.
THI TUYỂN CÁN BỘ LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ

Thi cấp trưởng hay cấp phó?

.

ĐỒNG CHÍ BÙI VĂN TIẾNG, TRƯỞNG BAN TỔ CHỨC THÀNH ỦY: Cấp trưởng có nhiều thuận lợi hơn để biến ý tưởng khi thi tuyển thành hiện thực

 

Thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý (LĐQL) có tác dụng tạo ra động lực thúc đẩy cán bộ, công chức tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực quản lý, điều hành nhằm bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn để tham gia thi tuyển; khuyến khích cán bộ, công chức có tuổi đời trẻ, có năng lực và trong diện quy hoạch; huy động thêm nguồn lực từ bên ngoài đăng ký dự tuyển, khắc phục tình trạng đề bạt, bổ nhiệm cán bộ khép kín trong từng cơ quan, đơn vị.

Thi tuyển cán bộ LĐQL được thực hiện trên nguyên tắc dân chủ, khách quan, công bằng, công khai và cạnh tranh cao, nhờ vậy cơ bản đã tuyển chọn được những người ưu tú nhất trong số người dự tuyển... Có thể nói tuyển chọn cán bộ LĐQL bằng hình thức thi tuyển là một trong những giải pháp tích cực góp phần đổi mới công tác cán bộ, nhất là đổi mới cơ chế đề bạt, bổ nhiệm cán bộ mang tính truyền thống lâu nay.

Thông qua kết quả thi tuyển, người trúng tuyển sẽ được bổ nhiệm chức vụ theo phân cấp quản lý cán bộ; đồng thời, những người xếp thứ hai được bảo lưu kết quả thi tuyển trong một năm. Thực hiện cơ chế bảo lưu này nhằm chủ động tạo nguồn cán bộ dự phòng đã thông qua thi tuyển để xem xét bổ nhiệm chức vụ ở các đơn vị khi có nhu cầu bổ sung, tăng cường.

Tuy nhiên, giải pháp này cần được tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh theo hướng mở rộng hơn chức danh cấp trưởng và ở cấp cao hơn, bởi thực chất đây là cách tuyển chọn cán bộ LĐQL có yêu cầu người dự tuyển phải trình bày đề án công tác trên cương vị sắp được đề bạt, bổ nhiệm, mà việc này thì cấp trưởng có nhiều thuận lợi hơn để biến những ý tưởng của mình khi thi tuyển thành hiện thực sau khi được tuyển chọn.

ĐỒNG CHÍ ĐẶNG CÔNG NGỮ, GIÁM ĐỐC SỞ NỘI VỤ THÀNH PHỐ: Để phát huy hiệu quả thi tuyển thì chú ý thi cấp trưởng

 

 

Thi tuyển cán bộ LĐQL thì mục tiêu phải rõ ràng theo yêu cầu của từng vị trí để thu hút đối tượng có năng lực, trình độ phù hợp với vị trí đó. Để phát huy hiệu quả của thi tuyển thì chú ý thi cấp trưởng. Có tình trạng thi cấp phó là do tâm lý muốn an toàn, sợ trách nhiệm. Tuy nhiên, thi cấp trưởng thì việc triển khai thực hiện đề án, ý tưởng rõ ràng dễ hơn; suy nghĩ của cấp phó có khi đúng nhưng khó triển khai; việc đánh giá kết quả, hiệu quả thi tuyển vì vậy cũng khó hơn đối với thi cấp trưởng.

Để thực hiện việc thi tuyển cấp trưởng, cần có những điều kiện riêng. Theo đó, đối tượng và phạm vi thi tuyển không nên mở rộng quá mà có thể nằm trong tầm kiểm soát, quán xuyến, quản lý được. Điểm thi năng lực chỉ chiếm khoảng 40-45%; số điểm còn lại dành cho sự từng trải, kinh nghiệm, minh chứng về đạo đức... của người dự thi.

Tiêu chuẩn này kết tinh từ nhiều yếu tố trong quá trình công tác của người dự tuyển như: kết quả hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn qua thời gian công tác; sự đánh giá của cơ quan người dự thi; điều kiện thi cấp trưởng là người nằm trong diện quy hoạch; chức vụ Đảng, đoàn thể; sản phẩm nghiên cứu của quá trình công tác trên lĩnh vực của mình...Các đơn vị tổ chức thi tuyển cấp trưởng phải có đề án cụ thể, rõ ràng để trình lãnh đạo phê duyệt.

ĐỒNG CHÍ VÕ VĂN THƯƠNG, BÍ THƯ QUẬN ỦY CẨM LỆ: Khai thác sử dụng các đề án của người dự tuyển tại đơn vị

 

Trong thời gian qua, quận Cẩm Lệ đã triển khai chủ trương thi tuyển cán bộ LĐQL ở các chức danh cấp phó một cách chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch, chọn đúng người cần; và dĩ nhiên, những cán bộ đó đã nằm trong diện quy hoạch. Qua thực tế, các cấp phó đã đảm nhận công việc tốt và từ đó rút ra được vấn đề là thi tuyển cấp phó chính là ở đánh giá năng lực tổ chức thực hiện hơn là quản lý, điều hành.
 
Đồng thời, lãnh đạo quận thống nhất quan điểm nghiên cứu, khai thác sử dụng các ý tưởng từ đề án của những người tham gia thi tuyển vào công việc của cơ quan, đơn vị cần tuyển dụng; hội đồng thi tuyển phải đánh giá được đề án và năng lực của người tham gia thi tuyển. 

Từ kết quả đó, với mong muốn nâng cấp hình thức thi tuyển lên cấp trưởng ở một số chức danh, quận Cẩm Lệ đã tiến hành thí điểm thi tuyển chức danh Hiệu trưởng Trường THCS Hòa An; đồng thời thí điểm cấp trưởng trúng tuyển được quyền chọn cấp phó và chịu trách nhiệm về việc tuyển chọn của mình. Đề án thi tuyển chức danh cấp trưởng được Ban Thường vụ Quận ủy duyệt và chọn đối tượng thí điểm một cách cụ thể.

Từ những kinh nghiệm bước đầu, theo tôi, để việc triển khai thi tuyển cấp trưởng một cách thuận lợi hơn, lãnh đạo và các ngành chức năng của thành phố phải có chủ trương nhất định, xây dựng thống nhất các đề án, tiêu chí để triển khai. Tuy nhiên, nếu đơn vị nào có chủ trương thực hiện thì cũng có thể lập đề án cụ thể để trình xin ý kiến cơ quan hữu quan.
 
Về đối tượng thi tuyển, có thể thông báo công khai cho các đơn vị, hoặc gợi ý với đối tượng trong diện quy hoạch cán bộ cấp trưởng để họ tham gia thi. Hội đồng thi tuyển có thể là tập thể Ban Thường vụ cấp ủy để việc đánh giá và chọn lựa đúng đắn, thống nhất, tạo đồng thuận cao hơn. Trong thời gian tới, cần xem việc thi tuyển cấp trưởng là việc hết sức bình thường trong công tác cán bộ mà chúng ta cần hướng đến.            

N.T
(ghi)

;
.
.
.
.
.