.
TIẾN TỚI ĐẠI HỘI LIÊN HIỆP CÁC TỔ CHỨC HỮU NGHỊ THÀNH PHỐ NHIỆM KỲ 2009-2014

Duyên nợ với Đà Nẵng

.

Từ  khi đến Đà Nẵng và “kết duyên”  với Hội Nạn nhân chất  độc da cam (NNCĐDC) thành phố, người đàn ông Pháp có bộ râu rậm rạp và cái lưng còng còng đã luôn có mặt bên trẻ em bị nhiễm chất độc dioxin như một người chú, người thầy, người bạn. Với  ánh mắt lúc nào cũng như  bị cuốn vào từng nét hồn nhiên trên thân thể  những đứa trẻ kém may mắn, ông khiến người ta tin rằng, tình cảm giữa ông với các em tại Hội NNCĐDC là mãi mãi.

Từ  một cuộc gặp gỡ

Jean Cabane (gánh, phía phải) tặng heo giống cho bà con thôn Trường Định.

Năm 2005, Jean Cabane sang Việt Nam theo chương trình dạy tiếng Pháp cho sinh viên Đại học Đà Nẵng. Thời gian làm việc kết thúc, Jean Cabane quyết định… sinh sống hẳn tại thành phố biển xinh đẹp này, bởi lý do trót phải lòng một cô gái Đà thành-chị Dương Thị Hoa (nay là vợ ông).

Năm 2006, trong lúc đang ở nhà vợ, chứng kiến sự tàn khốc của cơn bão Chanchu, Jean Cabane, lúc này là hội viên Hội Hữu nghị Pháp-Việt đã trở thành chiếc cầu nối để chuyển sự trợ giúp đến những nạn nhân bị thiệt hại trong cơn bão. Qua đợt cứu trợ này, ông gặp bà Nguyễn Thị Hiền (nay là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng) và trở thành hội viên danh dự của Hội.

Từ đó, những chuyến thăm gia đình nạn nhân chất độc da cam đã cho ông sự cảm thông với cuộc sống còn nhiều khó khăn của người dân nghèo sau chiến tranh. Hội Hữu nghị Pháp-Việt, mà cụ thể là ông đã tiến hành dự án nuôi heo, bò ngay trong năm đó.
 
Tính đến thời điểm này, dự án của Jean Cabane đã  được triển khai tại quận Ngũ Hành Sơn, quận Cẩm Lệ, huyện Hòa Vang với mức đầu tư ban đầu 4.000 euro/năm. Chọn dự án nuôi heo, bò mà không là một hình thức khác, chị Hoa cho biết: “Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy, con bò, con heo là cả gia sản đối với một số bà con. Có được con giống, coi như người dân có phương tiện kiếm sống”.

Đà Nẵng quá lý tưởng

Jean Cabane còn là thành viên của Tổ chức Giọt nước (Pháp) với vị trí Trưởng đại diện tại Việt Nam. Giọt nước đã cấp nhiều học bổng cho trẻ em nghèo, đỡ đầu cho một số em có hoàn cảnh khó khăn. Ông cũng cùng những người bạn của mình tham gia nhiều hoạt động xã hội khác như tập huấn nâng cao kỹ năng điều trị cho các cán bộ trẻ và thân nhân của NNCĐDC…

Jean Cabane đã sinh sống tại Đà Nẵng được 4 năm, trong một căn nhà nhỏ, xinh xắn với nhiều bức tranh do chính tay ông vẽ (Jean Cabane là họa sĩ). Không phải những dự án liên tiếp đã kéo ông gắn bó với thành phố Đà Nẵng, mà bởi một tình yêu khác: “Thành phố các bạn vừa có núi, vừa có biển, khí hậu, con người cũng rất tuyệt, khác nhiều những nơi tôi từng biết. Các bạn người Pháp của tôi cũng nói thế”, Jean Cabane nói.

Bài và ảnh: Thu Hoa

;
.
.
.
.
.