.
VÌ SỰ NGHIỆP BẢO VỆ CHỦ QUYỀN BIỂN, ĐẢO, THỀM LỤC ĐỊA CỦA TỔ QUỐC

Vững vàng thế trận lòng dân

.

Ra biển cứu nạn

Xác định phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn (PCBL-TKCN) là một chức năng, nhiệm vụ chiến đấu  trong thời bình, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Vùng C Hải quân thực hiện tốt công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển, đã làm thắm đượm hơn nghĩa tình quân dân. Trường hợp anh Huỳnh Văn Thu ở phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng là một minh chứng cho điều đó. Sáng ngày 1-10-2006, khi đang neo đậu tại âu thuyền Thọ Quang để tránh bão số 6 (Xangsane), bất ngờ tàu của anh bị đứt neo trôi ra biển.

Bộ đội Hải quân về thăm các Bà mẹ VNAH ở xã Điện Nam Bắc.

Biết là tàu của người thân, anh em, bạn thuyền mình bị nạn, nhưng chẳng ai dám ra cứu vì sóng quá to. Giữa cơn đại cuồng phong đang ập đến, Sở Chỉ huy Vùng C nhận điện báo cáo có một tàu cá của ngư dân bị chìm, Đại tá Ngô Sỹ Quyết, Chỉ huy trưởng Vùng xúc động trong giây lát rồi anh hét to trong máy bộ đàm: “Bằng mọi giá, các đồng chí phải cứu nhân dân, cho dù có phải hy sinh”.

Tàu HQ 357 cũng đang gồng mình chống đỡ với những cơn sóng cao ập xuống như muốn nhấn chìm tất cả, nhưng khi nghe lệnh của Chỉ huy trưởng, cán bộ, chiến sĩ của tàu đã dũng cảm vượt qua những con sóng dữ, cứu được anh Thu cùng 4 ngư dân khác đưa lên tàu chăm sóc sức khỏe. Trở về trong vòng tay của gia đình, người thân và bà con làng xóm, anh Thu xúc động nói: “Cảm ơn Hải quân Việt Nam BA…NĂM…BẢY (tàu HQ 357), các anh đã sinh ra tôi lần thứ hai”.

Với Đào Ngọc Minh Thành, ở tổ 26, phường Thanh Khê Đông, thuyền trưởng tàu ĐNa 90369 vẫn nhớ như in lần thứ hai được tàu Hải quân Vùng C cứu. Lần thứ nhất, trong cơn cuồng phong của bão Chanchu, anh Thành cùng các bạn chài và con tàu đã được tàu HQ 628 ứng cứu kịp thời. Bây giờ lại một lần nữa, anh và con tàu của mình được những chiến sĩ Hải quân tàu HQ 629 cứu thoát khỏi sự gầm thét của biển cả. Anh kể với những người thân:
 
“Ngày 8-7-2007, tàu ĐNa 90369 cùng 29 thuyền viên đang đánh bắt cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) 15 hải lý về phía Đông thì chết máy, trong lúc gió giật cấp 7. Tàu bị sóng đánh trôi dạt về hướng biển phía Nam, phải phát tín hiệu cấp cứu. Thuyền trưởng Lê Xuân Dũng cùng 28 ngư dân trên tàu ĐNa 90350 quyết định hủy chuyến câu mực để cứu hộ tàu ĐNa 90369 vào bờ. Sau 2 ngày đêm lai dắt, đến được tọa độ 14024 Bắc - 109023 Đông, cách phía Nam đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) khoảng 60 hải lý thì tàu ĐNa 90305 cũng bị chết máy.
 
Vì sóng quá lớn nên không có tàu nào dám ra ứng cứu. Nhiều ngư dân đã hoang mang lo lắng. Thảm họa từ bão Chanchu chưa nguôi làm ai nấy đều mất bình tĩnh. Rất may là liên lạc về đất liền, với Vùng C luôn giữ vững... Khi chúng tôi thấy tàu Hải quân đến cứu mới biết mình sẽ sống”. Khi tàu HQ 629 kéo 2 tàu bị nạn cùng 58 ngư dân về quân cảng, đại diện chính quyền địa phương, người thân và các chiến sĩ Vùng C Hải quân có mặt  để đón.
 
Lễ bàn giao cũng diễn ra nhanh gọn ngay tại cầu cảng  để ngư dân trên tàu có thể sớm đoàn tụ cùng gia đình sau những ngày vật lộn với sóng dữ. Thuyền trưởng tàu HQ 629, Đại úy Lê Văn Hưng kể lại: “Nhận được lệnh đi cứu nạn tàu cá của ngư dân bị nạn trên biển, mặc dù trời tối đen như mực, sóng gió gầm thét, nhưng vì sự an toàn của hàng chục ngư dân, tàu chúng tôi vẫn xé sóng ra khơi”.

Lên rừng giúp dân

Trung tá Lê Đình Văn, Trưởng ban Dân vận Vùng C Hải quân cho biết: Hằng năm cứ đến tháng 7, Vùng C lại cử cán bộ, chiến sĩ hành quân về với bà con, đồng bào vùng sâu, vùng xa, nơi khó khăn của thành phố Đà Nẵng và Quảng Nam để làm công tác dân vận. Từ năm 2006 đến nay, thực hiện “3 cùng”‘ với nhân dân xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang), khối phố Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) của thành phố Đà Nẵng; xã Lăng và xã Atiêng (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam).
 
Đoàn công tác Vùng C Hải quân đã tiến hành xây dựng được 1 nhà tình nghĩa, 2 nhà đại đoàn kết, làm 2km đường bê-tông, hơn 1 nghìn ngày công để phát quang, san lấp mặt bằng đường làng, nạo vét kênh mương nội đồng và sửa chữa công trình phụ; tặng quà cho các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đội quân y của Vùng còn khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 850 lượt người, với số tiền gần 200 triệu đồng. 

Dù công việc vất vả, nhưng đêm đêm, đoàn  công tác của Vùng vẫn tổ chức giao lưu văn hóa-văn nghệ, trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động Đoàn và phong trào thanh niên cho Đoàn Thanh niên địa phương; phối hợp với chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền cho nhân dân về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước, một số điều cần biết về các Luật Đất đai, Giao thông đường bộ, Dân số và gia đình, Pháp lệnh Bảo vệ rừng, quy chế thực hiện dân chủ cơ sở ở xã, phường…

Trung tá Lê Đình Văn tự hào nói: Giờ đây, mỗi lần trở lại các vùng dân vận, chúng tôi luôn nhận được những lời khen ngợi của nhân dân: “Bộ đội mình giỏi thật, dù quen ở biển nhưng khi lên rừng, việc gì cũng làm được, sửa sang nhà cửa, làm đường, làm cầu giao thông nông thôn, gặt lúa, tát nước, gieo sạ, cả diệt ốc bươu vàng để bảo vệ lúa. Hạn hán kéo dài, mùa vụ chậm cả tháng, có bộ đội về giúp bà con đào mương lấy nước tưới cho rau màu… Cảm ơn Bộ đội Cụ Hồ, những cán bộ, chiến sĩ Vùng C Hải quân”.

Những việc làm vì dân của Vùng C Hải quân đã làm thắm đượm hơn nghĩa tình quân – dân, góp phần xây dựng thế trận lòng dân vững chắc.

 Bài và ảnh:PHAN THỊ THANH HƯƠNG
    

;
.
.
.
.
.