.
THỰC HIỆN CUỘC VẬN ĐỘNG “NGÀY VÌ NGƯỜI NGHÈO” Ở QUẬN THANH KHÊ

Giúp đúng người, làm đúng việc

.

Kêu gọi đóng góp xây dựng nhà “đại đoàn kết”, “nhà tình thương”, hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em nghèo học giỏi, những người già yếu, đau ốm, neo đơn… là những việc làm thiết thực mà Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Thanh Khê đã triển khai nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”. Với những khoản kinh phí quyên góp được, Mặt trận quận đã sử dụng một cách hiệu quả trong việc trợ giúp cho những đối tượng nghèo, giúp họ từng bước ổn định cuộc sống.

Xây dựng nhà tình thương cho hộ nghèo là việc làm thiết thực hưởng ứng cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” của quận Thanh Khê.

Trong một xã hội đang phát triển, có người giàu lên, sống sung túc nhưng cũng có những người phải kiếm từng miếng cơm manh áo, đắp đổi sống qua ngày. Có những gia đình phải sống trong những căn nhà lợp giấy dầu, phên cót, có những trẻ em nghèo khổ nhưng vẫn cố gắng vươn lên và có những người trở nên khánh kiệt vì ốm đau, bệnh tật…

Đối với Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Thanh Khê, việc xác định đúng đối tượng để hỗ trợ, giúp đỡ là yêu cầu quan trọng. Vì với những đồng tiền quyên góp được, họ phải sử dụng sao cho có hiệu quả nhất và giúp ích một cách thiết thực nhất cho những người nghèo. Chị Lê Thị Nhớ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Thanh Khê tâm sự:

“Trước khi quyết định sẽ giúp đỡ một trường hợp nào đó, chúng tôi đều đến tận nơi để khảo sát, tìm hiểu điều kiện sống, hoàn cảnh gia đình của mỗi hộ. Nếu thật sự khó khăn, Mặt trận sẽ đề xuất các phương án hỗ trợ phù hợp. Những khoản tiền mà các tổ chức, cá nhân ủng hộ cho quỹ “Vì người nghèo” đều được chúng tôi sử dụng đúng người, đúng việc, công khai và mang lại hiệu quả xã hội cao”.

Từ khi cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” được phát động vào cuối năm 2000 đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Thanh Khê đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, trong đó, việc kêu gọi đóng góp quỹ “Vì người nghèo” là một trong những việc làm hiệu quả nhất nhằm tạo cơ hội để người nghèo được trợ giúp tài chính khi cần.

Trong suốt một thời gian dài từ năm 2000 đến 2008, Mặt trận quận và các phường đã phát động toàn thể cán bộ, viên chức, nhân dân, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ hơn 3,9 tỷ đồng. Với số tiền tiếp nhận được, Mặt trận quận đã phối hợp với các hội, đoàn thể, chính quyền địa phương khảo sát thực tế từng hộ nghèo, xem xét những trường hợp quá khó khăn, cần trợ giúp. Chị Lê Thị Nhớ cho biết:

“Khi tìm hiểu đến từng hộ, chúng tôi thấy còn rất nhiều người dân có hoàn cảnh khó khăn, nhà ở chật chội, xuống cấp, có nhà cả chục người sống trong không gian chật hẹp. Để giảm gánh nặng cho việc xóa nghèo của chính quyền, Mặt trận và các hội, đoàn thể tìm mọi cách để hỗ trợ các hộ nghèo, có thể bằng việc xây mới hoặc sửa chữa nhà, có thể bằng việc trợ giúp tiền, các vật dụng sinh hoạt trong gia đình…”.

Chị Nhớ khẳng định rằng, những số tiền có được từ cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” đều để phục vụ cho người nghèo, giúp họ trên tất cả các mặt, từ đời sống vật chất đến đời sống văn hóa, tinh thần. Riêng trong năm 2008, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” trên địa bàn quận đã thu hút đông đảo nhân dân tham gia, qua đó vận động đóng góp được hơn 764,6 triệu đồng. Với số tiền này, Mặt trận quận đã giúp sửa chữa 56 nhà cho hộ nghèo, xây mới 41 nhà và hỗ trợ bắc nước sạch cho 122 hộ. 6 tháng đầu năm 2009, quận Thanh Khê đã hỗ trợ xây mới 10/26 nhà tạm và sửa chữa 12/48 nhà cấp 4 xuống cấp thuộc hộ nghèo với tổng kinh phí 169 triệu đồng.
 
Trong quá trình triển khai các hoạt động trợ giúp hộ nghèo, cũng có lúc cán bộ Mặt trận gặp vướng mắc khó giải quyết, chẳng hạn như những tranh chấp trong nội bộ gia đình khiến cho việc tài trợ xây dựng nhà tình thương, xóa nhà tạm gặp khó khăn. Đã xác định đúng đối tượng cần trợ giúp nhưng không thể tiến hành được.
 
Những trường hợp như vậy, Mặt trận quận thường phối hợp với chính quyền phường, đoàn thể, hội phụ nữ… đến tận nhà vận động gia đình hộ nghèo giải quyết mâu thuẫn nội bộ. Một khi những tranh chấp về nhà ở, đất đai đã chấm dứt thì Mặt trận sẽ vào cuộc và giúp đỡ hộ nghèo xây mới nhà tình thương, tạo điều kiện để họ có nơi ăn chốn ở ổn định.

Điều đáng nói là Mặt trận quận cùng các tổ chức thành viên luôn bám sát tình hình đời sống của những hộ nghèo, khảo sát, đánh giá và đến tận từng hộ gia đình cần trợ giúp để xác minh hoàn cảnh thực tế. Nhà nào có người ốm đau dài ngày thì hỗ trợ tiền, vật phẩm, trợ giúp thường xuyên; hoặc đối với những em học sinh nghèo nhưng học giỏi thì giúp các em học bổng, tặng trang thiết bị học tập.

Tất cả những gì mà người nghèo cần giúp đỡ, nếu trong khả năng có thể thực hiện được, Mặt trận quận Thanh Khê và các phường đều cố gắng thực hiện. Nhờ đó, tránh được thực trạng giúp không đúng người, làm không đúng việc, tránh gây lãng phí cho nguồn quỹ phục vụ người nghèo. Hiện nay, trên địa bàn quận Thanh Khê còn 4.804 hộ nghèo, trong đó có 210 hộ đặc biệt nghèo.

Để giúp chính quyền thực hiện hiệu quả các mục tiêu giảm nghèo, thì việc sử dụng một cách hữu ích quỹ “Vì người nghèo” kết hợp với việc phát động toàn dân hưởng ứng cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” là điều hết sức cần thiết. Một đô thị muốn phát triển bền vững thì cần phải giảm được khoảng cách giàu nghèo trong các tầng lớp nhân dân.
 
Và vì vậy, đối với quận Thanh Khê, cuộc vận động này không chỉ vì người nghèo mà vì mục tiêu phát triển chung của quận, phấn đấu đưa quận trở thành một đơn vị dẫn đầu trong việc nâng cao chất lượng sống cho người dân, bảo đảm thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn quận.                                

MỸ HẠNH

;
.
.
.
.
.