.

Cầu thông tin bảo vệ chủ quyền vùng biển

.

(ĐNĐT) - Lúc 17 giờ ngày 26-7-2009, tàu cá ĐNa 90449 của ông Nguyễn Văn Tư (trú tổ 4, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) đang hành nghề lưới cản ở tọa độ 14º00N, 112º00E thì gặp nạn, chết máy. Tàu trôi tự do trong khi nước tràn vào đang ngập dần khoang máy. Thuyền trưởng gọi bộ đàm về Đồn Biên phòng 248 cầu cứu. Hơn một giờ sau xuất hiện 4 tàu ĐNa 90305, 90303, 90299, 90354 cứu hộ tàu bị nạn.

Các thủy thủ thoát khỏi lưỡi hái tử thần, tàu ĐNa được kéo vào bờ an toàn. Đây là vụ cứu nạn mới nhất thông qua hệ thống thông tin liên lạc biển của Đồn Biên phòng 248.

Ở trên bờ nhưng phải biết ngư dân đang ở đâu

Mọi tình hình trên biển đều được ngư dân thông báo về trạm thông tin liên lạc biển.

Vì sao hầu như các tàu cá đều có trang bị máy bộ đàm, nhưng phải liên lạc với Đồn Biên phòng 248 mới biết tọa độ của tàu bị nạn để cứu? Trung tá Trần Hữu Thanh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng 248, giải thích: Do thói quen giữ bí mật ngư trường khai thác nên các tàu cá trong một đội đánh bắt xa bờ không thể biết vị trí tàu cá của đội khác. Chỉ có Đồn Biên phòng quản lý tàu cá trên địa bàn phụ trách mới biết hết vị trí của các tàu cá đang hoạt động trên biển do các tàu báo về qua tần số sóng bộ đàm qui định chung của Đồn.

Lập đường dây nóng với Bộ Ngoại giao về vấn đề bảo vệ ngư dân

Tại buổi làm việc với UBND thành phố Đà Nẵng ngày 17-8 về các vấn đề đối ngoại, hợp tác quốc tế cũng như tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Ngoại giao với thành phố, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn lưu ý UBND thành phố cần phối hợp chặt chẽ với bộ đội biên phòng kiểm tra, kiểm soát thường xuyên số lượng cũng như hải trình của các tàu cá, đồng thời trang bị những kiến thức cơ bản về luật hàng hải cho ngư dân để tránh trôi lạc vào vùng lãnh hải các nước khác, không dùng mìn, thuốc nổ đánh bắt cá...

Trong trường hợp xảy ra vụ việc các tàu cá bị các nước khác bắt giữ, bên cạnh việc phối hợp với Bộ đội Biên phòng và Quân chủng Hải quân, thành phố cũng cần lập ngay đường dây nóng với Bộ Ngoại giao để Bộ kịp thời nắm thông tin và can thiệp khi cần thiết. (Website thành phố Đà Nẵng)
Tôn trọng việc giữ bí mật ngư trường của ngư dân, bộ phận thông tin và ngư dân có quy ước về “mật danh” tọa độ cho từng tàu. Ví dụ, tàu báo về ở tọa độ đó nhưng sỹ quan thông tin phải cộng, trừ, nhân, chia con số kinh độ, vĩ độ để cho ra vị trí tọa độ thật của tàu. Mỗi ngày sỹ quan thông tin của Đồn phải lên sóng nhiều lần để cập nhật, theo dõi vị trí của các tàu cá. Nếu sắp xảy ra bão thì tần suất liên lạc với các tàu cá dày đặc hơn.

Dù ở trong bờ nhưng Đồn Biên phòng 248 vẫn nắm chắc các tàu cá do đơn vị quản lý đang ở đâu trên biển. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác tìm kiếm cứu nạn và phòng chống bão trên biển. Thông qua sóng bộ đàm, Đồn hướng dẫn tàu ngư dân chạy tránh bão, áp thấp nhiệt đới, đặc biệt là tìm kiếm cứu nạn. Có không ít trường hợp tàu cá ngư dân chết máy, nước tràn tàu đang chìm dần trong vùng bão đang mạnh dần lên đã được cứu nạn an toàn nhờ Đồn Biên phòng vận động điều tàu, hướng dẫn ngư dân cứu nhau trong bão. 

Ông Phạm Văn An, thuyền trưởng tàu ĐNa 90271 được cứu thoát khi tàu đang chìm ở vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, cho biết: Đi xa bờ mới có cá, nhưng giữa biển khơi mênh mông ngư dân đối mặt với nhiều hiểm họa, khó tránh khỏi cái chết nếu không có sự hỗ trợ của ngư dân bạn và của Bộ đội Biên phòng.

Cùng ngư dân giữ chủ quyền vùng biển

Mới đây, Đồn Biên phòng 248 đưa vào sử dụng trạm thông tin liên lạc biển với 3 máy ICOM 710, trụ antenna cao 20m và có tầm phủ sóng 2.000Km, đến tận vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Qua hệ thống thông tin liên lạc, Bộ đội Biên phòng cùng ngư dân bảo vệ chủ quyền vùng biển.

Theo trung tá Trần Hữu Thanh, đây là hệ thống thông tin liên lạc tầm xa hiện đại nhất hiện nay. Hệ thống này góp phần bảo đảm cho ngư dân hoạt động an toàn trên vùng biển xa. Thông qua chế độ lên sóng báo cáo hàng ngày, Đồn Biên phòng nắm được mọi tình hình lao động sản xuất và an ninh trên biển. Sự xuất hiện của tàu lạ xâm phạm chủ quyền, số lượng, số hiệu và mọi hoạt động đều được ngư dân phát hiện thông tin ngay về Đồn Biên phòng và được báo cáo lên cấp có thẩm quyền xử lý. Tin báo của ngư dân còn phục vụ kịp thời cho công tác đấu tranh ngoại giao bảo vệ chủ quyền vùng biển của ta.

“Trên thực tế, việc ngư dân ta hoạt động một cách bình thường trên vùng biển xa cũng là cách khẳng định chủ quyền lãnh thổ Việt Nam theo Công ước quốc tế về luật biển. Việc xây dựng hệ thống thông tin liên lạc biển cũng mang ý quan trọng đối với công tác bảo vệ chủ quyền vùng biển của ta”, trung tá Thanh nhấn mạnh.

Bài và ảnh: Đoàn Sơn

;
.
.
.
.
.