.
BÀ ĐỖ THỊ KIM LĨNH, CHỦ TỊCH HỘI LHPN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG:

Bạo lực gia đình là sự vi phạm các quyền sống và an ninh cơ bản của phụ nữ

Sau cuộc tiếp xúc giữa Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh và 130 đối tượng có hành vi bạo lực gia đình (BLGĐ), bà Đỗ Thị Kim Lĩnh (ĐTKL),Chủ tịch Hội LHPN thành phố Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với phóng viên (PV) Báo Đà Nẵng về những giải pháp phòng, chống BLGĐ trong thời gian tới.

* P.V: Qua buổi tiếp xúc giữa Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh và 130 đối tượng có hành vi BLGĐ, Hội LHPN thanh phố đã ghi nhận được những điều gì, thưa bà?

- Bà  ĐTKL:
Trước tiên, phải khẳng định rằng, cuộc gặp mặt giữa đồng chí Chủ tịch HĐND thành phố với những người chồng có hành vi BLGĐ vào ngày 5-8-2009 vừa qua đã gây ấn tượng rất sâu sắc trong nhân dân nói chung, phụ nữ thành phố nói riêng. Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN các tỉnh, thành cũng đã gửi lời chia vui tới Hội LHPN và phụ nữ thành phố Đà Nẵng về sự quan tâm của đồng chí Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố trong phòng chống BLGĐ - một vấn đề đáng lo ngại hiện nay.

Thiết nghĩ, đây là cơ hội để trao đổi thẳng thắn, tìm ra các giải pháp nhằm ngăn chặn và đi đến chấm dứt nạn BLGĐ trên địa bàn thành phố. Cuộc trò chuyện này rất bổ ích, là dịp để các ông chồng thấy được trách nhiệm của mình và các nạn nhân của bạo hành cũng cảm thấy “yên lòng” vì sự quan tâm của xã hội.

* P.V: Sau buổi gặp mặt trên, các cấp Hội Phụ nữ đề ra kế hoạch gì để thực hiện yêu cầu của Chủ tịch HĐND thành phố trong việc hạn chế nạn BHGĐ diễn ra trên địa bàn?

- Bà ĐTKL:
Về phía Hội LHPN thành phố, ngay sau cuộc gặp mặt trên, chúng tôi đã quán triệt trong cán bộ Hội LHPN các quận, huyện thường xuyên theo dõi sự chuyển biến của 130 gia đình BLGĐ để phản ánh kịp thời tình hình cho đồng chí Chủ tịch HĐND và lãnh đạo thành phố. Đồng thời, để nâng cao nhận thức và kỹ năng xây dựng gia đình của các chị là vợ của những người chồng có hành vi BLGĐ, Hội LHPN thành phố đã mời tất cả các chị về tại Hội trường Thành Hội để nghe buổi nói chuyện chuyên đề “Vai trò của phụ nữ trong xây dựng cuộc sống gia đình”.

Đây là dịp để những người phụ nữ là nạn nhân của nạn bạo hành trong các gia đình được san sẻ về mặt tinh thần, các chị sẽ  không đơn độc…

Hy vọng, qua buổi nói chuyện, các chị sẽ hiểu thêm văn hóa ứng xử trong gia đình, các kiến thức có liên quan đến việc ngăn ngừa, hạn chế tình trạng bị chồng ngược đãi, xâm hại...

Dịp này, Hội LHPN sẽ khảo sát tình hình thực hiện cam kết không tái phạm tình trạng bạo lực gia đình mà các ông chồng cá biệt đã ký trong cuộc gặp mặt với đồng chí Chủ tịch HĐND thành phố. Nếu phát hiện có trường hợp tái phạm, Hội sẽ phối hợp cùng các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý.

Đấy là công việc trước mắt. Về lâu dài, để kịp thời tác động tích cực hơn nữa đến các gia đình thường xảy ra nạn bạo lực gia đình và có hoàn cảnh khó khăn, các cấp Hội Phụ nữ thành phố sẽ tập trung triển khai thực hiện mô hình “3 trong 1” với phương thức 3 người giúp đỡ 1 người. Mô hình này nhằm phát động phong trào thi đua, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tinh thần tương thân tương trợ của cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân, góp phần thực hiện chương trình “5 không”, “3 có” của thành phố và mục tiêu bình đẳng giới.

Kết quả của mô hình này là cơ sở để tiến tới thành lập mạng lưới tham gia “Xóa nghèo bền vững”, “Giúp học sinh bỏ học trở lại trường, giáo dục trẻ em chưa ngoan trở nên tiến bộ”, “Ngăn chặn những gia đình thường xuyên xảy ra BLGĐ không còn BLGĐ” theo địa bàn xã, phường, khu dân cư. Mạng lưới này là cầu nối giữa hộ nghèo, cộng đồng và chính quyền trong công tác giảm nghèo, đồng thời tham gia giám sát việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội của chính quyền địa phương.

* P.V: Để thực hiện những yêu cầu trên, các chị gặp những khó khăn gì ?

- Bà ĐTKL:
Chúng tôi cho rằng cần phải tiến hành và tăng cường những hoạt động phối hợp với hệ thống y tế, hệ thống luật pháp, chính quyền địa phương, các trường học và các cơ quan thông tin đại chúng nhằm khắc phục những nguyên nhân và hậu quả của tình trạng đối xử thô bạo với phụ nữ.

Điều đó đòi hỏi phải thay đổi quan niệm, từ việc coi bạo lực là vấn đề nội bộ trong gia đình đến việc coi đó là sự vi phạm các quyền sống và an ninh cơ bản của phụ nữ. Do vậy, việc khắc phục tình trạng BLGĐ đòi hỏi phải sử dụng nhiều biện pháp đồng bộ cả về kinh tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, pháp luật và phải mang tính toàn diện.

Hành vi BLGĐ tồn tại dai dẳng mà không có biện pháp can thiệp hiệu quả xuất phát từ nhận thức, BLGĐ xảy ra như một phần “bình thường” và chấp nhận được của các quan hệ vợ chồng; người chồng đánh vợ gây ra thương tích nhiều lần nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức hòa giải mà không bị xử phạt như hành vi tương tự đối với người không phải trong gia đình. Điểm mấu chốt này cần phải nhìn nhận thẳng thắn để có giải pháp hữu hiệu hơn.

Một trong những khó khăn nữa là BLGĐ chưa được các địa phương quan tâm đúng mức, các cơ quan chức năng còn thờ ơ, thiếu những hình thức xử lý thích đáng mà chỉ dừng lại ở mức cảnh cáo, khuyên răn, giáo dục, chưa thật sự có tác dụng.

Việc tuyên truyền các văn bản Luật có liên quan đến hành vi BLGĐ cho các đối tượng chưa thật sự sâu rộng trong nhân dân. Đã đến lúc chúng ta cần phải khuyến khích “xã hội hóa” các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đưa luật thực sự đi vào cuộc sống.

Riêng đối với việc ngăn ngừa và tiến đến loại bỏ hành vi BLGĐ trong cộng đồng, theo tôi cần  tập trung một số biện pháp như: Khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động can thiệp nhằm giải tỏa căng thẳng về tinh thần; tạo điều kiện giúp đỡ người nghiện rượu, người đánh bạc trong việc chữa trị nghiện rượu, từ bỏ đánh bạc.

Đặc biệt phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ các gia đình nghèo thông qua các chương trình xóa đói giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác. Chính quyền và đoàn thể các cấp cùng cộng đồng trách nhiệm xác định đối tượng có nguy cơ cao gây bạo lực trong gia đình và có biện pháp giúp đỡ họ.

THU HOA (Thực hiện)

;
.
.
.
.
.