Về văn hóa, giáo dục, chính sách xã hội
* Đề nghị thành phố có hướng hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động vùng bị thu hồi đất, giải tỏa (Cử tri nhiều xã thuộc huyện Hòa Vang).
Trả lời
Việc hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động vùng bị thu hồi đất, giải tỏa được cử tri quan tâm trong kỳ họp này. Ảnh: T. LÂN |
Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện đề án đã giải quyết cho 307 dự án vay vốn tạo việc làm cho 532 lao động (ngân sách thành phố cho vay hơn 7 tỷ đồng); đào tạo nghề cho 8.970 lao động, trong đó có 2.004 lao động trong diện thu hồi đất sản xuất, di dời, giải tỏa chỉnh trang đô thị, với tổng kinh phí gần 4 tỷ đồng; trên 80% lao động qua đào tạo từ các chương trình trên đều có được việc làm ổn định; thực hiện miễn, giảm học phí cho 2.789 học sinh là con các hộ trong diện thu hồi đất sản xuất, hộ di dời giải tỏa đang học văn hóa tại các trường tiểu học, THCS, THPT (kể cả ngoài công lập) trên địa bàn, với tổng số tiền 587.767.789 đồng, trong đó trường ngoài công lập là 324 học sinh, với tổng số tiền 306.495.000 đồng. Đồng thời, hỗ trợ tiền ăn trưa cho gần 900 học sinh với kinh phí 364.550.000 đồng (diện thu hồi đất thuộc hộ nghèo 5.000 đồng/người/buổi học áp dụng các năm 2006-2007, mức 10.000 đồng/người/buổi học áp dụng từ năm 2008).
Như vậy, thành phố đã ban hành chính sách một cách đồng bộ nhằm giúp các hộ bị thu hồi đất sản xuất, di dời, giải tỏa. Đề nghị nhân dân thuộc diện trên có nhu cầu vay vốn chuyển đổi ngành nghề liên hệ với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội quận, huyện để được hướng dẫn và cho vay vốn; nếu có nhu cầu học nghề thì liên hệ UBND xã, phường hoặc Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quận, huyện để được hướng dẫn; nếu có nhu cầu tìm việc làm thì liên hệ các Trung tâm giới thiệu việc làm để đăng ký tìm việc làm.
* Về hoạt động Tư pháp, hiện nay Quốc hội, Nhà nước ban hành nhiều văn bản pháp luật. Đề nghị thành phố chỉ đạo Hội đồng tuyên truyền, giáo dục pháp luật các cấp kịp thời phổ biến tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân biết và tiếp thu pháp luật, giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật của nhân dân (Cử tri nhiều phường thuộc quận Liên Chiểu).
Trả lời
Hằng năm, UBND thành phố đều ban hành các Kế hoạch, Chương trình hoạt động của năm, cụ thể:
- Trong năm 2008, UBND thành phố ban hành Đề án Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2008-2012.
- Trong năm 2009, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 65/KH-UBND ngày 5-1-2009 Triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2009, trên cơ sở đó, ngày 7-1-2009, Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố (gọi tắt là Hội đồng) ban hành Chương trình hoạt động số 155/CTr-HĐ năm 2009.
Thực tế, trong năm 2008 và trong gần 2 tháng của năm 2009, Hội đồng đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể là cơ quan thành viên và các quận, huyện chú trọng tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản luật, pháp lệnh đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành trong năm 2008, các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân, nhất là những lĩnh vực có nhiều khiếu kiện, gây bức xúc trong xã hội với nhiều hình thức và biện pháp triển khai đa dạng, phong phú, trong đó tập trung tuyên truyền, phổ biến Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Bình đẳng giới và các văn bản hướng dẫn có liên quan, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình…
Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì thường xuyên việc tổ chức tuyên truyền pháp luật về đất đai; pháp luật về hội nhập kinh tế quốc tế; pháp luật về hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, an toàn giao thông, phòng, chống ma túy, HIV/AIDS, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường...
Bên cạnh việc đẩy mạnh triển khai các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đang áp dụng, các ngành, đoàn thể và địa phương đã chủ động, sáng tạo sử dụng các hình thức, biện pháp tuyên truyền pháp luật mới, hiệu quả, phù hợp với đặc thù của ngành, đoàn thể và địa phương mình như: Tuyên truyền pháp luật qua Trang thông tin điện tử, tăng cường trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ, thông tin pháp luật qua hệ thống mạng; Bản tin Tư pháp; tuyên truyền qua hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, cổ động trực quan; lồng ghép tuyên truyền vào các phong trào của các tổ chức chính trị-xã hội; tuyên truyền thông qua phiên tòa xét xử lưu động…
Ngoài ra, Sở Tư pháp và các ngành chức năng đã phối hợp biên soạn và phát hành các loại tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật chuyên đề như: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Đất đai và các văn bản pháp luật về đất đai do UBND thành phố ban hành, pháp luật hôn nhân và gia đình, pháp luật về khiếu nại, tố cáo; nội dung pháp luật cho các nhóm đối tượng cụ thể như: công dân có độ tuổi từ 15 đến 35, nhân dân ở khu vực thành thị, nhân dân ở khu vực nông thôn…, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở.
Đặc biệt, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng đã được Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng, Báo Đà Nẵng, Báo Công an thành phố Đà Nẵng và Đài Truyền thanh các quận, huyện tăng cường chất lượng và thời lượng phát sóng các chương trình, chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền pháp luật như: Thông tin pháp luật, Giải đáp pháp luật, Vấn đề bạn đọc quan tâm, Văn bản, chính sách mới, Trả lời thư bạn đọc, Điều tra theo đơn thư bạn đọc, Pháp luật và đời sống, Tiếp chuyện bạn nghe đài, Tiểu phẩm pháp luật…
Việc cung cấp các mục thông tin nêu trên đã kịp thời chuyển tải nội dung các văn bản pháp luật quan trọng đến công chúng, thu hút sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân thành phố, góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của nhân dân nhằm ngăn chặn và hạn chế vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh, trật tự và an toàn xã hội của thành phố. Hội đồng còn tổ chức khảo sát, điều tra xã hội học để nắm bắt nhu cầu và nhận thức pháp luật trong cán bộ, công chức và nhân dân, từ đó xác định nội dung, lĩnh vực pháp luật phù hợp từng khu vực, đối tượng để đáp ứng yêu cầu thực tế.
* Đề nghị thành phố tăng cường đội ngũ y, bác sĩ có trình độ chuyên môn và tay nghề giỏi về công tác tại Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn, thời gian gần đây số lượng y, bác sĩ xin chuyển công tác đến nơi khác nhiều (Cử tri phường Khuê Mỹ).
Trả lời
Hiện nay, tỷ lệ bác sĩ trên toàn quốc là 6,2 bác sĩ/10.000 dân và chỉ tiêu đến năm 2010 là 10 bác sĩ và 45 giường bệnh/10.000 dân. Tại thành phố Hồ Chí Minh có 4,7 bác sĩ /10.000 dân; tại Hà Nội có 7,2 bác sĩ /10.000 dân. So với cả nước, tỷ lệ bác sĩ/10.000 dân tại Đà Nẵng cao hơn rất nhiều. Tính đến tháng 6 năm 2008, thành phố Đà Nẵng có 12,3 bác sĩ/10.000 dân và đạt 45 giường bệnh/10.000 dân, tuy nhiên số lượng này phân bố chưa đồng đều giữa các vùng trong thành phố, một số Trạm Y tế xã, phường còn thiếu bác sĩ.
Sở Y tế đã chỉ đạo cho các bệnh viện tuyến trên tăng cường hỗ trợ về chuyên môn cho các Trung tâm Y tế quận, huyện, đồng thời giao cho Giám đốc Trung tâm Y tế các quận, huyện phải chịu trách nhiệm có kế hoạch cử các bác sĩ của Trung tâm Y tế tăng cường về các Trạm Y tế còn thiếu bác sĩ để khám chữa bệnh cho nhân dân trong khu vực mình quản lý. Tính đến nay có 50/56 Trạm Y tế xã, phường có bác sĩ.
(Còn nữa)