bầu thì kết quả do tổ kiểm phiếu công bố lại không đạt 100%, thậm chí có người cũng trúng cử vào BTV nhưng tỷ lệ phiếu chỉ vừa “vượt ngưỡng” cho phép (?!). Điều đó cho thấy ngay trong nội bộ cấp ủy đã có chuyện bằng mặt không bằng lòng.

Kế đến, khi lần lượt bầu các chức danh bí thư, phó bí thư trong số ủy viên BTV thì cũng xảy ra tình trạng tương tự như trên, ai cũng cảm thấy phiên họp này có cái gì đó làm mọi người không vui; thực trạng ấy phản ảnh chính xác nội bộ BCH Đảng bộ nọ chưa thật sự đoàn kết nhất trí cao. Tâm trạng chung của mọi người trước tình hình như vậy cũng là điều dễ hiểu, bởi không ai muốn trong nội bộ mình lại có dạng người bằng mặt không bằng lòng, vì họ luôn tìm cách tranh thủ “vỗ mặt” đồng chí, đồng đội mình vì một cái gì đó mà họ không dám nói thẳng, nói thật. Rõ ràng, những người như thế hoàn toàn không có dũng khí đấu tranh, tinh thần xây dựng nội bộ.

Vấn đề bằng mặt không bằng lòng là một hiện trạng ứng xử không lành mạnh khá phổ biến trong xã hội hiện nay. Bởi việc kèn cựa địa vị, tranh giành quyền lực, lợi ích cá nhân luôn tồn tại đan xen trong các mối quan hệ tốt-xấu, đúng-sai muôn hình vạn trạng của hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư.
 
Vấn đề này bộc lộ khá rõ nét trong các dịp tổ chức bầu cử ở các loại hình đại hội, trong dịp kiểm điểm góp ý tự phê bình và phê bình cuối năm, cuối nhiệm kỳ... Xét cho cùng, nếu vấn đề này xuất hiện trong sinh hoạt Đảng thì đây xem như là hành vi thiếu văn hóa Đảng, là một dạng “núp bóng” an toàn trong cấp ủy, cần sớm phát hiện, xử lý nghiêm túc để giữ vững kỷ cương sinh hoạt Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) của Đảng “Về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”, và Chỉ thị 10-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”.

Mai Mộng Tưởng

;
.
.
.
.
.