.
Công ty cổ phần Trung Sơn

Nỗ lực khắc phục ô nhiễm môi trường

Theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch-Đầu tư thành phố Đà Nẵng cấp ngày 24-5-2005 và Giấy chứng nhận trang trại của UBND huyện Hòa Vang cấp ngày 17-1-2006, trang trại chăn nuôi Trung Sơn tại thôn Hòa Phát, xã Hòa Phú có quy mô diện tích 77.900m2, bao gồm 4 khu và đi vào hoạt động từ năm 2005. Trang trại chăn nuôi 600 con heo giống, 6.000 con heo thịt.

Do chưa hoàn thành các thủ tục về môi trường, đất đai cũng như các hạng mục xử lý môi trường nên sau khi đi vào hoạt động, trang trại Trung Sơn thường xuyên gây ô nhiễm môi trường. Đã vậy, tháng 5-2007, Công ty cổ phần Trung Sơn đưa vào hoạt động 2 trang trại nuôi gia công heo thịt cho Công ty Chăn nuôi CP Việt Nam với dây chuyền công nghệ khép kín về chuồng trại, thức ăn và công tác phòng dịch… Song, công đoạn xử lý nước thải chưa bảo đảm đúng quy trình, chỉ qua các hồ lắng đọng trước khi thải ra mương tiêu.
 
Vào mùa mưa năm 2007, nước lũ dâng cao, nước thải từ các hồ chứa tràn ra đồng ruộng, gây thiệt hại cây màu của người dân. Không những vậy, do dư lượng phân còn lại trên đồng ruộng nhiều nên năng suất lúa các vụ mùa tiếp theo chỉ bằng 1/3 đến 1/2 các vụ trước. Dưới sức ép của dư luận nhân dân, 2 vụ lúa năm 2008 và vụ đông xuân 2009, Công ty Trung Sơn đã bồi thường thiệt hại cho nông dân 2 thôn Hòa Phát và Hội Phước với tổng số tiền gần 500 triệu đồng… Tuy nhiên, người dân nơi đây cho rằng do nước phân từ trại chăn nuôi chảy vào đồng ruộng nên ảnh hưởng đến chất lượng gạo và gây nhiễm độc tố trong đất và nguồn nước sinh hoạt.

Tại cuộc họp giao ban tháng 6-2009, ông Nguyễn Văn Vân, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho biết: “Sau khi có thông tin về tình trạng ô nhiễm, chính quyền địa phương đã chủ động lấy mẫu xét nghiệm về nguồn nước sinh hoạt của nhân dân thôn Hòa Phát và mẫu lúa vụ đông xuân 2008 tại cánh đồng Hố Cau gửi cho các cơ quan chuyên môn.
 
Theo kết quả xét nghiệm, các mẫu lúa do để lâu không phơi được nên bị nấm mốc, không bị nhiễm phân; còn nước sinh hoạt chưa phát hiện có độc tố gì. Ngoài việc tích cực giải quyết các hậu quả, lãnh đạo Công ty cổ phần Trung Sơn còn thông qua chính quyền địa phương thực hiện các chính sách an dân, nhằm bảo đảm tình hình ANTT trên địa bàn”.

Trước phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm ở khu vực nói trên, vào ngày 16-6-2008, các ngành chức năng huyện Hòa Vang tổ chức kiểm tra và xử phạt hành chính 20 triệu đồng, đồng thời buộc Công ty Trung Sơn ký cam kết khắc phục tình trạng trên. Tại buổi kiểm tra, ông Nguyễn Phỉ Tâm, Giám đốc quản lý điều hành Công ty cổ phần Trung Sơn cho biết:

Công ty hoàn toàn chịu trách nhiệm về tình trạng ô nhiễm đã gây ra nên ngoài việc bồi thường thiệt hại cho người dân, công ty còn hợp đồng với Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng thiết kế 2 hầm biogas với thể tích chứa 3.000m3, vận hành lấy gas phát điện và lắp đặt thiết bị để xử lý phân heo, lượng nước thải ra môi trường bảo đảm theo quy định cho phép… với dự toán hơn 2 tỷ đồng. Hiện công trình này đang trong thời gian thử nghiệm. 

Do hiện nay người dân đã gieo sạ xong vụ hè thu nên phải đến cuối tháng 8, công ty mới triển khai phương án thi công đặt ống thoát nước dọc theo mương tiêu để lượng nước thải không còn tràn vào các cánh đồng như trước nữa. Ông Ngô Hường, Trưởng phòng Tài nguyên-Môi trường huyện khẳng định, trong đợt kiểm tra vừa qua, đoàn đã ghi nhận nỗ lực khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường của Công ty cổ phần Trung Sơn và yêu cầu công ty phải cam kết hoàn thành tất cả các hạng mục xử lý chất thải trong tháng 6 năm 2009.

Qua vụ việc trên, thiết nghĩ việc hình thành trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm hiện nay là điều rất cần thiết góp phần phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt là xã miền núi còn nhiều khó khăn như Hòa Phú. Cho nên, việc Công ty cổ phần Trung Sơn đi vào hoạt động và giải quyết lao động tại chỗ là điều đáng được ghi nhận. Song, công ty cần phải có biện pháp hữu hiệu, sớm khắc phục những tồn tại nêu trên để ổn định sản xuất và bảo đảm môi trường sống cho nhân dân trong khu vực.

Hạ Sơn

;
.
.
.
.
.