Chúng tôi cứ thế lầm lũi, gan góc mà đi, chưa mở được những trận đánh lớn, có ngay nhiều trận đánh nhỏ, hiểm. Các chiến sĩ nội tuyến được huy động đến mức tối đa.
Ngay đầu xuân Kỷ Dậu (1969), Đặng Công Thịnh, cơ sở nội tuyến đã hy sinh khi làm nổ tung một chiếc tàu lớn chở đầy quân cụ ở đầu cầu Trịnh Minh Thế, mũi con tàu ấy vẫn còn thấy đó, sau ngày 29-3. Tôi chỉ mong sao vào ngày giỗ anh, những đồng đội của anh và cả các cán bộ ở cảng quân sự gần đó sẽ thả những đóa hoa xuống sông Hàn, nơi anh đã lập công.
Trận đánh kho bom Phước Lý (tháng 4-1969), một tiếng nổ, nói đúng hơn là một loạt tiếng nổ chưa bao giờ lớn như thế, một đám mây khói bụi đen và cả màu da cam hình cây nấm giống như một vụ nổ hạt nhân phá tan tành 70.000 tấn bom đạn các loại, là chiến công của Nguyễn Hữu Hanh, một cơ sở binh vận.
Các chiến sĩ đặc công biệt động, du kích mật từng người và từng nhóm nhỏ, người tại chỗ được huấn luyện và trang bị tại chỗ và nhiều đồng chí là du kích ở các xã ven thành, cả ở Duy Xuyên, Đại Lộc bị đánh phá hủy diệt đến trắng dân đã đột vào Đà Nẵng, móc nối, tìm sự chỉ đạo, yểm trợ hay tự động. Tất cả đều hiểu thấu lời người Chính ủy:
“Mỹ hủy diệt vùng giải phóng làm cho vùng giải phóng trắng dân là để đẩy chiến tranh ra xa thành phố. Chúng ta phải bằng mọi cách đưa chiến tranh vào tận giường ngủ của chúng”. Đặc khu ủy Quảng Đà đã đánh giá trong thời gian này, trong số địch bị diệt có nhiều nhân sự cấp cao, trong số phương tiện chiến tranh bị phá hủy có nhiều phương tiện quan trọng.
Cũng chính vào lúc này, Quảng Đà có sáng kiến lập chi bộ 2 bao gồm những đảng viên của Đảng bộ xã vùng giải phóng bị xúc tát vào thành phố và những đảng viên được giao nhiệm vụ cách mạng phải vào thành phố. Đây là một dạng tổ chức không có trong Điều lệ hoặc bất kỳ một văn bản hướng dẫn nào nhưng là một đòi hỏi, cũng là một vận dụng trong thực tiễn chiến tranh. Các Chi bộ 2 tiếp tục tập hợp, duy trì lực lượng cách mạng trong quần chúng giữa lòng Đà Nẵng, là nguồn sức mạnh rất có ý nghĩa với phong trào cách mạng thành phố.
Điều chúng tôi băn khoăn lo lắng hơn cả là cán bộ, nhân tố quyết định phong trào. Có lúc điểm lại lực lượng chủ chốt của thanh niên, học sinh: số ở ngoài đảo, số còn trong tù, số phải bật lên căn cứ, số hy sinh và bị thương, số đi học đại học bổ sung tự nhiên cho phong trào Sài Gòn, thấy đội hình chia năm xẻ bảy mà lòng trĩu nặng nỗi ưu tư xen lẫn cảm giác một mình giữa chiến trường, tìm đâu ra ngay những người trẻ trung sắc sảo, đủ trí dũng, tả xung hữu đột, sáng ở giảng đường, chiều ở thiền viện nói với với binh sĩ cũng thân quen như với anh em tài xế, thợ máy.
Bỗng nhớ đến chuyện ông già Ibi A-lê-ô (Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng, Chủ tịch Phong trào tự trị Tây Nguyên) kể. Từ Tây Nguyên ra Hà Nội, ông đinh ninh trong lòng khi gặp Bác sẽ xin hai điều: vũ khí và cán bộ. Trên đường Hồ Chí Minh, ông thấy xe chở đầy, người gùi nặng, tất cả đều là vũ khí cho miền Nam.
Gặp Bác ông chỉ xin Bác chi viện cho Tây Nguyên nhiều cán bộ. Không trả lời ngay, Bác lại hỏi ông:“Tây Nguyên chú có nuôi gà không?”, Ông đáp “Có ạ”. Bác hỏi tiếp: “Bà con nuôi gà như thế nào?”, Ông thuật lại bà con nuôi những con gà mái mập khỏe, gà đẻ trứng và ấp thành đàn gà con, cứ thế gà lại đẻ trứng, lại ấp nở thành những đàn gà con khác. Bác cười: “Đào tạo cán bộ cũng như vậy, từ phong trào mạnh, chăm chút sẽ có nhiều cán bộ giỏi”.
Thế hệ Tổng đoàn học sinh có thể là thế hệ thứ 3 của phong trào thanh niên, sinh viên học sinh Đà Nẵng, họ chưa là sinh viên (Đà Nẵng lúc này không có trường đại học), tuổi đời rất trẻ, không được thừa kế trong tổ chức, lại gánh vác nhiệm vụ vào lúc khó khăn muôn trùng. Vậy mà chỉ có mươi con người, họ đã kết nối được tất cả phong trào lớn ở miền Nam. Ủy ban hòa giải, hòa hợp dân tộc và phong trào phụ nữ đòi quyền sống, cuộc đấu tranh cải thiện chế độ lao tù và đã quậy tưng bừng, phá tan trò độc diễn của Thiệu ở Đà Nẵng 1971.
Nghe một cô cán bộ Tổng đoàn chưa đầy 20 tuổi báo cáo, anh Trần Văn Đán (Phó Bí thư Đặc khu ủy) nhận xét: “Cô ấy trẻ măng mà ăn nói già dặn như một chính khách”.
Sau ngày Bác mất, có đôi lúc chúng tôi cảm thấy như mình đơn côi giữa tan tác hoang dại và đạn bom ác liệt thì chính những gương mặt ấy, tiếng nói ấy đã cho chúng tôi niềm tin phong trào còn đó, đang lặng lẽ âm thầm tiến công.
*
* *
Chúng ta ai cũng nhớ câu thơ:
Còn non, còn nước, còn Người
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng
hơn mười ngày nay!
trong bản di chúc lịch sử. Người khẳng định sự trường tồn bất diệt của đất nước, của dân tộc, Người tin là chúng ta nhất định thắng giặc Mỹ xâm lược và sẽ xây dựng lại đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
Đến nay, 40 năm đã qua đi, nhân dân ta, dân tộc ta đã chiến thắng, miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, non sông đã thu về một mối và công cuộc xây dựng lại đất nước sau chiến tranh đã đạt được những thành tựu vô cùng to lớn, những gì có thể định lượng được đều đã hơn 10 lần ngày Người ra đi.
Chỉ tính riêng khối lượng xây dựng, Đà Nẵng không còn các khu nhà chồ, các khu ổ chuột tồi tàn, số nhà xây nhà đúc, có đổ một tấm, hai tấm chưa thống kê được nhưng chắc là hơn 10 lần. Riêng công suất nước sạch do thủy cục cung cấp trước ngày 29-3 là 15.000m3/ngày, nay Công ty Cấp nước bảo đảm trên 200.000m3/ngày. Cũng trong thời gian ấy, sản lượng điện thương phẩm đã tăng 40 lần. Trên con sông Hàn chảy giữa thành phố, trước đây chỉ có hai cây cầu, lại gần như liền nhau, nay từ cửa biển đến quốc lộ 1A đã có 7 cây cầu mà độ vững chãi, nét thanh tú thật đa dạng, nên khó mà nói to đẹp, đàng hoàng gấp bao nhiêu lần.
Nhưng với Di chúc thiêng liêng, chúng ta đều biết, điều mong muốn cuối cùng của Người là “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
40 năm qua, nhiều thế hệ người Việt Nam, lớp cha trước, lớp con sau đã chung sức chung lòng, vượt lên gian khổ, hy sinh thực hiện thắng lợi Di chúc của Người.
Với đại thắng mùa xuân năm 1975, miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, chúng ta có thể báo cáo với Bác đất nước đã hòa bình, thống nhất.
Đây là thắng lợi vĩ đại. Trong thế giới đương đại không có dân tộc nào lại phải gánh chịu những cuộc chiến tranh tàn khốc và dai dẳng như dân tộc ta. Dù di họa chiến tranh, trong đó có chất độc da cam và những vết thương tinh thần còn đó, nhức nhối, thì hòa bình cũng là điều có thật chúng ta trân trọng yêu quý vô cùng.
Chúng ta cũng thấu hiểu nỗi đau chia cắt. Người Đức có bức tường Beclin nhưng không có chiến tranh, người Triều Tiên có chiến tranh nhưng cuộc chiến ấy có độ dài không bằng 1/10 của chúng ta và ở đây không có chuyện thay màu da xác chết, nỗi đau chia cắt không thành sự đối địch thù hận trong từng nhà.
Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi. Chân lý đó nay đã thành hiện thực cuộc sống từ Lũng Cú đến Cà Mau.
Nhưng nghĩ cho kỹ chúng ta không thể yên tâm, không thể thỏa mãn về cả ba điều độc lập, dân chủ, giàu mạnh.
Chưa có thể nói là độc lập hoàn toàn khi còn có một huyện đảo của Tổ quốc bị người ngoài chiếm giữ, khi ngư dân của ta làm nghề trên lãnh hải của ta bị hiếp đáp đủ điều.
Chưa có thể nói là đã thực sự dân chủ, khi Văn kiện của Đại hội X đã chỉ rõ “Dân chủ trong Đảng và trong xã hội còn bị vi phạm”, “Cán bộ lãnh đạo ở một số nơi (nhiều hay ít?) gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ hoặc dân chủ hình thức” (Dân chủ hình thức còn đáng sợ hơn mất dân chủ vì nó tạo ra ảo giác, tạo ra sự vừa lòng với chính điều cần khắc phục nhất - mất dân chủ).
Chưa có thể nói là giàu mạnh khi chúng ta mới vừa ra khỏi danh sách các nước nghèo và chậm phát triển. Bình quân thu nhập của người Việt Nam mới ở tiêu chuẩn quốc tế về những người trên mức nghèo khổ, từ đây đến mức giàu có với hàng chục ngàn đô-la/người/năm còn là một cuộc trường chinh, và còn gian nan hơn khi ngay bây giờ sự phân hóa giàu nghèo đang doãng ra như thách thức tiến bộ và công bằng xã hội, điều chúng ta luôn xem là thể hiện định hướng XHCN.
Chúng ta đã nói nhiều về ý nghĩa của toàn thắng và sẽ còn nhiều lời tôn vinh, nhiều khúc hoan ca về thắng lợi ấy, thời gian sẽ làm tăng thêm chiều kích vĩ đại của toàn thắng.
Nhưng bình tĩnh mà ngẫm nghĩ, chúng ta sẽ hiểu rằng bởi chúng ta quá đau khổ vì chiến tranh, đã trải nghiệm quá nhiều đắng cay tủi nhục với thân phận nô lệ, bởi kẻ thù mà chúng ta đương đầu và đánh thắng là một siêu cường cực kỳ hung bạo, thâm độc, nên hòa bình, độc lập, toàn thắng, mục tiêu của một chặng đường (dù hết sức quan trọng cũng chỉ là một chặng), chúng ta lại nghĩ là của cả cuộc hành trình.
Lênin đã nhận xét: “Không có một cuộc khởi nghĩa nào lại tạo ra CNXH nếu chủ nghĩa này chưa chín muồi về kinh tế”.
Dù trong chiến dịch Hồ Chí Minh, rất nhiều thành phố miền Nam được giải phóng hầu như nguyên vẹn thì đó cũng chẳng đủ là sự chín muồi, là tiền đề vật chất của CNXH. Chưa nói chuyện ngay sau đấy chúng ta chụp ngay cho những cơ sở kinh tế ấy cơ chế quan liêu bao cấp và vận hành nó với những yếu kém tệ hại về quản lý nên mau chóng đẩy nó đến chỗ tàn lụi.
Dù những người làm nên toàn thắng và toàn dân ta kinh qua cuộc kháng chiến đều được rèn luyện và trưởng thành, nhiều phẩm chất cao quý trong chiến tranh vẫn tỏa sáng trong hòa bình, nhưng cũng có nhiều thói quen tư duy và hành động của thời bom đạn trở thành cái gì đó không thích hợp, bất cập trong cuộc làm ăn dựng xây. Hồ Chủ tịch nói: “Muốn xây dựng CNXH phải có con người XHCN”. CNXH mà chúng ta xây dựng đâu phải là CNXH thời kế hoạch hóa tập trung, thời chiến tranh lạnh mà là CNXH thời kinh tế thị trường, toàn cầu hóa, cạnh tranh và hội nhập.
Chúng ta phải đi từ vạch xuất phát của sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực, bảo đảm sự phát triển phồn thịnh của đất nước.
Cách đây gần nửa thế kỷ, năm 1961, khi về thăm quê hương Nghệ An, Hồ Chủ tịch có nói: “So với trước, công việc bây giờ khó khăn hơn, to lớn hơn, phức tạp hơn. Bây giờ Đảng ta phải làm nhiều chuyện… làm cho nước ta ngày càng mạnh, dân ta ngày càng giàu”.
Độc lập tự do là mục tiêu thiêng liêng của những người nô lệ. Dân giàu, nước mạnh là mục tiêu cao cả của một dân tộc tự do.
Sau ngày toàn thắng, nói như Nenson Mandela(*): “Chúng ta chưa có tự do, chúng ta mới giành được quyền tự do để có tự do”.
Cuộc trường chinh để nước ta ngày càng mạnh, dân ta ngày càng giàu, để nhân dân mọi người và mỗi người đều thật sự tự do, hạnh phúc - nếu không có điều ấy thì độc lập tự do cũng chẳng có nghĩa lý gì - là một sự nghiệp khó khăn hơn, to lớn hơn, phức tạp hơn.
Từ những ngày tột cùng đau thương ấy, 40 năm đã đi qua, bao số phận cuộc đời, chúng ta đã làm nên những kỳ tích của thời đại và đứng ở vị trí tiên phong của dòng chảy lịch sử.
Nhìn về chân trời phía trước với những việc lớn phải làm, những mục tiêu lớn phải chiếm lĩnh, lúc này nhớ Bác, nghĩ về Bác, chúng ta ai chẳng thấy lòng ấm áp, thanh thản.
Dù cuộc chiến đấu vẫn còn to lớn hơn, khó khăn hơn, phức tạp hơn, vẫn còn dài lâu và nhiều bão táp, cạm bẫy nhưng chúng ta đầy phấn chấn, tin tưởng.
40 năm qua (và còn nhiều hơn thế), cái cẩm nang thần kỳ, vũ khí nhiệm mầu Bác trao cho chúng ta chính là ý chí, phẩm chất, bản lĩnh trí tuệ của mỗi chúng ta, của cả dân tộc. Nó đang là nhịp đập từng giây của trái tim, thành nếp nghĩ hằng ngày, thành máu thịt cuộc đời chúng ta.
Chính vì vậy và chỉ có như vậy, nó sẽ mãi mãi sinh sôi, sẽ bất diệt.
NGUYỄN ĐÌNH AN
(*): Ngài Tổng thống Nam Phi, chiến sĩ kiên cường đấu tranh chống chủ nghĩa Aphacthai.