Mới học lớp 6 đã theo cha ra khơi, rồi được giao hẳn con tàu để nối nghiệp, thuyền trưởng tàu ĐNa 90106 Hồ Văn Minh (60 Lê Độ nối dài) dù mới ngoài 30 tuổi, nhưng đã có gần hai chục năm nếm mùi sóng gió.
Anh Hồ Văn Minh, thuyền trưởng tàu ĐNa 90106: “Ra biển nhưng nhiều khi gặp phải “luật rừng”. |
Tìm không ra lao động
Ai cũng tưởng thanh niên ngày nay ngại làm nghề biển vì sợ nguy hiểm tính mạng. Anh Hồ Văn Minh lại khẳng định: “Đó không phải là nguyên nhân chính. Ngày nay đi biển đầy đủ phương tiện lắm. Tàu tốt, máy móc tốt, bật đài lên giờ nào cũng đầy đủ thông tin xa gần. Ngoài chuyện liên lạc với lực lượng Bộ đội Biên phòng, tôi còn nối mạng Internet tại nhà và đều đặn 3 lần/ngày, gia đình sẽ truy cập các đài dự báo hiện đại nhất thế giới để báo cho tôi hay. Nhiều tàu bạn cũng thường hỏi thăm tôi về tình hình gió bão”.
Theo anh Minh, tại Đà Nẵng, những người ở độ tuổi như anh đã dần “rơi rụng” khỏi nghề vì thu nhập giảm sút. “Chỉ cần tìm được công việc với mức thu nhập bằng nửa nghề biển là người ta bỏ lên bờ liền”, anh Minh nói. Sau mỗi chuyến biển, anh Minh lại vắt chân chạy khắp nơi tìm lao động bù vào số người vừa nghỉ. Ở Đà Nẵng tìm không ra, anh phải chạy vào Quảng Nam. Anh Minh cho biết: “Lao động làm nghề biển hiện nay toàn là người Quảng. Nhưng với cái đà này, không biết chừng 10 năm nữa, ai sẽ chịu đi biển đây”.
Mùa cá mà lại thất thu
Mùa cá trên vùng biển Đà Nẵng (16-17 độ vĩ Bắc) kéo dài từ tháng 5 đến tháng 7 âm lịch. Nhưng năm nay, anh Minh nhẩm tính những chuyến gần đây liên tục thất thu. Anh kể: “Trước đây, mỗi chuyến tiêu tốn 30 triệu đồng vốn và thu lại hơn 100 triệu đồng. Nay thì bỏ ra 45-60 triệu đồng mà bán chưa được 100 triệu. Mình lỗ đã đành. Thấy làm ăn không có hứng thú, anh em cũng nản nên người đã thiếu càng thiếu thêm”.
Nhưng đó chưa phải là khó khăn lớn nhất. Điều khiến anh Minh cũng như các thuyền trưởng khác lo lắng là sự gây khó dễ của các tàu nước ngoài. “Trên biển mà người ta cứ chơi “luật rừng” với mình. Họ thích thì sáp tới cắt dàn lưới đầu tư hàng tỷ đồng của ngư dân. Chúng tôi ngoài chuyện tính toán đánh bắt ra sao còn phải chuẩn bị tinh thần đối phó với những tình huống đối đầu trên biển”, anh Minh nói.
Anh Minh cho biết thêm: Bù lại, ngày nay dù trở ngại đôi bề trên biển, nhưng bà con ngư dân đã có đất liền bên cạnh, có Nhà nước hỗ trợ giải quyết khó khăn. Mấy anh Bộ đội Biên phòng với ngư dân như anh em một nhà.
Bộ đội giúp dân khi gặp hoạn nạn trên biển. Ngư dân giúp bộ đội cung cấp những thông tin an ninh trật tự trên biển để có hướng giải quyết. Bạn biển ngày nay đoàn kết giúp nhau thông qua các hoạt động của Bộ đội Biên phòng đứng ra tổ chức các tổ, đội tàu thuyền an toàn khi ra khơi; hễ có chuyện chi ngoài biển là gọi máy Icom cho Bộ đội Biên phòng biết để liên kết lực lượng tàu thuyền ứng cứu lẫn nhau.
Bài và ảnh: Thu Hoa