.

Ý kiến cử tri

.

LTS: Kỳ họp thứ 14, HĐND thành phố khóa VII, nhiệm kỳ 2004-2011 sẽ chính thức diễn ra trong 2 ngày 7 và 8-7-2009. Trước thềm kỳ họp có rất nhiều cử tri đóng góp ý kiến, những tâm tư, nguyện vọng và mong muốn HĐND thành phố quan tâm, sớm giải quyết những vướng mắc, tồn đọng từ thực tế. Báo Đà Nẵng xin giới thiệu một số ý kiến của cử tri trên các lĩnh vực mà nhân dân thành phố quan tâm hiện nay.

* Ông Trần Văn Sương, tổ dân phố 61 phường Hòa Khánh Bắc: “Điểm nóng” môi trường chỉ “nguội” để đối phó khi báo chí phản ánh

 

Dự án Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng triển khai từ năm 2004 mới chỉ di dời được 2/3 tổ dân phố khu vực Hồng Phước. Gần 80 hộ dân của tổ dân phố 61 đến nay bị “treo” gần 6 năm không được xây nhà kiên cố, sang nhượng nhà đất. Không chỉ có vậy, quá trình thi công KCN Hòa Khánh mở rộng đã biến tổ dân phố 61 trở thành rốn đựng nước thải của hai KCN Thanh Vinh và Hòa Khánh đổ về.

Nhân dân chúng tôi phải chịu đựng mùi nước thải hôi thối vào mùa hè, nước thải đen ngòm tràn cả vào nhà dân trong mùa mưa. Đã có không biết bao lần dân kêu, gửi đơn khiếu nại nhưng mãi không thấy hồi âm. Bao giờ chúng tôi đến nơi ở khác, bao giờ mới hết cảnh ô nhiễm của nước thải? Đâu chỉ có bà con tổ 61 chịu cảnh ô nhiễm này.

Bà con các phường Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc và thôn Trung Sơn thuộc xã Hòa Liên cũng chịu chung cảnh ô nhiễm môi trường từ KCN. Đi làm ruộng bị ngứa, lở loét cả chân tay. Cứ mỗi lần báo chí phản ánh rộ lên là nước thải từ KCN thải ra được xử lý hơi trong trong một chút. Nhưng chỉ một thời gian sau nước thải lại đem ngòm, hôi hám, nhất là vào dịp các nhà máy tăng ca sản xuất. Mong sao HĐND thành phố giám sát chặt chẽ hơn để việc xử lý điểm nóng về môi trường được triệt để, không chỉ nguội khi báo nêu hoặc lúc bà con phản ứng mạnh.

* Ông Trịnh Quang Tạ, phường An Hải Đông: Tăng cường quản lý lao động người nước ngoài

 

 

Theo dõi thông tin báo chí và nhiều kênh thông tin khác, cử tri chúng tôi lo lắng về bảo đảm môi trường khi khai thác quặng bô-xit ở Tây Nguyên. Như lãnh đạo Tập đoàn Than-Khoáng sản nói: Việc hoàn thổ để trồng cây sau khi đã khai thác bô-xit là 2 năm. Tức là qua 2 mùa mưa mới hoàn thổ xong. Như vậy khó bảo đảm về môi trường trong mùa mưa. Mưa Tây Nguyên sẽ chảy trôi bùn đỏ trên mặt đất ở địa hình đồi núi trong khi không còn rễ cây bám giữ đất.

Từ vấn đề khai thác bô-xít ở Tây Nguyên đặt ra công tác quản lý lao động người nước ngoài ở nước ta nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng. Cơ quan quản lý lao động của Nhà nước phải vào cuộc kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật Việt Nam về lao động của lao động nước ngoài đang làm việc trên địa bàn thành phố. Nếu phát hiện vi phạm pháp luật phải xử lý nghiêm theo pháp luật Việt Nam. Báo chí nước ta từng đưa tin lao động Việt Nam ở nước ngoài vi phạm pháp luật lao động nước sở tại bị xử lý, trục xuất.

Vì thế, theo tôi nên công khai số lượng lao động nước ngoài trên địa bàn, hình thức xử lý lao động nước ngoài vi phạm pháp luật về lao động cho cử tri biết. Làm được như thế vừa giữ nghiêm pháp luật Việt Nam, vừa giải quyết về tư tưởng của người dân, vừa bảo đảm việc giữ mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước bè bạn, đối tác.

* Ông Phan Công Đây, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hòa Vang: Phải bảo đảm nguồn nước phục vụ vựa lúa của Hòa Vang

.

Qua theo dõi thông tin báo chí, cử tri là nông dân huyện Hòa Vang chúng tôi rất quan ngại trước việc xây dựng thủy điện Đăk Mi 4 ở tỉnh Quảng Nam sẽ làm giảm lượng nước ở hạ lưu sông Vu Gia, gây thiếu nước cho hàng ngàn ha đất nông nghiệp của Đà Nẵng. Riêng huyện Hòa Vang có 3 xã: Hòa Tiến, Hòa Phước, Hòa Châu sử dụng nguồn nước tưới từ sông Yên - một nhánh của sông Vu Gia cho 2 vụ đông xuân và hè thu.
 
Nếu xảy ra thiếu nước sản xuất nông nghiệp thì đời sống của gần 10 ngàn hộ nông dân ở 3 xã này sẽ gặp khó khăn. Hơn nữa, 646ha đất nông nghiệp của 3 xã này là vựa lúa cho năng suất cao nhất của huyện Hòa Vang. Cử tri nông dân chúng tôi kiến nghị HĐND thành phố có giải pháp bảo đảm không để xảy ra thiếu nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp nói chung và vựa lúa của Hòa Vang nói riêng.

* Ông Nguyễn Trường Ảnh, Giám đốc Công ty Cấp nước Đà Nẵng: Sông Vu Gia thiếu nước sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nước máy phục vụ nhân dân thành phố

 

 

Nếu công trình thủy điện Đăk Mi 4 ngăn không cho nước sông Đăk Mi đổ thẳng vào sông Vu Gia như trước sẽ có nguy cơ thiếu nước ở hạ lưu sông Vu Gia. Hai nhà máy nước Cầu Đỏ và nhà máy nước Sân bay đều lấy nước từ sông Cầu Đỏ.
 
Nguồn nước cung cấp cho hai nhà máy phải bảo đảm về lưu lượng nước chảy và chất lượng nước ngay từ đầu nguồn. Thực tế thì mực nước sông năm nay đã thấp hơn hẳn so với mọi năm, dẫn đến nước sông Cầu Đỏ sẽ bị nhiễm mặn vào những tháng cuối mùa hè như năm ngoái đã từng xảy ra. Nước sông hiện nay cũng đục hơn, có khi đỏ như nước sông Hồng, không bảo đảm về chất lượng nước.
 
Nếu nước bị nhiễm mặn, buộc chúng tôi phải bơm nước từ trạm bơm phòng mặn ở An Trạch. Như vậy sẽ gây thiếu nước phục vụ nông nghiệp qua đập An Trạch. Nhu cầu sử dụng nước máy ngày càng tăng mạnh do sự phát triển đô thị Đà Nẵng. Nếu lưu lượng nước ở hạ lưu sông Vu Gia giảm mạnh, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển các dự án cung cấp nước máy của chúng tôi. Nhu cầu sử dụng nước máy trong sản xuất, sinh hoạt của nhân dân cũng sẽ bị ảnh hưởng.

* Ông Phùng Ba, tổ 39B, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà: Tập trung giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường

 

Hiện nay, các hộ dân sinh sống trong khu vực xung quanh âu thuyền Thọ Quang và Khu công nghiệp-dịch vụ thủy sản Thọ Quang rất lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây. Nhất là khi mùa hè đến, lúc chiều hoặc tối, toàn bộ không khí bị ô nhiễm bởi mùi hôi thối bốc lên từ nước thải sản xuất do các doanh nghiệp chế biến thủy sản hoặc nước thải sinh hoạt từ các tàu thuyền đậu trong khu vực âu thuyền thải ra.
 
Tình trạng này diễn ra trong thời gian dài nhưng vẫn chưa có cách xử lý, khiến cho cuộc sống của nhiều hộ dân bị ảnh hưởng. Đề nghị HĐND thành phố có phương án giải quyết sớm để trả lại môi trường sống trong lành cho người dân. Thêm vào đó, hiện nay, nhiều đối tượng trong độ tuổi lao động trên địa bàn phường lại thiếu việc làm, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, chính quyền địa phương và thành phố nên có chính sách hỗ trợ, giúp đỡ để cải thiện điều kiện sống của người dân.

* Ông Trần Văn Nam - Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê: Cần có chính sách hỗ trợ cho ngư dân ra khơi

 

 

Năm 2008, ngư dân trên địa bàn quận Thanh Khê đi đánh bắt hải sản được Chính phủ hỗ trợ xăng dầu. Nhưng chương trình này đến nay đã dừng lại. Hiện tại, một số tàu thuyền của ngư dân phải nằm bờ, không ra khơi vì thiếu lao động, không đủ vốn, giá cả nhiên liệu thì vẫn còn cao. Trong kỳ họp lần này, đề nghị HĐND thành phố có cơ chế, chính sách hỗ trợ thêm để chủ phương tiện có thể ra khơi đánh bắt xa bờ.

Ngoài ra, trong thời gian vừa qua, có nhiều thông tin về tình hình an ninh trên Biển Đông gây hoang mang, lo ngại trong một bộ phận ngư dân đánh bắt xa khơi. Mặc dù Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn thành phố và chính quyền địa phương đã giải thích, cung cấp thông tin, tài liệu để giải thích cho các chủ tàu thuyền nhưng người dân vẫn chưa an tâm. Vậy trong thời gian đến, chính quyền thành phố cần cung cấp kịp thời những diễn biến tình hình xảy ra trên biển, về các tọa độ được phép đánh bắt để người dân yên tâm ra khơi đánh bắt.


ĐOÀN SƠN và M.H
(ghi)

;
.
.
.
.
.