.

Bãi La Hường xưa và nay

.

Đất La Hường xưa kia là một vùng cát bồi rộng lớn ven sông Cẩm Lệ. Nơi đây, Ông Ích Khiêm đã cho trồng lũy tre dày chống giặc Pháp. Người xưa đã khuất nhưng bãi bồi ven sông còn sinh sôi mãi…

Đi tìm cội nguồn một vùng đất

Bãi La Hường được triển khai dự án vùng rau an toàn.

Ý tưởng tìm về gốc tích vùng đất có tên La Hường, thuộc phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ) trong quá khứ xa xưa của tôi gần như chìm trong màn sương phủ mờ của thời gian. Cái tên La Hường gần như khó tìm thấy trong các tư liệu lịch sử địa phương. Tôi tìm đến nhà ông Ông Ích Trưng - người cháu đời thứ 21 dòng tộc Ông ở Phong Lệ mong tìm thấy câu trả lời. Ông mở trang giấy trắng, vạch rõ các vị trí rồi chỉ dẫn:

Đất La Hường xưa kia là một cánh đồng cát bồi rộng lớn bên sông Cẩm Lệ. Trên mảnh đất đó, người xưa phân chia thành nhiều xứ đồng. Sát ven sông là Vũng Bùn, kế tiếp là xứ đồng La Hường, Đồng Trại, Ổ Gà, trên cao nữa, cách bờ sông đã khá xa có Rộc Lớn, Thủ Đức… Xứ đồng La Hường sát Vũng Bùn ven sông chính là bãi La Hường nằm dưới chân cầu Cẩm Lệ hôm nay. Đất La Hường rộng lớn đã từng thuộc sở hữu của Ông Ích Khiêm.
 
Khi còn làm quan, Ông Ích Khiêm cho trồng lũy tre dày giữa xứ đồng La Hường và Đồng Trại, lấy tre làm chiến lũy che chở quan quân lúc ấy đang đóng ở Đồng Trại. Trước lúc mất, trong di chúc dặn dò người thân, Ông Ích Khiêm giao mẹ già cho người em thứ 3 phụng dưỡng, đồng thời phân chia cho em xứ đồng La Hường.

Con cháu người em thứ 3 Ông Ích Khiêm lưu truyền qua các đời, canh tác trên mảnh đất cha ông cho đến sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Trong những năm nước ta thực hiện chủ trương cải cách ruộng đất, con cháu Ông Ích Khiêm đã hiến đất, vào hợp tác xã. Từ khi ấy, bãi La Hường bước sang trang sử mới. 

Mảnh đất hoa màu

Từ thuở xưa, La Hường là vùng bãi bồi đất cát, chủ yếu trồng hoa màu. Từ trên cầu Cẩm Lệ nhìn xuống, bãi La Hường nằm giữa sông Cẩm Lệ và một con lạch. Quanh năm, bãi trải dài giữa 2 vùng nước như một bức tranh nhiều mảng ghép đầy màu sắc. Màu đỏ của dền, màu xanh của cải, lốm đốm trắng hoa rau muống, đung đưa vàng ngồng hoa cải quá thì...

Để tìm hiểu sản xuất hoa màu trên đất La Hường từ sau ngày giải phóng, tôi gặp ông Phan Hữu Trung, Chi hội trưởng Chi hội người cao tuổi số 10, phường Hòa Thọ Đông. Năm nay ông đã 80 tuổi nhưng vẫn nhanh nhẹn, tinh anh. Ông cho biết, mùa xuân năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, lòng người rạo rực niềm vui độc lập, tự do. Khí thế tưng bừng ấy sống động trong hoạt động sản xuất người nông dân vào buổi đầu xây dựng cuộc sống mới.

Lúc đó, ông Trung vừa đi bộ đội về vào làm trong Đội sản xuất HTX Hòa Thọ. Trong ký ức của ông Trung, sản xuất hoa màu ở La Hường phát triển nhất vào những năm sau giải phóng. Nhiều loại hoa màu cao cấp đã được trồng ở đây. Nổi bật như bông su lơ Đà Lạt, ớt xanh vừa cay the vừa thơm nồng, rồi su hào, bắp cải...
 
Hằng năm, sau 23 tháng 10 âm lịch, nước rút là lúc La Hường vào vụ. Tháng Chạp, những ngày cận Tết, người đi thu hoạch hoa màu đông như hội khắp cánh đồng. Hồi ấy chưa có con đường bê-tông giữa đồng như bây giờ và không có cầu đi qua lạch ra bãi. Muốn sang La Hường, người ta phải sắm ghe, đan thúng, khi nước cạn thì lội bộ. Mãi đến năm 2008, La Hường mới có được chiếc cầu bê-tông bắc ngang nhờ công trình thoát lũ.

Dự án vùng rau du lịch

Giữa thời đô thị hóa, vùng rau La Hường như mảng xanh ngày càng hiếm hoi phục vụ nhu cầu thiết yếu của đời sống. Vậy mà, La Hường không còn được như trước đây. Một phần do những người trẻ tuổi không mặn mà nghề nông, sức lực người già có hạn, một phần do sản xuất nhỏ lẻ, sản phẩm không cạnh tranh được với thị trường vốn ngày càng khắt khe.

Phát triển kinh tế nông nghiệp giữa đô thị đòi hỏi có những hướng đi mới. Trong định hướng của mình, quận Cẩm Lệ đã dự tính và đang từng bước xây dựng La Hường theo hướng “Nông nghiệp đô thị” - vùng rau an toàn gắn với phục vụ du lịch sinh thái. Dự tính tốt đẹp này đang được thành phố khởi động với dự án “Nâng cao chất lượng an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học giai đoạn 2009 - 2014”.

Thành phố chọn 5 vùng rau đầu tư dự án hàng tỷ đồng, trong đó có La Hường. Ông Phan Hữu Trung ao ước mình được trẻ lại cùng với đổi thay lớn của La Hường. Ông nói: “Dự án ni thì nghe phấn khởi. Mình nghĩ ước chi được trẻ lại để làm. Thành phố, quận, phường làm đề án từ năm 2009 đến năm 2014. Lâu chớ. Làm quy mô lắm, chuyên hoa màu, làm nhà ủ phân, làm đường, nước tưới, nhà lưới… Người già nghe ham nhưng không đủ sức làm. Bây giờ mình động viên con, cháu tham gia vô”.

Êm ả chảy qua những tên làng, tên đất, sông Cẩm Lệ đến La Hường bỗng đâm sầm vào bờ, cuốn cát trôi đến chân cầu lại nhẩn nha trả đất. Bãi La Hường co hẹp phần đầu lại cứ dài thêm mãi phần sau, qua hết Hòa Thọ Đông nối đến Khuê Trung, hình thành nên một bãi bồi ven sông xanh ngút mắt.

Ông Trung nói: “La Hường mất đất nhưng đất không mất, sông lở chỗ này lại bồi chỗ khác. Tôi nghĩ đó cũng là ưu ái của tạo hóa dành cho vùng đất này. La Hường tiếp tục sinh sôi mãi bởi có những con người suốt đời gắn bó với mảnh đất quê hương”.
     
Bài và ảnh: Nguyên Thu
           

;
.
.
.
.
.