Tên đường quan trọng, điều này không bàn cãi, nó là chỉ dẫn cơ bản không thể thiếu để quản lý xã hội và giao dịch dân sự. Tên đường (hoặc công trình công cộng) còn là cách vinh danh những nhân vật lịch sử có công với đất nước, nhân dân.
Không ai quy định, nhưng những bậc công thần, những danh tướng, những bậc tài danh văn hóa, đóng góp công trạng đặc biệt cho nhân dân, thường được đặt tên cho những con đường lớn, nhiều khi cả một thành phố, một công viên, một con tàu, một sân bay... Còn những người sự nghiệp ở phạm vi hẹp hơn, thường được đặt tên cho những con đường nhỏ, đường trong khu dân cư. Theo quy định, việc đặt tên đường có thể là tên danh nhân lịch sử, văn hóa, tên địa danh, tên sự kiện... Nhưng phổ biến vẫn là tên nhân vật lịch sử. Tuy nhiên, việc đặt tên cho những con đưòng ở thành phố vẫn có những điều cần suy ngẫm.
Trước hết, việc đặt tên đường cần có sự thống nhất về quan điểm. Ví dụ, nếu là nhân vật lịch sử thì cần nêu công trạng đóng góp của người ấy, chứ không chỉ là tiểu sử. Cho nên, khi đề xuất để đặt tên một con đường nào đó, điều trước tiên phải lưu ý là tóm tắt công trạng để qua đó giới thiệu cho hậu thế một tấm gương tiêu biểu thuộc lĩnh vực mà nhân vật ấy đóng góp. Việc gắn một biển tên đường trước hết tự nó mang hàm ý vinh danh, đồng thời mang tính giáo dục lịch sử.
Thứ hai, cần thống nhất một số tiêu chí. Ví dụ: Nếu là anh hùng lực lượng vũ trang (AHLLVT) thì nên rà soát lại toàn bộ thành phố hiện có bao nhiêu AHLLVT qua các thời kỳ? Có ưu tiên cho địa phương không? Sẽ là hợp lý hơn, nếu người anh hùng đó của quận, huyện nào thì trước hết nên đặt tên trên địa bàn của địa phương đó. Không nên có hiện tượng cùng được phong AHLLVT nhưng có người được, người chưa. Ngoài ra cũng nên thống nhất số lượng và nguyên tắc ưu tiên tên của các AHLLVT của các địa phương khác, trước hết là của Quảng Nam.
Thứ ba, tỷ lệ giữa các danh nhân thuộc các thời kỳ, lĩnh vực khác nhau. Cần có sự hài hòa, cân đối theo một tỷ lệ thỏa đáng giữa nhân vật cận, hiện đại với những bậc tiền nhân của thời lập quốc, mở cõi.
Thứ tư, nguồn tư liệu làm căn cứ: nhất thiết phải là nguồn được tin cậy, được xã hội hóa và kiểm chứng rộng rãi, tránh tình trạng tên của đường phố Đà Nẵng, nhưng tư liệu lại lấy từ một quyển từ điển hoặc một tài liệu của một cá nhân nào đó ở một địa phương khác hoặc chỉ lấy từ gia phả của một dòng tộc.
Thứ năm, tại cùng một thời điểm, chú ý công trạng với quy mô con đường. Về nguyên tắc, công trạng lớn thì nên đặt tên cho những con đường lớn. Do hoàn cảnh lịch sử chúng ta phải chấp nhận việc lấy tên Lê Đại Hành (đã giải tỏa), Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Bỉnh Khiêm... đặt cho những con đường gần như là một con hẻm, nhỏ thua nhiều một con đưòng có tên của một nhà thơ “vừa vừa” mới qua đời.
Cuối cùng, việc đặt tên đường theo địa danh, thoạt nhìn thì đơn giản, song thực tế rất phức tạp. Không tùy tiện lấy tên của một địa danh của khu vực này trong quá khứ để đặt cho một khu dân cư mới. Số lượng các số thứ tự của địa danh được đặt tên cũng nên giới hạn ở mức hợp lý. Do vậy việc khảo sát, lắng nghe là không thể hời hợt, tùy tiện.Cũng cần nói thêm, việc viết đúng tên đường trong giao tiếp cần chú ý hơn. Không thể người Đà Nẵng, nhưng lại viết: đường Phan Chu Trinh (Châu); Mai Lỗ Bạng (Lão)...
Một việc nữa là biển tên đường. Hiện thành phố có nhiều cách gắn biển tên đường, nhưng không theo một nguyên tắc nào cả. Vuông góc “cân” hay lệch?, làm bằng vật liệu gì? Sẽ là phản cảm, nếu một thành phố không lớn lắm về mặt diện tích nhưng rất nhiều kiểu biển chỉ tên đường như hiện nay.
Sẽ còn hàng trăm con đường lớn, nhỏ đã hoặc sắp hoàn thành, sẽ còn nhiều công trình sắp đi vào hoạt động. Việc đặt tên đường, công trình có lẽ cần phải có một cuộc trao đổi khoa học, và một cách làm mới. Trước hết việc cần làm ngay là thống kê đầy đủ tất cả các con đường đã hoàn thành (hoặc sắp hoàn thành), nhưng chưa được đặt tên, xây dựng quỹ tên đường một cách khoa học, dự kiến tên để đặt một cách chủ động, tránh tình trạng ít nhiều còn lúng túng như hiện nay.
Nghị Văn
.
.
Tên đường
Thứ Tư, 01/07/2009, 07:50 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.