Sau 2 năm (2007-2008) thực hiện Thông tri 01 của Tổng Liên đoàn Lao động (TLĐLĐ) Việt Nam về xây dựng Công đoàn cơ sở (CĐCS) và Nghiệp đoàn vững mạnh, thành phố Đà Nẵng đã phát triển thêm 51 CĐCS, chủ yếu ở các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, DN dân doanh, doanh nghiệp FDI và một số đơn vị hành chính sự nghiệp thành lập mới. Tuy nhiên, việc bảo đảm “chất” tương đương với “lượng” vẫn là nỗi băn khoăn trong mục tiêu xây dựng CĐCS vững mạnh.
Khi CĐ thể hiện được vai trò của mình, quyền lợi của NLĐ được bảo đảm sẽ là tiền đề cho việc xây dựng CĐCS vững mạnh. TRONG ẢNH: CN trong dây chuyền may mặc của Tổng Công ty CP Dệt - may Hòa Thọ. |
Tồn tại kéo dài nhiều năm qua và có tác động tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của các CĐCS thuộc khu vực ngoài Nhà nước bắt nguồn từ việc cán bộ CĐCS ở các DN khu vực dân doanh và FDI hầu hết đều kiêm nhiệm, kỹ năng hoạt động CĐ còn nhiều hạn chế. Hơn thế nữa, hầu như tất cả cán bộ CĐCS các DN ngoài Nhà nước đều là người làm công ăn lương; vì thế, quá trình đấu tranh với người sử dụng lao động trong việc bảo vệ quyền lợi cho NLĐ hầu như không thể. Lực lượng này còn ảnh hưởng bởi sự biến động liên tục về lực lượng lao động, sắp xếp lại DN.
Bên cạnh đó, việc thu kinh phí CĐ tại các DN này dựa vào mức tự quy định (thấp hơn 1% lương theo Điều lệ CĐ) nên nguồn kinh phí rất hạn chế. Chủ tịch CĐ các Khu CN và Chế xuất Đà Nẵng Đàm Thị Thanh Xuân cho biết:
- Việc thu kinh phí CĐ để bảo đảm cho CĐCS hoạt động ngày càng trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là đối với DN dân doanh và DN FDI. Khi vận động DN thành lập CĐCS, nếu đặt vấn đề thu kinh phí CĐ ra thì DN sẽ tìm mọi cách né tránh. Nhưng khi đã thành lập CĐCS, DN lại chây ì. Nếu phải đưa ra những văn bản pháp lý, một số DN cũng chỉ trích nộp trên cơ sở mức lương cơ bản của số đoàn viên CĐ, chứ không phải căn cứ trên tổng số LĐ và tiền lương thực tế trả cho NLĐ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, văn bản pháp luật quy định về nộp kinh phí CĐ lại không có chế tài xử phạt. Đã đến lúc, chúng ta cần trả lời câu hỏi: “Tổ chức CĐ có thể khởi kiện DN không chịu trích nộp kinh phí CĐ được hay không?”.
Cũng không thể không nhắc đến sự hạn chế trong việc phối hợp giữa tổ chức CĐ với các cơ quan quản lý Nhà nước về LĐ kiểm tra DN thực hiện pháp luật LĐ. Vì thế, không ít DN có đông CNLĐ nhưng do thiếu kinh phí nên không vận động CNLĐ gia nhập CĐ.
Vì vậy, đến nay trong các CĐCS thuộc các DN dân doanh và DN FDI, tỷ lệ CNLĐ ký kết Thỏa ước LĐ tập thể (TƯLĐTT) mới đạt tỷ lệ ở mức 20%; còn 14% CNLĐ ở các DN FDI chưa được ký hợp đồng LĐ, tình trạng nợ BHXH khá phổ biến, nhiều DN chỉ áp dụng mức lương tối thiểu…
Trong bối cảnh đó, UBND thành phố đã có Chỉ thị 08 về “Tăng cường xây dựng và củng cố CĐCS trong các DN ngoài Nhà nước và DN FDI trên địa bàn thành phố”. Yêu cầu đặt ra với LĐLĐ thành phố là hướng dẫn các DN thành lập tổ chức CĐ, chậm nhất sau 6 tháng kể từ ngày DN bắt đầu hoạt động. CĐ địa phương hoặc CĐ ngành có trách nhiệm thành lập tổ chức CĐCS tại DN. Ngoài ra, Sở LĐ-TB và XH, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các quận, huyện có sự phối hợp chặt chẽ trong việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật LĐ, đối thoại với các nhà đầu tư để kịp tháo gỡ các vướng mắc, giải quyết các “điểm nóng” về tranh chấp LĐ trên địa bàn.
Văn bản chỉ đạo đã có, vấn đề còn lại là việc triển khai và sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan để Đà Nẵng có thể hoàn thành mục tiêu đến năm 2013, có hơn 70% CĐCS ký TƯLĐTT cùng DN và góp phần tạo nên một môi trường LĐ thực sự lành mạnh trên địa bàn thành phố…
BẢO AN