Cuộc Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa xuân Mậu Thân 1968 đã làm cho Mỹ từ chỗ nhận ra khó có thể thắng đã chuyển thành một kết luận phũ phàng có thể thua trong cuộc đụng đầu ở Việt Nam. Ý chí xâm lược lung lay và chúng phải tính đến việc xuống thang, Việt Nam hóa chiến tranh.
Đây là vấn đề rất cơ bản, tạo cho ta thế mạnh chiến lược để đi tới thắng lợi cuối cùng.
Những tổn thất của chúng ta trong Mậu Thân là hết sức to lớn, riêng Đặc khu Quảng Đà đã mất nhiều cán bộ chủ chốt. Anh Mai Đăng Chơn- Phó Bí thư, các anh Đinh Châu (Đức), Nguyễn Hữu Nì (Năm Thông), Thường vụ. Chị Trần Thị Tính, Đặc khu ủy viên; anh Lâm Sói, Tiểu đoàn trưởng R20 lừng danh... hy sinh. Anh Hà Kỳ Ngộ (Thường vụ) bị bắt. Nhiều đơn vị vũ trang của Đặc khu, của các huyện, thị quân số chỉ còn 1/4. Nhiều xã, số đảng viên hy sinh, bị bắt, bị thương nhiều hơn số có thể trụ lại tiếp tục chiến đấu.
Nhiều đồng chí chỉ tin, quá tin vào toàn thắng của 2T, khi quay lui về hậu cứ bị hụt hẫng vì tổn thất, đối diện với những khó khăn nặng nề hơn trước, không khỏi dao động.
Mỹ thực hiện “thay màu da xác chết” với việc tung cả mớ đô-la và hối hả cung cấp vũ khí, phương tiện chiến tranh, ra sức huấn luyện quân đội Sài Gòn, cố tạo cho chúng sức mạnh vượt trội.
Quân Mỹ có rút nhưng không phải là ồ ạt. Những năm 69-70, ở Quảng Đà không còn các cuộc hành quân lớn như kiểu các mùa khô 65-66. Nhưng biệt kích, Mỹ lết khắp nơi. Trực thăng bay như chuồn chuồn trước bão, giặc lái Mỹ rà sát ngọn cây, mặt đường soát từng người.
Lúc ấy chúng tôi muốn đi hợp pháp, dù đã mặc đồ bà ba trắng vẫn phải phòng tình huống trực thăng đứng sựng trên đầu ra dấu buộc người dưới đất vén áo lên để xem có thắt lưng với lựu đạn, súng ngắn không, nhờ mấy mẹ chị cho các của quý ấy vào thúng lấy rau cỏ phủ lên trên, đội đầu như đi chợ về.
Pháo bầy của Mỹ từ các trận địa Núi Quế, Tuần Dưỡng, Cấm Dơi, Cẩm Hà, Bồ Bồ v.v sẵn sàng dội lửa dập nát mọi vùng nghi vấn.
B52 rải thảm ngay ở Gò Nổi, dọc sông Thu Bồn. Kể cả trong ngày ký hiệp định Pari, lúc anh em Ban Tuyên huấn Đặc khu đang chép tin đọc chậm toàn văn hiệp định ở Hòn Tàu.
Có thể nói chưa lúc nào ở chiến trường Quảng Đà chúng ta lại cơ cực, căng thẳng như sau Mậu Thân, nhất là như những tháng sau ngày Bác mất.
Thường vào mùa mưa lụt, cơ quan phía trước chúng tôi đều kéo về căn cứ. Ở đồng bằng những ngày nước mênh mông, không thể rúc hầm bí mật khi có biến, tập kết ở mấy điểm cao không lụt thì làm mồi cho địch. Cuối năm 1969, chúng tôi nấn ná ở đồng bằng với ý đồ dựa vào Đông Duy Xuyên, có chuyện chi có thể chạy qua Thăng Bình, Quế Sơn, một chiều ba huyện dừng chân. Tình hình càng lúc càng xấu, chúng tôi thống nhất chia thành các bộ phận nhỏ, ai tự lực một mình đi với anh em địa phương cũng tốt, hoạt động chuyên môn được chừng nào hay chừng đó. Trong đận gian nan này, nhiệm vụ chủ yếu là bảo toàn lực lượng. Cố giữ liên lạc với nhau và với Văn phòng Đặc khu.
Anh Trần Đình Hùng, Chánh Văn phòng thuộc nhóm phải về hậu cứ trên núi du di, nhưng đường lên bị tắc, thế là dân Gia Cốc, Đại Lộc lần đầu xuống vùng cát Duy Xuyên lại gặp lúc địch càn đi quét lại, trăm bề lúng túng. Anh hy sinh vào những ngày ấy, trong trường hợp cụ thể như thế nào, không ai rõ và cho đến nay hài cốt anh vẫn chưa tìm thấy.
Cùng lúc đó có tin anh Đoàn Xoa hy sinh, anh là người Xuyên Châu thân thiết với đông đảo cán bộ Duy Xuyên cả trên huyện và nhiều xã, lâu nay thường đi công tác Duy Xuyên là anh lặn biến vào với anh em du kích một xã nào đó.
Nghe nói anh đi với một tổ du kích Xuyên Quang và bị bọn thủy thuyền bắn chết.
Nhóm của tôi bươn bả hết chợ Bà, Lạc Câu, Bầu Bính (Bình Giang, Bình Dương) lại Đồng Tràm, Môn Lãnh (Quế Sơn) cà quần giữa cuộc càn 180 xe của địch. Ở ngay sát nơi diễn ra một trận thắng lớn của tiểu đoàn 89 mà cứ ấm ức mãi về chuyện không gặp được những người chiến thắng, viết về họ. Bốn phía đều có địch, chúng tôi phải xoi đường qua ấp chiến lược Thanh Ly để lên phía Tây Thăng Bình rồi về căn cứ Hòn Tàu, mừng hết lớn khi đến được Văn phòng Đặc khu ủy.
Tôi nhớ lúc này chị Thanh, Chủ tịch Hội Phụ nữ Quảng Đà cùng có mặt ở Văn phòng. Nghe chúng tôi bàn điện cho anh Hồ Nghinh tin anh Xoa mất tích, có thể là hy sinh (Anh Nghinh là bạn chiến đấu của ông già anh Xoa, rất quý anh Xoa), chị nói như khóc “Thôi các anh ạ, từ sau ngày Bác mất, anh Nghinh đau luôn, mới đỡ được một chút lại buồn về tin anh Phục (Thường vụ Đặc khu ủy) hy sinh. Bây giờ thêm chuyện anh Xoa”.
Chúng tôi nghe lời chị và thật may mắn, ít ngày sau anh Xoa thoát hiểm về căn cứ, không hề hấn gì.
Cơ cực, gian khổ, nguy hiểm ác liệt mấy chúng tôi cũng chịu được, cắn răng mà chịu, mà vươn lên. Nhưng đau khổ nhất là không có dân, mất dân, trắng dân, mồ côi dân. Và mới nghiệm ra sự hiểm độc của thằng Mỹ tiến hành chiến tranh hủy diệt chính là để chúng ta không có dân. Về lý thuyết mất dân là mất tất cả, là không còn chỗ dựa, là cuộc sống không hồn.
Nhưng chỉ cần anh trải nghiệm và so sánh, ngày nào trời nắng như đổ lửa, anh đi qua xóm làng dù vừa tan nát vì địch càn hay bom pháo vẫn có các mẹ gọi anh vào đưa cho anh một cái đài chằm bằng mo cau đầy nước chè, có nước cốt chè già đặc sánh pha với hai phần nước giếng mát ngọt. Anh uống thật đã. Bây giờ đội trên đầu một mớ lá ngụy trang, vừa đi vừa căng thẳng chú ý cảnh giới, trực thăng có thể chụp, pháo cối có thể dập. Khát cháy họng nếu trong gùi không có bi đông nước, anh phải sà xuống một hố bom, hai tay vục nước mà uống. Anh sẽ thấu hiểu hơn chân lý cách mạng về dân.
Kỳ lạ thay trong tột cùng nguy khốn luôn có những lối thoát.
Một lần đi với anh Nghinh và một số anh em qua Phú Thạnh (Quế Xuân) để tối sang Xuyên Châu. Khoảng hơn 3 giờ chiều, chúng tôi nghỉ dưới bóng một lùm tre, mấy người bán cà rem đi tới, anh em mua mấy cây, ai đó khui một lon Coka (lúc đó chưa có loại lon bật nắp) cho một cây cà rem vào đưa anh Nghinh. Anh vừa uống vừa nói với tôi: “Chuyện này có lạ không lão An” (anh thường gọi vậy khi thân mật), tôi vội đáp “So với những gì mình nghĩ trên A Vương thì rất lạ”. Anh cười, mắt rực sáng: “Phải cố giữ những điểm như thế này”.
Ở quanh Ái Nghĩa, bà con nhà nào cũng trữ sẵn cả chục ang gạo, mấy thùng mắm. Anh em ta đột xuống có thể mua ngay và chuyển liền về hậu cứ trong đêm. Chúng tôi thường nói vui bài bản công tác của mấy anh Vi-xi là “Ta thắng lớn, Mỹ thua to, có gạo có mắm bán cho tôi về’ để diễu mấy người phát động quần chúng quá đơn giản, thô thiển và thực dụng.
Anh Sáu Nam nghe chuyện này bình luận: “Bao nhiêu năm nay, cửa khẩu này luôn tiếp tế cho ta hàng trăm tấn gạo, có bị phá đứt cũng chỉ ít ngày, dân ai cũng biết bán gạo mắm là ủng hộ cách mạng, là làm cách mạng, mà cũng là việc mưu sinh của họ. Họ có cách đối phó với địch để duy trì việc ấy”.
Thật khó tưởng tượng ở ngay chân Hòn Tàu, nơi biệt kích Mỹ lội khắp các ngọn đồi lúp xúp cũng là nơi chúng tôi đóng cơ quan giữa những bụi dây leo, những vạt rừng non. Chúng tôi phải quan sát kỹ, chỉ những lúc Mỹ ở xa thì mới được khử dầu bằng hành, sợ mùi thơm ấy là chỉ báo cho Mỹ biết Vi-xi đang ở gần. Chúng tôi vẫn làm việc và còn ăn được bánh mì với đồ hộp và bia lon Hoa Kỳ. (Còn nữa)
NGUYỄN ĐÌNH AN
.
.
40 năm ấy, biết bao nhiêu tình
Thứ Năm, 20/08/2009, 09:59 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.