.

Bẫy của cò đất

.

LTS: Sau khi Báo Đà Nẵng đăng bài “Mánh kiếm tiền của “cò” đất”, nhiều bạn đọc đã thông tin thêm về những cách kiếm tiền của “cò” đất. Báo Đà Nẵng giới thiệu bài viết của bạn Ngọc Thành về nội dung này.

Người dân tận dụng đất ở các dự án chưa thi công để sản xuất.

Cò đất có lắm thủ đoạn để moi tiền cả hai bên mua đất và bán đất, trong đó một mánh khóe mà họ thường dùng là lừa phỉnh, chiếm dụng tiền đặt cọc của người cần mua đất. 

Khi Khu đô thị mới Nguyễn Tri Phương (quận Hải Châu) đang trong quá trình san ủi mặt bằng và thi công cơ sở hạ tầng, vợ chồng tôi muốn mua một lô đất ở khu này để làm nhà ở, bèn vào hỏi các điểm dịch vụ nhà đất. Ở đâu, nhân viên cũng liến thoắng nói muốn mua ở đâu cũng có, từ chỗ đã làm đường xong, đến chỗ đang san lấp hoặc đang giải tỏa đền bù cũng có, chỉ cần nộp tiền cọc là sẽ có ngay.

Cần mua đất có đất, cần mua phiếu có phiếu (mua phiếu tức là mua đất trên giấy tờ-đất có trên sơ đồ chia lô nhưng chưa có ngoài thực địa). Nhân viên dịch vụ nhà đất còn “gà” chỗ này rẻ hơn, ngon hơn chỗ kia, nên mua! Hoặc “Lô này trước đã có người trả 350 triệu mà chủ không bán, nay vì nhà chủ gặp hoạn nạn, cần tiền, nên họ mới hạ xuống 300 triệu”, “Bà X cũng mới mua 2 lô ở cạnh lô này, vì bà ấy đi coi thầy, thầy bảo dông đất này vượng, làm ăn phát đạt”...

“Cò” H.S chỉ cho tôi một khu nhà đang tháo dỡ trong vùng giải tỏa, còn cách nơi san ủi mặt bằng khoảng 200 mét và khẳng định: “Anh cứ đặt cọc 15 triệu, một tháng nữa là đến nhận đất. Nếu không có đất, bọn em sẽ đền cho anh 30 triệu”. Tôi hỏi lại: “Cơ sở nào anh biết một tháng nữa là có đất?”, “cò” H.S nhếch mép cười, làm ra vẻ quan trọng:
 
“Do em có ông anh là cán bộ lãnh đạo trong Ban quản lý dự án này, nên cái gì mà em chẳng biết”. Nói đoạn, “cò” H.S  bật máy di động oang oang điện đàm ngay với “ông anh”: “Bao nhiêu ngày nữa là xong mặt bằng?”, “21 ngày hả?”. “21 ngày phải không?”. H.S cất máy vào túi, đắc ý nói với tôi: “Đấy, anh thấy không, chỉ có 21 ngày nữa là xong chứ không tới một tháng đâu. Bây giờ chưa giải tỏa xong, mỗi lô chỉ có 220 triệu, nhưng khi giải tỏa xong, ít nhất cũng phải 300 triệu”.
 
Tôi nghe H.S điện thoại rồi ba hoa khoác lác mà cười thầm trong bụng, bởi ai mà biết H.S đang nói chuyện với ai trong máy? Ông anh làm ở Ban quản lý hay là một đồng bọn đang cùng đóng kịch? Cách nói của H.S cốt đánh vào lòng tham của người đi mua đất bởi ý nghĩ chưa đến một tháng mà lợi được gần trăm triệu đồng, từ đó đồng ý đặt cọc.

Nhiều dịch vụ nhà đất kê ra mấy tấm bảng giá, với hàng trăm lô đất, từ đường lớn đến đường nhỏ, từ trung tâm thành phố đến vùng ven đô, nhằm mục đích để người mua đất xem thấy đây là cơ sở lớn, muốn mua cỡ nào cũng có. Nhưng kỳ thực, phần nhiều trong đó chỉ là những lô đất “ma”, do các “cò” tưởng tượng ra mà ghi lên bảng.
 
Cũng có nơi có được mấy tấm sơ đồ chia lô và ai tới cũng lấy sơ đồ ra để hỏi muốn mua lô nào thì bán lô đó, y như họ là chủ của những lô đất ấy. Ở điểm dịch vụ nọ, khi vợ chồng tôi chỉ vào một lô thích mua và cần xem giấy chủ quyền của lô đất ấy, lập tức “cò” đòi phải nộp 10 triệu đồng tiền cọc mới xem được “giấy tờ chính chủ” và “nộp cọc rồi, nếu anh vi phạm thỏa thuận thì anh bị mất tiền cọc, còn tôi vi phạm thì tôi sẽ hoàn trả cho anh gấp đôi”, “chúng tôi là cơ sở lớn, làm ăn đàng hoàng, anh cứ yên tâm đi”... Và khi tôi kiên quyết yêu cầu phải xem hồ sơ gốc trước đã thì tay “cò” lắc đầu nói: “Mua đất mà kỹ tính như anh thì không mua được đâu”.

Vô số những lời phỉnh phờ, lừa lọc để dụ người mua đặt tiền cọc. Hễ ai nhẹ dạ cả tin, nộp cọc cho “cò” rồi thì mới bắt đầu đoạn trường bị “cò” hành, bởi vì chủ lô đất mà người mua đặt cọc ấy hoàn toàn không có ý định bán và cũng chẳng liên quan gì đến tay “cò” nhận tiền đặt cọc! Vậy là “cò” lại môi giới cho người mua một lô khác và người mua đành phải bấm bụng chấp nhận, nếu không muốn số tiền đặt cọc của mình bị chiếm dụng lâu hơn, còn đòi lại tiền thì không biết bao giờ mới đòi được.

Thực tế cho thấy, phần lớn những người mua đất khi đã nộp tiền cọc cho “cò” rồi, sau đó xảy ra vi phạm thỏa thuận, nếu người mua vi phạm thì chắc chắn mất luôn tiền cọc, nhưng nếu “cò” vi phạm thì người mua cũng không dễ gì đòi lại được tiền cọc.
 
Những chữ ghi trong hợp đồng khi giao, nhận tiền cọc như “nếu vi phạm thỏa thuận sẽ bồi hoàn cho bên mua gấp đôi số tiền đã đặt cọc” cũng chỉ là những con chữ bình thường, chẳng có một sự ràng buộc nào trong thực tế. Bởi thông thường, người đặt cọc ít có cơ hội lấy lại tiền; hơn nữa, nhiều người chẳng muốn dây vào chuyện kiện thưa với mấy anh “cò” đất! Đám “cò” thừa biết điều đó nên cứ bẻm mép phỉnh phờ người mua đất nộp tiền cọc, và khi đã nắm được khoản tiền ấy tức là “cò” đã đưa được người mua đất vào bẫy.              
                                        
Bài và ảnh: NGỌC THÀNH

;
.
.
.
.
.