Năm 2008, Đà Nẵng đã thành công trong việc kìm hãm tai nạn giao thông (TNGT) khi giảm còn 158 vụ, 115 người chết và 24 người bị thương (năm 2007 xảy ra 205 vụ, 168 người chết và 181 người bị thương). Chưa kịp mừng với thành tích trên thì 6 tháng đầu năm 2009 này, tình hình lại có xu hướng xấu đi với 68 vụ TNGT, làm chết 58 người. Vì sao TNGT luôn diễn biến phức tạp như vậy?
Ý thức của một số người tham gia giao thông quá kém
Hạ tầng giao thông không bảo đảm cũng là nguyên nhân gây TNGT. |
Tuy nhiên, đây là con số chưa phản ánh hết mức độ vi phạm của người tham gia giao thông hiện nay, mà trên thực tế, con số này còn cao hơn rất nhiều lần. Nếu chịu khó quan sát, gần như mỗi khi ra đường, chúng ta đều bắt gặp cảnh người tham gia giao thông vi phạm luật với muôn hình vạn trạng khác nhau. Đơn cử, đang đi giữa đường mà có điện thoại, cứ vô tư lấy điện thoại ra nghe.
Thậm chí, có người còn đứng ngay giữa đường nghe điện thoại, mà trường hợp một phụ nữ thản nhiên nghe điện thoại ngay dốc phía tây cầu Nguyễn Văn Trỗi, khiến hàng loạt xe tông vào nhau đầu tháng 6 vừa rồi là một ví dụ. Đặc biệt, việc đi lấn vào phần đường của chiều ngược lại rất phổ biến. Điển hình nhất là trên cầu Sông Hàn trong thời điểm vào mùa hè.
Do có một lượng lớn người đi tắm biển nên cầu bị quá tải, trong khi đó rất nhiều người cứ nóng ruột muốn đi nhanh đã lấn hẳn qua phần đường bên kia. Điều này đã khiến cho giao thông qua cầu Sông Hàn thời gian gần đây vào tầm từ khoảng 17 giờ trở đi thường xuyên bị ùn tắc và gần như tuần nào trên cầu cũng xảy ra TNGT.
Ví dụ vụ TNGT vào ngày 29-6 vừa qua, hai mô-tô đi lấn vào chiều của nhau và kết quả là cả hai đều phải vào bệnh viện cấp cứu, còn giao thông bị ách tắc gần cả tiếng đồng hồ. Điều đáng nói là tại các trục đường trung tâm thường xuyên xảy ra TNGT và những vụ va quệt đều được giải thích là đường chật người đông, thế nhưng gần đây, ở những con đường mới làm, mật độ lưu thông còn thấp, thậm chí còn xảy ra nhiều TNGT và hầu hết đều có người bị thương nặng hoặc chết.
Theo thống kê của Ban ATGT thành phố trong năm 2008, trên các trục đường lớn như Nguyễn Tất Thành, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Hữu Thọ… đều xảy ra cả chục vụ TNGT nghiêm trọng, làm chết nhiều người. Về vấn đề này, theo ông Trần Đãi, Trưởng Công an xã Hòa Liên giải thích:
Tâm lý chủ quan của người dân là nguyên nhân chính. Ví dụ trên địa bàn xã, từ khi tuyến đường tránh Nam Hải Vân-Túy Loan đưa vào hoạt động, chúng tôi đã tuyên truyền rất nhiều cho bà con nên chú ý quan sát khi tham gia lưu thông, nhất là băng qua đoạn đương này. Tuy nhiên, trên đoạn đường này đã có người chết do qua đường không quan sát.
Lực lượng CSGT vừa mỏng vừa thiếu phương tiện hỗ trợ
Kể cả Phòng CSGT Công an thành phố và các Đội CSGT ở quận, huyện, quân số cũng chỉ hơn 200 người. Trong đó, bộ phận gián tiếp đã chiếm một lượng đáng kể, số còn lại tham gia tuần tra, chốt trực rất ít.
Ngoại trừ những ngày lễ hoặc những hoạt động lớn của thành phố thì 100% quân số được huy động để giữ gìn trật tự ATGT, những ngày còn lại phải làm theo ca nên lực lượng CSGT chỉ đủ chốt trực hoặc tuần tra trên những tuyến đường có nguy cơ ùn tắc và TNGT cao. Trong lúc thời gian gần đây, thành phố có thêm cả trăm con đường mới, nâng tổng số đường bộ nội thành lên gần 500km thì lực lượng CSGT vẫn không tăng lên bao nhiêu.
Trong khi đó, số lượng phương tiện giao thông như mô-tô và ô-tô tại thành phố liên tục tăng. Theo Phòng CSGT Công an thành phố cho biết, chỉ riêng trong tháng 5-2009, đã có 2.651 mô-tô và 321 ô-tô đăng ký mới, nâng tổng số phương tiện tham gia lưu thông của thành phố lên 438.321 mô-tô và 23.945 ô-tô.
Như vậy, tính ra trung bình 1,8 người dân thành phố có một phương tiện giao thông. Đó là chưa kể rất nhiều mô-tô của các sinh viên, công nhân và ô-tô của các cơ quan, đơn vị ở địa phương khác đưa về thành phố sử dụng, đã làm cho số phương tiện thực tế tăng lên rất nhiều.
Phương tiện tham gia lưu thông nhiều như vậy, tuy nhiên trong tay lực lượng CSGT gần như chưa có gì, ngoài còi và gậy lệnh. Chính vì vậy khi thành phố triển khai các đợt ra quân kiểm tra về khí thải, trọng tải, bắn tốc độ ô-tô thì luôn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, theo Luật GTĐB mới được áp dụng từ 1-7-2009 này, yêu cầu kiểm tra xử lý những trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn trong máu cao hơn quy định, đang là việc đau đầu vì còn thiếu phương tiện kiểm tra khí thở.
Hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ và chưa đáp ứng được yêu cầu
Mặc dù thời gian qua, Đà Nẵng là một trong những địa phương được Bộ Giao thông Vận tải đánh giá làm tốt công tác phát triển hạ tầng giao thông, tuy nhiên, vẫn không tránh khỏi những tồn tại, bất cập “góp phần” làm cho TNGT tăng. Một ví dụ khá điển hình là đường Ngô Quyền, dù được đánh giá là làm thay đổi diện mạo giao thông của quận Sơn Trà, thế nhưng khi đưa vào sử dụng đã lộ ra rất nhiều điểm yếu, như việc tổ chức giao thông quá rối.
Điều này dẫn đến khó khăn cho cả phương tiện tham gia giao thông lẫn lực lượng CSGT, vì không biết làm thế nào đi và xử phạt… cho đúng luật. Đến nay, rất nhiều lần ngành giao thông vận tải thành phố cố gắng khắc phục, thế nhưng vẫn chưa khả quan. Bên cạnh đó, việc thiếu trầm trọng các biển báo và lắp đặt chưa hợp lý cũng khiến cho việc lưu thông gặp nhiều khó khăn. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho những người từ địa phương khác lần đầu đến Đà Nẵng vì thiếu bảng hướng dẫn đi các trục đường chính, cũng như thời điểm cấm ô-tô…
Ngay như việc kẻ vạch dành cho người đi bộ, vốn không tốn nhiều kinh phí vẫn còn thiếu và phai hết sơn. Một dẫn chứng là khu vực trước các trường đại học như Bách khoa, Sư phạm, Kinh tế… vốn có rất nhiều người qua lại, tuy vậy có rất ít những vị trí dành cho người qua đường.
Có đến cả 1.001 lý do khiến cho TNGT có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chính vì vậy, việc kìm cương “con ngựa bất kham” TNGT này cần sự chung tay của nhiều cấp, nhiều ngành và duy trì liên tục, cùng ý thức của người tham gia giao thông. Nếu chỉ dừng lại trong những đợt tuyên tuyền ngắn hạn, hay đợt ra quân của lực lượng CSGT và Thanh tra Giao thông, khó hy vọng cải thiện được tình hình.
Bài và ảnh: Trần Luân Sơn