.

40 năm ấy, biết bao nhiêu tình

Trong một lần tiếp các đại biểu miền Nam, Bác Hồ đặt bàn tay phải của Người lên phía trái lồng ngực mình và nói: “Miền Nam ở đây”.

Các nhà báo đã diễn câu ấy thành “Miền Nam trong trái tim tôi”.


Tiếp chuyện nhà báo nữ Cuba Macta Robat (chưa đầy 50 ngày, trước lúc đi xa), Người nói “Ở miền Nam Việt Nam, mỗi người, mỗi gia đình đều có những nỗi khổ đau riêng, và gộp tất cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi ”.

Nhiều đồng bào, chiến sĩ, cán bộ miền Nam đã biết những chuyện cảm động ấy, những câu nói gan ruột ấy và tất cả đều chung một cảm nghĩ với ca từ “Ai yêu miền Nam như tấm lòng của Bác” của nhạc sĩ Trọng Loan.

Nhưng mỗi người, mỗi địa phương ở miền Nam, ai cũng muốn có, muốn được biết cái chỗ nhỏ xíu của mình, của quê hương mình trong trái tim mênh mông của Bác.

Mùa xuân năm 1965, những tên lính thủy đánh bộ Mỹ đổ bộ lên bãi biển Phú Lộc, Đà Nẵng mở đầu cuộc xâm lược ở miền Nam. Quân dân Đà Nẵng gánh vác sứ mệnh đi đầu diệt Mỹ.

Xuân Bính Ngọ, người Đà Nẵng lắng nghe thơ chúc Tết của Bác:

Mừng miền Nam rực rỡ chiến công
Nhiều Dầu Tiếng, Bầu Bàng, Plây me,
                                                         Đà Nẵng
Ai cũng xúc động: “Bác nhớ Đà Nẵng mình, Bác khen Đà Nẵng mình đó”.

Cũng trong năm Ngọ này, anh Mai Ngọc Châu, Chính trị viên Huyện đội Hòa Vang ra Bắc, được trực tiếp báo cáo với Bác Hồ về những trận thắng đầu tiên trên vành đai diệt Mỹ Hòa Vang. Bác rất vui, Bác nói: “Hãy làm cho Hòa Vang trở thành một chấm son trên bản đồ Tổ quốc”.

Cũng như anh Châu, trong những năm chiến tranh, nhiều cán bộ, chiến sĩ Quảng Nam-Đà Nẵng có thành tích trong chiến đấu, từng bị tra tấn tù đày, là thương bệnh binh ra miền Bắc điều trị, học tập, được gặp Bác. Có lẽ Bác thương yêu hơn cả là hai cô gái họ Trần là Trần Thị Lý và Trần Thị Cúc.

Đó là những cô gái nhỏ bé yếu đuối nhưng can trường vô song, vẫn một lòng kiên trung với cách mạng trong những thử thách dữ dội nhất, nhờ Bác mà có sức mạnh vượt lên điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung.

Bác dặn các thầy thuốc khi chữa chạy cho chị Lý cố gắng sao cho cơ thể chị vẫn giữ được thiên chức làm mẹ. Khi cùng chị dạo quanh vườn, Bác đưa chị đi trên những vạt cỏ mềm chứ không đi theo lối sỏi quen, sợ tiếng lạo xạo dưới chân động đến những vết thương của chị.

Tháng 6 năm 1969, chị đến chào Bác lên đường đi nước ngoài chữa bệnh (đây là lần cuối cùng chị gặp Bác), Bác lại cho chị ăn cháo đậu xanh. Bác động viên chị ráng ăn, chị chỉ ăn được chút chút, Bác nói với chị “Cháu gắng ăn, kẻo không Bác phải ăn hết đấy”.

Chị Cúc bị địch đóng đinh vào đầu, ảnh hưởng đến não, Bác thường nhắc chị phải đội mũ len, giữ ấm đầu. Có lần Bác cùng ăn cơm với chị Cúc và chị Mười (một nữ dũng sĩ ở Mỹ Tho đánh thắng trăm trận và từng bị tra tấn đến liệt chân) Bác gắp thức ăn cho hai chị, một cọng hành rơi ra bàn, Bác gắp bỏ vào bát của mình.

Khi biết mình đã yếu và có thể đi gặp Các Mác, Lênin bất cứ lúc nào, Bác đã dặn đồng chí Phạm Văn Đồng: “Tôi có mệnh hệ gì, nhờ chú Tô lo chăm sóc cho các cháu Lý, cháu Cúc”.

Chuyện kể rằng có lần Bác ăn cơm với đồng chí Võ Chí Công, không biết là vô tình hay cố ý, đôi đũa của Bác bị rơi xuống sàn. Người phục vụ đem đôi đũa khác thay vào, Bác nhặt đôi đũa rơi, phủi sơ rồi tiếp tục ăn. Bác nói “chú Năm ở chiến trường rúc hầm ngủ bụi, ăn uống chắc là cực lắm”.

Lúc Bác còn sống và miền Nam đang còn chiến tranh, người Quảng Nam-Đà Nẵng biết những chuyện “ai yêu miền Nam như tấm lòng của Bác”. Ai cũng thấy tình cảm nồng thắm đó như có dành cho mình, ai cũng tự hào là Bác yêu vô hạn mảnh đất đau thương, gan góc, dạn dày này, Bác biết cả món bánh tráng đập dân dã xứ Quảng. Bác biết đây là dải đất hẹp, đi lên là núi, đi xuống là biển giống như quê Bác, Bác hiểu sâu sắc về truyền thống yêu nước quật cường của đất Quảng. Bác hết sức quý mến các nhà yêu nước Hoàng Diệu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Cao Vân…

Với người Quảng Nam-Đà Nẵng, với chúng tôi, những người đang gánh trên vai, đang mang trong lòng cuộc chiến khốc liệt, sự chia cắt đau đớn, Bác không là một nguyên thủ quốc gia, một lãnh tụ tối cao của Đảng, Bác là người thân thiết nhất trong những người thân thiết, người ruột thịt nhất trong những người ruột thịt.

Đã có biết bao câu thơ, bài hát nói lên điều giản dị: Ai yêu miền Nam như tấm lòng của Bác - Miền Nam mong Bác nỗi mong cha. Nhưng đến khi Bác mất, chúng ta mới ngộ ra chúng ta chưa hiểu, chưa thấu hết chiều rộng, tầm sâu đến vô cùng của điều giản dị ấy.

Đón nhận tin Bác mất, chúng tôi đau xót đến ngỡ ngàng, bàng hoàng. Chúng tôi không tin, không ngờ Bác lại ra đi trước ngày toàn thắng. Với chúng tôi, ngày toàn thắng ấy nhất định sẽ đến, và một việc lớn nhất, niềm hạnh phúc lớn nhất của mọi người ở miền Nam Tổ quốc trong những ngày lịch sử ấy là đón Bác.

Chúng tôi đều ước gì không thật cả nỗi đau mồ côi – như thơ của Việt Phương – nhưng là những người ở chiến trường, chúng tôi phải tỉnh táo để biết những gì sẽ đến, cuộc chiến đấu sẽ dữ dội hơn, cuộc sống sẽ cay đắng hơn. Biến đau thương thành sức mạnh đâu chỉ là một khẩu hiệu mà là một đòi hỏi nghiêm khắc của thực tế. Kẻ thù sẽ cho đây là một cơ hội. Chúng ta phải cho chúng thấy từ đau thương vô hạn này, sức mạnh và chiến thắng thuộc về chúng ta.

Trong hình thái chiến trường lúc ấy, không thể làm gì lớn như mong muốn. Nghe đài phát thanh, chúng tôi ghen với đồng bào thủ đô, đồng bào miền Bắc, được nhìn thấy Bác, những đôi mắt đẫm lệ. Chúng tôi muốn nhắn với bà con hãy nhìn ngắm và hãy khóc cả phần của chúng tôi.

Ở căn cứ, trên dải Trường Sơn, cán bộ mặt trận và bà con các dân tộc quây quần lặng lẽ. Có những loạt súng nổ vang, anh em bảo đó là 21 loạt đại bác và là lòng quyết tâm. Ảnh Bác viền đen đặt giữa những đóa hoa rừng.

Ở Đà Nẵng, bàn thờ Phật, nơi linh thiêng nhất của nhiều gia đình đã thành bàn thờ Bác. Những tấm ảnh Bác, có khi chỉ là hình Bác trên tờ bạc tín phiếu, từng cất giữ rất sâu kín, được lồng vào khung. Nhiều ngôi chùa trở thành điểm hẹn của sự đau thương và lòng trung thành. Ánh mắt đã nói lên tất cả. Mọi người, mỗi người có cách thể hiện riêng của mình, không chỉ với mình, với đồng đội, với Người đã khuất mà như muốn tỏ cho kẻ thù biết: “Dù ai rào giậu ngăn sân – Lòng ta vẫn giữ là dân cụ Hồ”.

Anh em cơ sở gửi cho chúng tôi đủ các báo Sài Gòn và lời nhắn “Các anh chị thấy không, những tờ báo có thái độ chính trị bẩn nhất cũng không dám nói xấu Bác”. Ít lâu sau, chúng tôi nhận được tờ Đối diện có bài Nói với Người đã khuất của Giáo sư Lý Chánh Trung, chuyền tay nhau đọc say sưa, chúng tôi biết đây là thái độ, là tình cảm của trí thức Sài Gòn.

Nhớ lại những ngày đau thương ấy,  chúng tôi không cho rằng nhờ những sinh hoạt tưởng niệm, nhờ công tác tuyên truyền với những khẩu hiệu: Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Vô cùng thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến (mà công đầu thuộc về Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Giải phóng), quân dân ta đã nén đau thương, anh dũng phấn đấu, quyết tâm đánh thắng hoàn toàn quân Mỹ xâm lược.

Ở chiến trường Quảng Đà, những năm sau Mậu Thân, nhất là sau ngày Bác mất, là thời kỳ gian khổ và ác liệt nhất. Với cái tang lớn này sẽ có một khoảng trống, một sự hụt hẫng về tinh thần. Chúng tôi sẽ sống và chiến đấu như thế nào đây. Chúng tôi không hình dung nổi.

Những năm cùng cực ấy, có lúc tôi cứ lẩn thẩn nghĩ tại sao dân tộc ta lại chịu sự mất mát lớn nhất vào lúc này và tôi lại thầm tự động viên bằng một câu thơ không biết của ai  - Trời bày thế hiểm bởi mình chí cao.

Từ từng ngày chiến đấu, chúng tôi hiểu vũ khí, sức mạnh Bác trao cho mỗi chúng tôi chính là cái vốn có của chúng tôi được Bác phát hiện và khơi dậy, trong những giờ phút đau thương này lớn mạnh hơn bao giờ hết.

Những người đã giơ tay thề cùng Bác ngày 2-9 năm ấy “Quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập”. Những người để lại sau lưng một kinh thành bốc cháy ra đi với quyết tâm “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”.

Những người ấy, thế hệ ấy đã trao truyền điều thiêng liêng ấy cho chúng tôi, còn chúng tôi, chúng tôi thấy không có gì quý hơn độc lập tự do là chân lý, là cần thiết đối với dân tộc và mỗi người Việt Nam như cuộc sống cần phải ăn, phải thở.

Và “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn phải chiến đấu quét sạch nó đi” cũng là chân lý, như mỗi ngày ta thức dậy thấy ánh mặt trời. 
                                         
(Còn nữa)

NGUYỄN ĐÌNH AN

;
.
.
.
.
.